Người con ưu tú đất Tây Đô
Anh hùng Liệt sĩ Phan Ngọc Hiển sinh năm 1910 ở rạch Cái Khế, ấp Thới Hòa, xã Thới Bình, tỉnh Cần Thơ. Mẹ là bà Trương Thị Cư, cha là ông Phan Ngọc Vinh. Mồ côi cha khi mới 3 tuổi, đến năm 10 tuổi thì mẹ ông cũng qua đời. Hiện nay ở phường Thới Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có khu mộ và đền tưởng niệm cụ Trương Thị Cư - mẹ liệt sĩ Phan Ngọc Hiển.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Hùng Việt- người gọi Anh hùng liệt sĩ Phan Ngọc Hiển là cậu Năm và gọi bà Trương Thị Cư là bà cô Tư vì bà là chị ruột của ông ngoại ông Việt cho biết: Những gì ông biết về thầy giáo Hiển đều qua lời kể của mẹ ông là bà Trương Nguyệt Lài (Ba Lài). Hiện ông Việt còn giữ một bản viết tay tiểu sử của thầy giáo Phan Ngọc Hiển và một bản Hồi ký của mẹ ông (bà Lài) viết về anh của mình. Qua những tư liệu này, phần nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thân thế và cuộc đời anh hùng Phan Ngọc Hiển.
|
Bản viết tay “Hồi ký về liệt sĩ Phan Ngọc Hiển” của người em gái Trương Nguyệt Lài |
Theo ông Việt kể, năm 10 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ nên ông Hiển về ở với cậu là ông Trương Quan Đẩu. Ông được cậu cho ăn học đến lúc trưởng thành.
Trong hồi ký, bà Ba Lài kể lại, sau khi đậu Thành Chung thầy giáo Hiển tiếp tục thi để học Trường Sư phạm ở Sài Gòn. Trong thời gian ấy, “tôi được biết ông Phan Chu Trinh qua đời, Trường Sư phạm của anh bãi khóa cùng với các trường và các tầng lớp đồng bào đông đảo để tang. Sau đó nhà trường triệu tập học sinh cho học lại. Vì có hành vi đấu tranh chống nhà cầm quyền Pháp nên sau khi thi đậu, anh bị đưa về dạy học tận nông thôn Rạch Gốc – Minh Hải”, bà Lài viết.
|
Khu mộ bà Trương Thị Cư (mẹ Liệt sĩ Phan Ngọc Hiển) nằm trong con hẻm nhỏ gần trụ sở UBND phường Thới Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) |
Đồng thời, qua ghi chép của bà Lài cũng thể hiện thực tế hoàn cảnh của người dân Rạch Gốc lúc bấy giờ. Những thông tin này là thầy giáo Hiển đã viết thư kể cho bà nghe. “Rạch Gốc thời điểm đó tất cả khoảng 450 hộ dân, chỉ có một số hộ khá, còn hầu hết là người lao động nghèo đói. Phần nhiều là dân chài lưới, mà chài lưới không tiền mua sắm thuyền ra khơi để bắt cá. Phải vay của mấy ông Bang người Huê Kiều để mua dụng cụ. Đánh bắt được tôm cá phơi khô thì người Huê Kiều giàu có độc quyền mua, chở lên Sài Gòn bán. Không bán cho họ thì họ siết nợ, họ không cho vay nữa, bởi vậy mà dân nghèo càng nghèo khổ”,
Lúc này, ông đã đứng lên diễn thuyết cho người dân hiểu. Muốn có một nền văn hóa đặc thù, việc đầu tiên dân tộc phải làm là có “độc lập, tự do”. Làm thầy giáo, thay vì dạy cho học trò: Tổ quốc ta là nước Pháp, tổ tiên ta là người Gô-loa như trong… sách, Phan Ngọc Hiển dạy về Lạc Long Quân, Âu Cơ và các vua Hùng… Thầy Hiển còn thành lập Hội Đá banh, Hội Ca nhạc để tập hợp thanh niên, hun đúc lòng yêu nước. Vì vậy, ông dạy học trong khoảng 2 năm bị thực dân Pháp bắt 2-3 lần. Nhân dân đứng lên phản đối và yêu cầu phải thả ông ra. Bọn Pháp thấy nhân dân đấu tranh mạnh mẽ, đồng thời thấy nhân dân Cà Mau rất tín nhiệm và yêu kính ông nên buộc lòng chúng phải thả.
Sự hy sinh anh dung của thầy giáo, nhà báo Phan Ngọc Hiển
Theo tư liệu từ Tuần báo Tân Tiến, cuối năm 1935, thầy giáo Hiển làm phóng viên cho tờ báo có tòa soạn đặt ở Sa Đéc. Cuối năm 1937, Xứ ủy Nam kỳ điều ông về Sài Gòn bổ nhiệm vào Ban Biên tập báo Liên đoàn Lao động thuộc Công hội Đỏ Nam Kỳ. Tháng 6/1939, ông được phân công trở lại hoạt động ở vùng Rạch Gốc. Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, ông trực tiếp lãnh đạo tổ chức cuộc nổi dậy ở Hòn Khoai ngày 13/12/1940 nhưng do bị lộ nên bất thành. “10 chiến sĩ Hòn Khoai” trong đó có ông đã bị bắt và xử bắn tại sân vận động thị trấn Cà Mau ngày 12/7/1941 khi ông mới 31 tuổi.
Tại pháp trường, ông giật chiếc băng đen bịt mắt và tuyên bố trước kẻ thù: “Những người Cộng sản coi cái chết rất tầm thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no, nhất định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt thực dân pháp, nhất định Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập”. Trước khi kẻ thù nổ súng, thầy giáo Hiển hô to khẩu hiệu: “Nước Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.
|
Ông Việt thờ phụng, lo việc nhang khói và hàng năm tổ chức đám giỗ đều đặn cho Liệt sĩ Phan Ngọc Hiển |
Trong hồi ký bà Lài có kể lại cái thời khắc hay tin này. “Cuối năm 1940, được tin anh tôi và các đồng chí của anh bị bắt sau khởi nghĩa Hòn Khoai. Sau khi bị thực dân Pháp xử bắn, có đăng báo Tia sáng, chồng tôi đọc báo biết tin nhưng 2-3 tháng sau mới cho tôi hay! Được tin tôi bủn rủn cả người”.
Với bà Lài, “anh tôi là người anh hùng, sống theo đạo lý làm người, mang nhiều chất anh hùng mã thượng, không nhỏ nhen, ích kỷ. Anh đã sống, chết vì mọi người. Anh tôi không chịu làm một nhánh rêu hèn sống gởi cành khô. Anh đã bắt nguồn từ mặt đất, ảnh hưởng ngoại lai không hề đổi chất”
“Ngày nay, sự nghiệp cách mạng anh từng theo đuổi đã thành công. Anh đã từng sống như một mũi tên vút thẳng về phía trước lao vào kẻ thù như một vệt sáng không bao giờ tắt. Anh đã biết cách sống qua một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng chưa hề bị bôi lấm bởi những giành giựt đua chen tầm thường, những tham vọng thấp hèn, những mưu đồ xảo trá, những tính toán nhỏ nhen vị kỷ. Anh đã sống một cách tuyệt đẹp: Vì dân tộc này mà xả thân, anh vì quê hương này mà trường tồn. Đẹp đẽ thay một cuộc đời.”, bà Lài viết trong hồi ký.