Sự quỳ gối dù trước bất kể thế lực nào, hoàn cảnh nào cũng không thể hiện một cách ứng xử tự trọng bản thân, tôn trọng người khác, những kẻ hung bạo bắt người ta quỳ gối cũng không bao giờ được coi trọng. Ngay cả khi tính mạng của mình hoặc người thân bị đe dọa, nạn nhân quỳ gối van xin nhưng bọn cướp cũng có tha đâu?
Thế mà, hội chứng “quỳ gối” xảy ra hơi nhiều ở xã hội ta. Các cô giáo quỳ hoặc bắt quỳ, người đàn ông quỳ gối chắp tay van xin Cảnh sát giao thông, nam thanh niên quỳ suốt đêm trước cửa phòng cô gái cầu xin tình yêu, cầu thủ quỳ lạy van xin trọng tài,... Những cái quỳ đó không mang lại sự thương hại mà chỉ khiến cho thiên hạ cười nhạo mà thôi!
Trở lại với câu chuyện các cô giáo quỳ ở Nghệ An, bản thân chuyện quỳ đã là phản cảm nhưng những diễn biến sau đó của sự việc này lại thấy các cô giáo quỳ là có nguyên do của nó.
Cơ sở giáo dục trẻ này dù chưa làm đủ các thủ tục cần thiết để hoạt động chính thức nhưng cũng đã được phép đồng ý của Chủ tịch UBND thị trấn chứ không hoàn toàn là “chui”. Đáng quan tâm hơn, cơ sở vật chất được xây dựng khá đầy đủ, khang trang và có tín nhiệm với các phụ huynh gửi trẻ nơi đây.
Tuy nhiên, để “phủi”trách nhiệm, cơ quan chức năng có nhiệm vụ quản lý nói các cô này “không phải cô giáo, chỉ là mấy bà giữ trẻ”. Thực tế là “mấy bà giữ trẻ” này có bằng cấp đàng hoàng, có kinh nghiệm dạy trẻ hẳn hoi, làm việc trong một cơ sở giáo dục (dù chưa hoàn thiện phải tạm dừng hoạt động) thì họ phải là cô giáo chứ? Việc phủ nhận này thấy rõ cái tâm, cái tầm và văn hóa ứng xử của những người làm giáo dục.
Chưa hết, tại cơ sở giáo dục bị tạm đình chỉ này có con của ông Chủ tịch thị trấn học ở đây. Ông cũng phủ nhận chuyện này nhưng danh sách còn đó, tên tuổi và hình ảnh con ông còn đó, người dạy dỗ trực tiếp con ông còn đó, bà con chung quanh còn đó, tại sao phải nói dối thế nhỉ? Đây cũng thuộc lĩnh vực ứng xử và biểu hiện lòng tự trọng của một con người, đặc biệt, người đó lại là lãnh đạo một địa phương.