Có hay không sự thỏa thuận giữa hai bên, Bảo Đại ủng hộ cho Bảy Viễn thâu tóm sòng bạc Đại Thế giới một thời khét tiếng Sài Gòn, để nhận lại những khoản tiền “hoa hồng”? Trong hồi ký của mình, Bảo Đại đã kể lại câu chuyện gặp gỡ Bảy Viễn, khi đó Bảo Đại đang là Quốc trưởng.
“Lời tố cáo” của thư ký Đại tướng Pháp
Theo lời kể của đại úy Jean Pouget, sau này là thiếu tá, sĩ quan tùy tùng kiêm thư ký riêng của Đại tướng Pháp Henri Navarre (người từng giữ chức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Pháp ở Đông Dương), Bảy Viễn là người như sau:
“Chiếc cầu chữ Y bắc ngang dòng kênh lạch giữa đoạn đường từ Sài Gòn đi Chợ Lớn. Tướng Lê Văn Viễn, tức Bảy Viễn chỉ huy đám giặc Bình Xuyên, đặt sở chỉ huy tại một địa điểm trong khu vực này chỉ cách Bộ tổng Tham mưu quân đội Bảo Đại đúng tầm đạn cối.
Bảo Đại |
Bảy Viễn sinh ra ở đất Bình Xuyên. Nghề nghiệp đầu tiên là đi ăn trộm trâu, vì vậy đã biết rõ các con hẻm, các lối đi, các đường ngang ngõ tắt trong khu vực khó thâm nhập. Năm 1945, vừa được Nhật Bản thả khỏi nhà tù Côn Đảo, Bảy Viễn đã về đây hùng cứ tụ tập một bọn lâu la mà chính Viễn gọi là “giặc” rồi tự tuyên bố theo “chủ nghĩa dân tộc”.
Năm 1948, lũ giặc Bình Xuyên của Bảy Viễn bị Việt Minh tiễu trừ. Nhờ thông thạo thủy thổ và có sức dẻo dai, Lê Văn Viễn thoát khỏi mọi cuộc vây bắt. Viễn tìm một chỗ đứng mới, xin hàng tướng Pháp De La Tour rồi sau đó xin hàng Bảo Đại, được giao nhiệm vụ giữ cầu Bình Xuyên. Thế là Viễn đóng quân ngay tại khu vực này.
Nhìn từ xa, cái gọi là Sở chỉ huy quân sự của Bảy Viễn chẳng khác gì một thôn xóm nhỏ bé với những nếp nhà tranh vách đất bên ngoài là một hàng rào tre vót nhọn. Bảy Viễn không phải chỉ thích có trâu mà còn sưu tập đủ mọi chim muông thú vật nhốt trong chuồng:Những con chim quý, những con khỉ hiếm, những thú rừng có bộ lông mượt và những loài hươu nai hiền lành.
Viễn bỏ ra hàng giờ liền để chăm sóc chim muông. Tôi đã nhìn thấy ông ta đứng bên chuồng sắt, đầu đụng đầu với con hổ cái nhốt bên trong đang ngáy như một con chó lớn.
Năm 1948 tôi đã từng chỉ huy nhiều trận đánh liên tiếp chống quân của Viễn. Viên tướng này đã đốt cháy của tôi một, hai chiếc xe bọc thép và tôi cũng đã bắn chết vài người của ông ta. Sau khi xin hàng, Viễn tới trình diện tại sở chỉ huy của tôi đặt trong rừng, cạnh cột cây số 113 trên đường Sài Gòn đi Đà Lạt, là nơi có lần Viễn đã nghĩ đến chuyện tới đây khai thác gỗ, mây tre.
Bảy Viễn |
Lúc này Bảy Viễn đeo lon đại tá. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau, khó khăn hơn là bắn nhau, vì Viễn không biết tiếng Pháp. Bảy Viễn gây dựng một ngân quỹ riêng để trả lương và trang bị cho quân lính. Vài ngày sau khi đầu hàng, ông ta mua được một chiếc xe tô đầu tiên đó là một chiếc Renault do Pháp sản xuất, giá 32 ngàn đồng Đông Dương, hoàn toàn trả bằng tiền mặt, gồm những tờ trị giá một hoặc hai đồng, chứng tỏ ông đã phải góp nhặt từ lâu.
