Anton Đavit, có số lính 658959 và chứng minh thư phi công Mỹ số 6515599 cấp ngày 1/8/1946, bị các lực lượng phòng không bắn rơi máy bay, nhảy dù xuống địa phận xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày 25/8/1965, là một trong hàng ngàn trường hợp như thế.
Chúng tôi đã tìm về địa chỉ nơi viên phi công Antôn-Đavít bị bắt sống ngày ấy. Ông Nguyễn Bút, 90 tuổi, cán bộ đang nghỉ hưu tại thôn Đại Phúc, vẫn hồi ức tường tận, đưa cả sổ ghi chép của thời ấy khi ông đang là phó bí thư huyện ủy Quảng Ninh để cung cấp và kể cho khách nghe câu chuyện.
Ông chính là một trong những người dẫn giải viên phi công này lên huyện, tránh cơn thịnh nộ của những người dân có thân nhân bị tử nạn vì bom Mỹ.
Nhọc công bảo vệ… kẻ thù
Ngày 7,8 và 11/2/1965, Mỹ dùng lực lượng không quân, cất cánh từ hạm độ 7, đậu ngoài khơi Thái Bình Dương, ào ạt đánh vào thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, thực hiện chiến dịch “mũi tên xanh”, mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc XHCN, hòng ngăn chặn sự tiếp ứng của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Tiếp sau ngày đó, bất kể đêm hay ngày, không quân Mỹ mở rộng phạm vi và sử dụng nhiều phương tiện chiến tranh tàn phá các hạ tầng cơ sở, nhất là mạch máu giao thông Bắc – Nam một cách ồ ạt, rầm rộ.
|
Bom đạn máy bay Mỹ gây nên biết bao điêu tàn |
Bao cảnh tang thương, chết chóc đã diễn ra. Bao công trình nhà thương, trường học đã ngập chìm trong đổ nát…
Tuyến đường 15A phía Tây Quảng Bình chạy vào tận Tây Nam Vĩnh Linh bị bom đạn Mỹ bằm nát. Để ngăn chặn sự phá hoại của máy bay Mỹ và bảo vệ tuyến đường dã chiến Bắc – Nam, đang là độc đạo này, một tiểu đoàn pháo phòng không 37 ly thuộc Quân khu 4 được cấp tốc kéo về, ém quân tại vùng đòi núi Cẩm Ly, giáp ranh giữa hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình).
Khoảng 8h sáng ngày 25/8/1965, máy bay Mỹ từ ngoài khơi lao vào, ném bom xuống cầu Cẩm Lý trên tuyến đường 15A. Lưới lửa phòng không của tiểu đoàn pháo phòng không Quân khu 4 bắn trả dữ dội. Một máy bay Mỹ trúng đạn. Một cánh dù bật ra. Những chiếc máy bay Mỹ còn lại vội vã chuồn thẳng.
“Nghe tin máy bay rơi và phi công Mỹ nhảy dù, dân quân tự vệ của xã tui và Hoa Thủy (Lệ Thủy) vội vã chạy lên núi. Lúc đó, tui là phó bí thư huyện ủy, đang về công tác tại xã. Tui cùng chạy theo anh em để truy bắt giặc lái”, ông Bút nhớ lại.
|
Bằng chất giọng hứng khởi, ông kể tiếp: “Tên giặc lái nhảy dù xuống vùng đồi núi Ô rô, dưới chân dãy Trường Sơn, cách địa phận xã Vạn Ninh làng tui độ 6km đường chim bay. Khi tốp đầu dân quân xã tui tiếp cận, hắn đang lúi húi mở điện đài để gọi đồng đội.
Tiểu đội trưởng liền nổ súng chỉ thiên, cảnh cáo. Hắn quay lại, run rẩy, đưa hai tay lên hàng. Chúng tôi đến tước vũ khí, điện đài, lục lấy hết giấy tờ trong người hắn và giải đi”.
Viên phi công này được giải về, tạm giữ tại nhà kho của thôn Giữa, xã Vạn Ninh. Nghe tin, nhân dân ùa tới vây kín. Một số vì tò mò, một số thì muốn đánh đòn, vì bom đạn Mỹ đã giết hại bao người thân vô tội trong gia đình họ trước đó.
