Hai con trai thay nhau cõng bố băng rừng để chữa bệnh nhưng vẫn không thoát khỏi sự bủa vây của dân làng. Giữa đại ngàn, hai người con khóc nức nở mặc người làng đốt cha, chỉ vì nạn nhân mắc một căn bệnh ngoài da khó chữa.
Người đàn ông bất hạnh
Câu chuyện xảy ra ở bản Cheng (thuộc xã Tân Liên, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Bản nằm cách trung tâm huyện lỵ chừng vài km, là nơi sinh sống của người dân tộc Pakô - Vân Kiều.
Câu chuyện kể về một người đàn ông dân tộc Pakô, có tên là Hồ Pả Như.
Vợ con người bị thiêu sống trong ngôi nhà “có người ma ám”. |
Trong căn nhà sàn cũ kỹ, Hồ Văn Tường (SN 1984) là con trai của người bị thiêu sống Hồ Pả Như phải lục lọi khắp đống đồ đạc để tìm kiếm ngày mất của cha mình. Tường khóc thành tiếng: “Bố em mất rồi, được mấy mùa lúa rẫy, chết là hết. Bố về bên kia rừng ma rồi, giờ ở bên đó”.
Theo lời kể của con trai nạn nhân, cha anh vốn rất khỏe mạnh, sáng đi săn bắt thú rừng, chiều về đốn củi. Lúc còn sống, mỗi khi đi làm nương hay đi săn thú về, ông thường đầm mình xuống dòng suối La La chảy vòng qua bản để tắm rửa.
Không hiểu sao, một ngày nọ mụn nhọt cứ thế mọc khắp người, càng ngày càng nhiều lan rộng toàn cơ thể, chảy nước mủ vàng khè, miệng vết thương cứ lở loét tròn ra.
Người vợ và các con thấy thế ngỡ là ngứa do một loài sâu hay côn trùng gì đó, chỉ lấy nước muối rửa qua loa rồi để Hồ Pả Như nằm vậy không chữa chạy thêm.
Băng rừng chạy trốn cũng không thoát
Có người xấu bụng trong bản nghe tiếng ông này rên la vì vết thương đau nhức đã đi rêu rao khắp bản là nhà có người bị bệnh phong hủi.
Lời ra tiếng vào mỗi ngày một nhiều, dân bản vừa sợ hãi vừa kỳ thị, có người còn bảo gia đình ăn ở thất đức, phạm tội với thần núi nên mới bị “con ma” hành cho đến như vậy.
Dân bản đồn rằng Hồ Pả Như bị “ma ám”, cả bản dị nghị, xa lánh, quyết định mang anh ta đi thiêu sống...
Thương bố, con trai cả Hồ Văn Pòng (SN 1982) bí mật chạy vay tiền của người thân sống ở bản khác đưa bố đi viện. Hai anh em thay nhau cõng bố men theo đường rừng, cứ nhằm bụi bờ mà đi tránh bị dân bản phát hiện. Nhưng ra đến con dốc đầu bản thì một đám thanh niên cùng các già làng bắt lại đưa về bản “xử” theo luật làng, vì tội dám đưa “con ma” ra khỏi nhà để đầu độc dân bản.
Nhà người ốm sau đó phải giết một con trâu mộng để tế lễ. Dân bản còn dựng sẵn một cái chòi bên phía rừng ma bắt hai người con cõng bố về đó.
Căn chòi dựng chênh vênh bên rừng ma, được chất ngổn ngang củi, gỗ mục, mỗi người trong bản không kể lớn nhỏ đều phải góp 3 thanh củi để chuẩn bị cho lễ hỏa thiêu. Dân bản còn cử người ra tận chợ huyện để mua hẳn cái khóa, một can xăng 5 lít phòng khi củi lửa chưa đủ thiêu chết người bệnh.
Khi con gà trống gáy đúng 3 tiếng, dân bản tề tựu đông đủ ở căn chòi, ai nấy mặt mũi nghiêm trọng. Củi chất đống, xăng tưới xung quanh, phút chốc ngọn lửa đã bốc lên ngút trời.
Tiếng la hét thảm thiết của người bị thiêu, tiếng khóc ồ ồ của mấy người con gọi cha vang vọng giữa núi rừng. Dân bản ba chân bốn cẳng chạy về nhà đóng sập cửa lại để “con ma” không đuổi kịp mình. Đến khi trời sáng, khói bụi và tro tàn thiêu người đã nhuộm đen một góc rừng biên ải.
Hủ tục “thiêu chết” nhiều thế hệ
Thi thể người chết đến sau 3 ngày vẫn chưa được chôn cất, ai cũng không dám lai vãng tới gần, kể cả mấy người con. Tiếng quạ kêu thảm thiết ở phía rừng ma báo hiệu thi thể người bắt đầu phân hủy. Khi ấy Mục sư Dương Minh Đức (vị quản xứ đạo của nhà thờ tin lành Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) hay tin đã trực tiếp đến làm hậu sự và chôn cất cho người xấu số bị thiêu sống.
Con đường bị băm nát dẫn vào bản Cheng, nơi còn nhiều hủ tục kinh hoàng |
Người con Hồ Văn Tường tâm sự: “Thương bố lắm chứ, thương đến cháy gan cháy ruột. Nhưng biết làm sao bây giờ, dân bản đã quyết nếu không làm theo chỉ còn nước bỏ đi biệt xứ”.
Hai Hồ Văn Tường và Hồ Văn Pòng đều là trai tráng khỏe mạnh nhưng cuộc đời đã khốn đốn vì mang tiếng nhà có người bị bệnh phong hủi.
Đến tuổi lấy vợ nhưng gái bản không ai thiết đến, những cô gái từng thầm thương trộm nhớ Pòng cũng xa dần.
Người vợ bây giờ của anh khi về làm dâu cũng chịu biết bao điều tiếng. Ngày cưới không tiếng cồng, không tiếng chiêng, dân bản chả ai ngó ngàng, cứ thế họ dắt díu nhau về sống trong ngôi nhà mang danh “phong hủi”.
Người mẹ không đủ tỉnh táo để trò chuyện, chỉ ngồi buồn xo một chỗ bên bếp lửa, cũng chả thèm nhúc nhích, ánh mắt đăm đăm nhìn vào vô định.
Đêm ở Bản Cheng bập bùng ánh lửa, văng vẳng tiếng ếch nhái. Nhưng bao trùm tất cả là cảm giác âm u rợn tóc gáy của một vùng đất “chết”, nơi những hủ tục như thiêu người sống vẫn tồn tại tước đi mạng sống của những người vô tội bất hạnh, hủy hoại tương lai của những con người vốn dĩ rất hiền lành.
Theo Xa lộ pháp luật