Tham dự hội thảo có Nhà báo Nguyễn Quang Tám, Trưởng VPĐD Báo Pháp luật Việt Nam Khu vực Bình Trị Thiên; ông Hoàng Quang Bình, Chánh toà Hình sự Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Tạ Đình Thành, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP. Huế... Về phía trường Trường Đại học Luật, Đại học Huế có PGS.TS Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, TS. Nguyễn Ngọc Kiện, Trưởng Khoa luật Hình sự cùng các thầy, cô giáo của Khoa.
Hội thảo nhằm đẩy mạnh và nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học thường niên, tạo diễn đàn để các chuyên gia, các giảng viên và sinh viên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật hình sự. Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam (9/11).
TS. Nguyễn Ngọc Kiện, Trưởng khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế phát biểu tại hội thảo |
Với chủ đề “Tội phạm hóa trong luật hình sự Việt Nam và thực tiễn định tội danh”, hội thảo đã thu hút các chuyên gia luật, nghiên cứu sinh và nhiều sinh viên tham gia, các vấn đề nghiên cứu đa dạng bao gồm: Nhận diện tội phạm hoá trong Bộ luật hình sự năm 2015, Hình sự hoá và phi hình sự hoá tội phạm trong lĩnh vực kinh tế tại Liên Bang Nga, Những tác động của nền kinh tế thị trường đến tội phạm hoá trong lĩnh vực kinh tế…
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Kiện, Trưởng khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế cho biết, lĩnh vực pháp luật hình sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và trong các hoạt động lập pháp. Trong đó, vấn đề tội phạm hóa và phi tội phạm hóa trở nên thường xuyên trong các thời kỳ cách mạng khác nhau cũng như trong từng giai đoạn khác nhau.
Việc làm rõ các chính sách hình sự về tội phạm hoá, phi tội phạm hoá trong Bộ luật Hình sự góp phần bổ sung thêm lý luận về tội phạm hoá và phi tội phạm hoá trong hệ thống pháp luật hình sự của nước ta hiện nay và triển khai có hiệu quả chính sách hình sự trong tình hình mới ngày càng phù hợp hơn với thực tế cuộc sống.
Nhà báo Nguyễn Quang Tám, Trưởng VPĐD Báo Pháp luật Việt Nam Khu vực Bình Trị Thiên bày tỏ mong muốn, hội thảo sẽ tìm kiếm các giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tội phạm hoá và phi tội phạm hoá trong pháp luật hình sự |
Theo nhà báo Nguyễn Quang Tám, Trưởng VPĐD Báo Pháp luật Việt Nam Khu vực Bình Trị Thiên: “Việc đấu tranh phòng chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân. Tội phạm hoá và phi tội phạm hoá cũng là một mục tiêu cơ bản trong cuộc đấu tranh phức tạp này. Có thể thấy, trong thời gian qua hoạt động của các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các băng nhóm, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều địa phương. Vì vậy, việc phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm là thực sự cần thiết”.
Từ thực tế nêu trên, Nhà báo Nguyễn Quang Tám bày tỏ mong muốn, tại hội thảo các chuyên gia, nghiên cứu sinh, đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận, tìm kiếm các giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tội phạm hoá và phi tội phạm hoá trong pháp luật hình sự bảo đảm phù hợp và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới.
Ông Hoàng Quang Bình, Chánh toà Hình sự Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế giải đáp các vấn đề pháp luật về thực tiễn định tội danh |
Nói về lịch sử tội phạm hóa các hành vi tham nhũng trong pháp luật hình sự Việt Nam và một số định hướng hoàn thiện trong giai đoạn hiện nay, TS. Trần Văn Hải, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng Hình sự, Trường Đại học Luật Huế cho rằng, trước sự phát triển của nền kinh tế, chính trị, xã hội, cũng như quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực đã đặt ra các yêu cầu lớn cho việc hoàn thiện chính sách pháp luật nói chung và chính sách pháp luật hình sự nói riêng. Trong đó, hoàn thiện các tội phạm tham nhũng không phải là ngoại lệ.
Mặc dù hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam ngày càng hoàn thiện, thể hiện chính sách pháp luật đúng đắn của Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên trước sự đa dạng và phức tạp của các hành vi tham nhũng, cũng như yêu cầu của các cam kết trong hiệp định có liên quan đến phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam tham gia, các quy định về nhóm tội phạm này vẫn còn bộc lộ những thiếu sót, hạn chế.
