Học vì sợ đòn roi, lấy đâu ra sáng tạo?

Các cụ nhà ta nói rằng “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào” có nghĩa là một đứa trẻ sẽ nên người nhờ roi vọt. Có lẽ lý thuyết đó không chỉ đúng với thời những ông đồ già...
Các cụ nhà ta nói rằng “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào” có nghĩa là một đứa trẻ sẽ nên người nhờ roi vọt. Có lẽ lý thuyết đó không chỉ đúng với thời những ông đồ già ngồi trên chõng tre, tay nhăm nhăm chiếc roi dài sẵn sàng hạ xuống mông của bất cứ mái đầu trái đào nào đang nhấp nhổm không chịu học, mà còn đúng với cả thời nay khi ở một trung tâm giáo dục của một thành phố lớn, các thầy giáo trẻ sẵn sàng “mời” học trò mình chổng mông nằm trên bàn để quật bằng roi đến bầm tím, rồi những trận đấm đá nếu như thầy bắt gặp trò ở những quán điện tử, bi-a.
Hay ở chỗ người ngoài nhìn thấy cảnh ấy thì phẫn nộ vì rõ ràng là hành hạ, xâm phạm thân thể trẻ con, nhưng phụ huynh lại hoan hỉ vì con cái mình nhờ đòn roi mà nên người. Còn bản thân những “nạn nhân” thì khẳng định: Vì sợ roi nên con học tốt hẳn lên! 
Đừng gây áp lực cho trẻ bằng đòn roi
Ơ hơ, thế hóa ra học giỏi vì sợ đòn chứ không phải vì ham học à? Thế thì khác gì một con gấu trong rạp xiếc nhỉ? Chiếc roi điện trong tay người huấn luyện làm cho con vật to kềnh càng sợ khiếp vía mà quên đi tính hoang dã của rừng xanh để bắt chước những điệu bộ giống người. Chẳng có ai điều tra xem hàng ngày những học sinh đồng phục áo trăng quần xanh lũ lượt đến trường kia có em nào giống như những chú gấu, đi học vì yêu cầu cha mẹ, vì sợ đòn roi, chứ không phải vì nỗi niềm khát khao kiến thức. Cũng chẳng có ai thống kê xem, những tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được trao hàng năm kia trong đó có bao nhiêu nhà nghiên cứu, nhà khoa học “thật” và bao nhiêu những người theo đuổi đèn sách chỉ vì giấc mơ bằng cấp, giấc mơ quan lộ “một người làm quan cả họ được nhờ”. Chả trách thế mà đất nước mãi ca bài ca muôn thuở “thừa thầy, thiếu thợ”.
Bộ Lao động Mỹ khẳng định, người lao động ở thế kỷ 21 cần có 13 kỹ năng, mà trong đó, kỹ năng tư duy sáng tạo là quan trọng nhất. Vậy sáng tạo và tư duy sáng tạo đang được hiểu như thế nào? Trước hết phải nói rằng sáng tạo không phải chờ đến thời kỹ thuật hiện đại mới có. Từ những năm 1400, Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha có lần yêu cầu mọi người tìm cách để quả trứng đứng thẳng trên một đầu của nó, mà không được dùng cái đế gì kê ở dưới. T
Tất cả các vị quan trong triều đình đều vò đầu bứt tóc chịu thua. Nhưng có một thủy thủ trẻ bước đến, đập vỡ một đầu của quả trứng và dựng nó lên bằng đầu đó. Tất nhiên, ruột trứng chảy hết ra và các quan thì vô cùng tức giận. Nhưng Nữ hoàng thì không. Nữ hoàng chưa bao giờ nói rằng không được đập vỡ trứng, còn các quan đã nghĩ "mặc định" là như thế. Và Christopher Columbus - người thủy thủ - bằng cách nghĩ vượt ra khỏi "mặc định", đã giải quyết được vấn đề. Ông được Nữ hoàng cung cấp tàu và tiền để bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình. Vậy thì, sáng tạo là nhìn một vấn đề, một câu hỏi... theo những cách khác với thông thường. Tức là nhìn mọi thứ từ các góc độ, tầm nhìn khác nhau, "nhìn" theo những cách không bị hạn chế bởi thói quen, bởi phong tục, bởi tiêu chuẩn... 
Từ năm 2006 - 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế. Trong khi đó, năm 2011, chúng ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký. Con số này, thông tin này gợi điều gì? Đó phải chăng là chúng ta đã nghĩ sai về sáng tạo. Bởi nghĩa gốc tiếng Latinh của từ giáo dục là “làm bật ra” chứ không phải “nhồi vào”. Trong khi đó chúng ta vì sợ đòn roi, vì ham quan lộ mà lại đang cố nhồi kiến thức vào đầu. Thế nhưng một khi nhận thức đã bị kiềm tỏa bởi sợ hãi, ham muốn bình thường thì lấy đâu ra “nghĩ khác, làm khác” theo định nghĩa gần gũi nhất của hai từ “sáng tạo”. Và kết quả là gì? Không dám nghĩ cái lớn, không dám phản biện, không dám sáng tạo  nên "sử dụng mọi thước đo khách quan, dường như nền khoa học và công nghệ của Việt Nam là một thất bại..." - theo báo cáo của nhóm chuyên gia ĐH Havard trong nghiên cứu “Lựa chọn thành công – bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai Việt Nam”. Buồn thay!
Cuối cùng, xin kể hầu bạn đọc một câu chuyện có thật. Đánh giá thế nào là tùy mỗi người, nhưng với tôi chỉ riêng câu nói của nhân vật trong chuyện đã đủ đau lòng lắm rồi. Tại hội nghị các hiệu trưởng trung học nhóm họp tại một quốc gia châu Á, ông hiệu trưởng của một trường chuyên khá nổi tiếng ở Việt Nam cũng được mời tham gia. Vốn tiếng Anh không tồi, thế nhưng có điều là lạ thái độ của các bạn đồng nghiệp với ông không được cởi mở cho lắm. Khi có dịp ngồi trao đổi với đồng nghiệp từ Mỹ ông thẳng thắn chia sẻ đại ý rằng, tôi về chuyên môn thì không kém cạnh nhưng vốn ngoại ngữ không thể bằng các bạn những người hàng ngày sử dụng trong công việc, cuộc sống.
Thế nên tôi đề nghị khi nói chuyện với tôi các bạn hãy nói chậm để tôi hiểu hết nghĩa và trả lời các bạn cho chuẩn. Nghe xong câu đề nghị này, người đồng nghiệp kia vỗ vai ông hiệu trưởng Việt Nam và thốt lên: “Ô, lâu lắm rồi tao mới thấy một học giả Việt Nam thật thà như mày!” và sau đó thái độ của người đồng nghiệp này với ông khác hẳn: tôn trọng và lắng nghe. Câu nói này thoạt nghe thật khó hiểu, nhưng khi đã hiểu rồi thì thấy thật buồn vì các học giả của mình vốn ngoại ngữ kém nhưng lại hay giấu dốt nên cái gì cũng “yes”, cũng “al right” mà đôi khi chẳng hiểu mình đang cũng “yes”, “al right” cái gì. Và điều này làm sao qua mắt được những người đang sử dụng tiếng Anh như cơm ăn nước uống hàng ngày. Mất điểm kiểu ấy trong mắt bạn bè quốc tế thì kể cũng buồn!
Hồng Minh

Đọc thêm