Hồi ức cựu binh 10 năm lái xe phục vụ Tướng Giáp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quãng thời gian 10 năm phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là quãng thời gian không thể quên trong đời cựu chiến binh Nguyễn Duy Khoa (SN 1954, quê xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh; xưa là huyện Lệ Ninh, tỉnh Bình Trị Thiên; hiện ngụ phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).
Ông Khoa nâng niu bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Khoa nâng niu bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những ngày cận kề Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), ông lại nhớ đến những hồi ức về vị tướng bình dị.

Vị tướng luôn nói lời cảm ơn

Năm 1978, sau khi tốt nghiệp Trung học Thủy lợi 1 Trung ương, ông Khoa nhập ngũ và được huấn luyện tại D32, E542, Quân khu 3; rồi được cử đi đào tạo lái xe tại Trường lái xe Quân khu 3 (Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương).

Tháng 5/1979, ông về công tác tại D3, Cục Quản lý Giáo dục Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng. Hai tháng sau đó, ông được giao nhiệm vụ lái xe riêng phục vụ cán bộ cao cấp tại số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Nhận nhiệm vụ được giao thời điểm ấy, chàng lính trẻ Nguyễn Duy Khoa vẫn không hề hay biết bản thân ông được vinh dự lựa chọn làm lái xe riêng phục vụ Đại tướng.

“Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên được đại đội trưởng gọi lên, giao nhiệm vụ lái xe phục vụ nhà 30 Hoàng Diệu. Lúc đó còn trẻ, tôi không biết số nhà 30 là nơi ở của Đại tướng. Khi đến nơi mới vỡ òa, vừa mừng vì vinh dự được phục vụ Đại tướng, cũng vừa hồi hộp và run”.

“Một lúc sau tôi được Đại tướng cho gọi lên gặp mặt. Khi biết tôi là người Lệ Ninh, Bình Trị Thiên, Đại tướng tươi cười nói “chúng ta là đồng hương”, rồi dặn dò tôi là cố gắng làm việc thật tốt. Đại tướng nói đừng gọi ông là thủ trưởng, mà hãy gọi anh xưng em, như thế cho dễ nghe, dễ làm việc. Đại tướng đã cho tôi cảm giác rất gần gũi ngay lúc đầu gặp mặt, chứng tỏ một nhân cách lớn với mọi người xung quanh”, ông Khoa kể lại.

Trong quãng thời gian 10 năm từ 1979 - 1989 lái xe phục vụ Đại tướng, ông Khoa được Đại tướng xem như một người thân trong gia đình. Có nhiều năm đến dịp Tết, vì đặc thù công việc và khoảng cách về quê khá xa nên ông Khoa ở lại với gia đình Đại tướng.

Đối với ông Khoa, được lái xe phục vụ Đại tướng là điều may mắn và vinh dự lớn nhất trong cuộc đời. Quãng thời gian 10 năm gắn bó với Đại tướng giúp ông đúc rút ra nhiều bài học quý giá, học hỏi cách đối nhân xử thế, đức tính giản dị của Đại tướng.

Nhớ về chuyến đi Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 1984, ông Khoa kể: “Lúc Đại tướng lên đến Điện Biên, rất đông người dân đã đứng chen chúc để đón. Vừa thoáng thấy Đại tướng là mọi người ào đến ôm Đại tướng. Tôi thấy rõ những nụ cười và cả những giọt nước mắt vui mừng của người dân khi được gặp Đại tướng. Đó là lúc tôi cảm nhận được rõ nhất tình cảm mà người dân dành cho vị tướng huyền thoại của chúng ta. Xúc động vô cùng”.

“Với tôi, được gắn bó, phục vụ Đại tướng là một điều vô cùng may mắn. Tôi học tập được từ Đại tướng rất nhiều điều. Những cử chỉ, lời nói giản dị của Đại tướng, tôi luôn khắc cốt ghi tâm và lấy đó làm bài học về cách đối nhân xử thế. Đại tướng đều nói lời cảm ơn sau mỗi lần chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp hình lưu niệm cùng anh em phục vụ đầu Xuân 1982.

Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp hình lưu niệm cùng anh em phục vụ đầu Xuân 1982.

Những kỷ niệm sống mãi

Ông Khoa hồi ức, là Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, dẫu bận rộn nhiều công việc của đất nước nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành thời gian quan tâm đến việc ăn uống, nghỉ ngơi của những người phục vụ. Với tất cả những người xung quanh, Đại tướng luôn gần gũi, không hề có sự phân biệt. Cũng chưa bao giờ thấy Đại tướng mắng giận hay quát nạt một ai. Mỗi khi ai đó có thiếu sót hay sơ suất gì, Đại tướng chỉ nhắc nhở và chỉ bảo nhẹ nhàng.

Sau 10 năm gắn bó với công việc lái xe phục vụ Đại tướng, năm 1989, do hoàn cảnh gia đình, bố tuổi già đau yếu, con thơ nên ông Khoa xin phép Đại tướng được chuyển về quê công tác. Thời điểm được Đại tướng đồng ý, cảm xúc của ông lẫn lộn buồn vui, những lời căn dặn của Đại tướng ngày ấy đến nay ông vẫn còn nhớ như in.

“Ngày tôi chuẩn bị rời Hà Nội, Đại tướng gặp tôi và dặn rằng hãy coi nhà Đại tướng là gia đình thứ hai, khi nào có dịp ra Hà Nội công tác thì cứ tự nhiên vào nhà, không phải báo cáo. Nên mỗi lần có công chuyện ra Hà Nội, tôi đều dành thời gian đến thăm gia đình Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu”, ông Khoa nói.

Đến nay, dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa nhưng những câu chuyện, ký ức về Đại tướng trong ông Khoa vẫn sống mãi. Trong không gian phòng khách tại căn nhà nhỏ của mình, vợ chồng ông dành một không gian trang trọng để lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi khi lật lại xem từng bức ảnh được chụp chung với Đại tướng, ông Khoa lại rưng rưng xúc động.

Với những đóng góp trong quá trình quân ngũ, cựu chiến binh Nguyễn Duy Khoa cũng vinh dự được tặng Huân chương kháng chiến Hạng Nhì, nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Quốc phòng, địa phương về những thành tích xuất sắc trong công tác.

Đọc thêm