TS. Trần Văn Hải, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng Hình sự, Trường Đại học Luật Huế chia sẻ về vấn đề tội phạm hóa các hành vi tham nhũng trong pháp luật hình sự Việt Nam |
Như vậy, trước những thiếu sót, hạn chế trong quy định của pháp luật hình sự Việt Nam và những yêu cầu đặt ra đối với quá trình tội phạm hoá các hành vi tham nhũng thì việc nghiên cứu tìm ra hướng sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định là rất cần thiết, nhằm tạo sự tương ứng, phù hợp với các cam kết được thể hiện trong các hiệp định cũng như các quy định quốc tế về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, việc hoàn thiện này góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống các tội phạm tham nhũng ở nước ta hiện nay, TS. Trần Văn Hải nêu.
Ông Tạ Đình Thành, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP. Huế chia sẻ tại hội thảo. |
Đối với vấn đề nhận diện phi tội phạm hóa trong Bộ Luật Hình sự năm 2015, ThS.NCS. Vũ Đình Hoàng cho rằng, thực tiễn lập pháp hình sự ở Việt Nam đã cho thấy, hiện nay việc nhận thức đầy đủ về phi tội phạm hoá cũng như tội phạm hoá trong giới nghiên cứu khoa học pháp lý còn nhiều điểm chưa thống nhất. Điều này dẫn đến thực trạng Bộ luật hình sự năm 2015 mắc phải nhiều lỗi về kỹ thuật lập pháp, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến phi tội phạm hoá.
TS.GVC Nguyễn Thị Bình, Trưởng Bộ môn Luật hình sự - Khoa luật Hình sự - Trường Đại học luật Huế trong tham luận với chủ đề: Tội phạm hoá hành vi dâm ô trong bộ luật hình sự 2015 – nghiên cứu so sánh với pháp luật quốc tế cho rằng: Về nguyên tắc, hành vi xảy ra thời điểm nào thì áp dụng pháp luật thời điểm đó, cho dù pháp luật chưa phù hợp. Để pháp luật hình sự là công cụ đủ mạnh để răn đe và xử lý các hành vi xâm hại tình dục nói chung và hành vi dâm ô, quấy rối tình dục đối với trẻ em nói riêng, các quy phạm pháp luật hình sự cần có các quy định điều chỉnh phù hợp phản ánh được thực tiễn, nhằm thống nhất nhận thức trong quá trình áp dụng pháp luật, tạo điều kiện xử lý tội phạm kịp thời, nhanh chóng và đủ sức răn đe.
Sinh viên Nguyễn Quang Liêm, Khoa Hình sự, trường Đại học Luật, Đại học Huế đặt câu hỏi tham gia thảo luận tại hội thảo |
Thạc sĩ, NCS Lê Thị Khánh Linh trong tham luận của mình cho rằng: Để bảo đảm phù hợp và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện kinh tế mới, Bộ luật Hình sự 2015 đã phi tội phạm hoá đối với 08 tội danh trong đó có 04 tội danh liên quan đến lĩnh vực kinh tế, được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Việc bãi bỏ các tội danh trong BLHS xuất phát từ những căn cứ khác nhau. Có tội danh thì phải phi hình sự hoá một cách hoàn toàn, nhưng cũng có các tội có sự chuyển hoá theo cách bỏ tên tội danh cũ và việc xử lý các hành vi tương tự sẽ được chuyển hoá vào các điều luật quy định về tội danh khác trong BLHS năm 2015….
Hội thảo đã nhận được 13 bài tham luận trình bày những vấn đề về tội phạm hóa, định tội danh, thực trạng và những tác động của nền kinh tế thị trường đến tội phạm hóa... Các tham luận cũng làm rõ cơ sở lý luận và ý nghĩa thực tiễn của những điểm mới; phân tích những hạn chế, bất cập cần tiếp tục khắc phục và đề xuất phương hướng hoàn thiện về vấn đề tội phạm hóa trong luật hình sự…
Trao giấy chứng nhận cho các sinh viên có tác phẩm được đăng trong tập kỷ yếu hội thảo. |
Tại hội thảo, ngoài việc giải đáp các vấn đề về pháp luật về thực tiễn định tội danh, tội phạm hóa đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực bất động sản, tội phạm hoá trong lĩnh vực kinh tế, Chánh toà Hình sự Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Huế cũng đã trao đổi, giải đáp các thắc mắc của các thạc sĩ, nghiên cứu sinh, các bạn sinh viên xoay quanh những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.
Hội thảo cũng đã trao giấy chứng nhận cho các sinh viên có tác phẩm được đăng trong tập kỷ yếu hội thảo.