Có một bà vác cái đòn gánh, xông vào, mắt long lên, thét dữ dằn: “Thằng giặc Mỹ đâu rồi, để tui giết nó. Nó giết chồng và con trai tui khi đi làm ruộng. Tránh ra! Tránh ra! Để tui giết nó cho hả dạ”. Dân quân phải khó khăn mới cản lại, đồng thời hô hào, kêu gọi mọi người giải tán. Thế nhưng nhiều người dân xã Vạn Ninh đầy nộ khí vẫn vây kín khu nhà kho.
Phi công Mỹ mặc áo bà ba nâu
“Cùng với tui là phó bí thư huyện ủy, nghe tin, anh Nguyễn Minh Dực, huyện đội trưởng và anh Phát, phó Công an huyện cũng nhanh chóng băng đường có mặt. Chúng tôi cho mời một thầy giáo dạy môn Nga văn nhưng thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp của trường Phổ thông cấp 3 Đồng Hới đang sơ tán tại xã nhà ra làm thông ngôn.
Chứng minh thư của hắn ghi tên là Antôn-Đavít. Tui ghi lại rành rọt vào sổ tay tui cất giữ đến chừ, từ số lính, số chứng minh thư, ngày cấp của hắn”. Nói rồi ông Nguyễn Bút đưa cuốn sổ tay đã ố vàng cất trong tủ hơn nửa thế kỷ nay, giở trang ghi chép ấy đưa cho chúng tôi xem.
|
Lưới lửa phòng không miền Bắc bắn trả máy bay Mỹ |
Lập tức, các cán bộ lãnh đạo hội ý và quyết định bí mật đưa ngay Antôn-Đavít về nhà riêng của ông Nguyễn Bút để tạm giữ. Cuộc “giải vây” dân chúng quả là khó trong tình thế này.
Nghĩ kế, ông Nguyễn Bút liền cởi áo quần bà ba nâu của mình đang mặc, ra lệnh cho Antôn-Đavít thắng vào. Rồi mượn một cái nón cời, ông chụp lên đầu nó, cùng dân quân lẳng lặng chui hàng rào phía sau kho đi ra.
Bữa cơm của gia đình vị Phó Bí thư huyện ủy Quảng Ninh mời Antôn-Đavít ăn là cơm độn ngô và cua đồng nấu với lá lốt. Phi công Antôn-Đavít đói quá ăn sì sụp, gây tức cười với mọi người đứng xung quanh đó.
Có mấy củ sắn mới đào ngoài vườn, bà vợ ông “ghế” vào nồi cơm, được đưa ra mời viên phi công ăn tráng miệng, một cử chỉ rất lịch thiệp, dân dã của người phụ nữ ở quê. Hắn gật đầu cảm ơn và nhai rất ngon lành.
Ông Bút kể, khi uống nước chè xanh mà ông rót cho sau bữa cơm trưa, viên phi công gật gù. Không biết là Antôn-Đavít cám ơn ông hay thú vị cái chất đặc quánh trong bát nước chè xanh trồng trên đất sỏi Vạn Ninh quê hương ông.
|
Giặc lái Mỹ bị bắt sống |
Sau bữa cơm trưa, cuộc giải tù binh Antôn-Đavít về tỉnh đội bắt đầu. “Tui cùng bốn dân quân áp giải hắn. Tất cả đều đi tắt đường giữa đồng để tránh mọi người gặp mặt. Xuống Xuân Dục, qua đò Trung Quán, về Trúc Ly, qua sông Quán Hàu rồi theo đường làng Lệ Kỳ mà về Thuận Lý.
Trụ sở Tỉnh đội Quảng Bình lúc này đang sơ tán ở đó. Dĩ nhiên, Antôn-Đavít trên đường đi cũng được đóng vai ông nông dân Việt Nam trong bộ áo bà ba nâu, đầu đội nón cời, để tính mạng được an toàn”, vị Phó bí thư huyện ủy nhớ lại.
Hơn nửa thế kỷ đã qua. Không biết Antôn-Đavít mang số lính 658959 của quân nhân Mỹ có còn không và đang ở đâu? Kể lại chuyện này, ông Nguyễn Bút cười sảng khoái:
“Người Việt Nam mình là thế! Với kẻ thù tìm cách giết mình thì mình phải kiên cường mà tiêu diệt nó. Còn khi nó trong tay mình rồi thì phải bảo vệ, chăm sóc, mới đúng đạo lý, lương tâm”.
|