Từ ngày bỏ các dự án làm nghề thủ công và nếp nhà tranh gần cầu chữ Y, ông đến ở tại một ngôi nhà rộng rãi, giàu có của một người Hoa giữa Chợ Lớn, và trở thành chủ tài sản nhiều cơ sở thương nghiệp và công nghiệp, trong đó có Đại Thế giới.
Đây là một cơ sở du hí, gồm sòng bạc và các trò giải trí lớn nhất, nổi tiếng nhất khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, Viễn còn kiểm soát chặt chẽ để thu thuế tất cả các ngành nghề buôn bán thuốc phiện, các sòng bạc và các ổ điểm.
Từ ngày Hoàng đế Bảo Đại tiếp nhận việc nhượng quyền khai thác Chợ Lớn cho tới khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền, khu vực Chợ Lớn vẫn thịnh vượng trong yên ổn. Đây không phải là công việc dễ dàng, trước khi xuất hiện Bảy Viễn, nhiều tướng lĩnh và các nhà cai trị xuất sắc của Pháp đã thất bại.
Viễn còn là một người trọng chữ tín, và “sòng phẳng” trong việc kinh doanh. Đối với Hoàng đế Bảo Đại, Viễn vừa thể hiện lòng biết ơn, vừa tỏ rõ sự thần phục bằng cách tháng nào cũng cống hiến một vali nặng, lèn chặt các tờ giấy bạc mệnh giá 100 hoặc 200 đồng”.
Cuộc gặp gỡ ở Đà Lạt
Còn trong hồi ký của mình, Bảo Đại lại hồi ức câu chuyện với Bảy Viễn như sau: “Khoảng năm 1950, tại Đà Lạt, tôi tiếp Bảy Viễn, chúa đảng Bình Xuyên. Đảng này tôi ít biết, không bằng phái Cao Đài và Hòa Hảo, mà đại diện đã đến Hongkong để gặp tôi. Đây là lần đầu tiên tôi gặp Bảy Viễn kể từ khi tôi tới Sài Gòn.
Bảy Viễn đọc cam kết quy thuận chính quyền thuộc địa Pháp, tháng 7/1948 |
Đây là một nhân vật đặc biệt. Từng bị đi tù biệt xứ, anh ta vượt ngục Côn Đảo, trở thành thủ lãnh đao búa và tự tạo cho mình một địa hạt ở xung quanh Sài Gòn và vùng Đồng Tháp Mười. Xuất thân từ giới bụi đời, một loại thú hoang, đầy tinh thần chiến đấu, trong ba năm liền, anh ta đánh nhau với Pháp vô cùng quyết liệt.
Nhưng từ tháng 6/1948 vì mâu thuẫn nảy lửa với tướng Nguyễn Bình, anh ta bỏ về thành. Chính phủ Xuân bổ nhiệm anh ta làm Đại tá. Từ đó 900 tay súng vũ trang cùng anh ta đóng bản doanh ở ven sông, cầu chữ Y, ngay sát Sài Gòn. Chỉ trong sáu tháng, anh đã “bỏ túi” các bang nhóm ở Chợ Lớn, và đem lại trật tự an ninh ở vùng ấy. Vậy sao không trao cho anh ta một nhiệm vụ lớn lao hơn? Nhân vật này quả là tay sáng giá, anh hào.
“Tôi rất làm hãnh diện được tiếp nhân vật ái quốc như ông”, tôi bảo anh ta thế. Bảy Viễn lấy làm ngạc nhiên và lấy làm hãnh diện được tôi khen ngợi. Để cho anh ta có vẻ thoải mái, tôi đưa anh ta đi xem biệt thự và các cộng sự viên của tôi. Rồi tôi lại cho xem các vũ khí đi săn của tôi. Anh ta lấy làm thích thú khi thấy khẩu súng săn của tướng Tây Ban Nha Franco gửi cho tôi.
Sự gặp gỡ đầu tiên với Bảy Viễn, mới đi tới chỗ ấy và tôi mời anh đi săn vài ngày hôm sau. Trong suốt một ngày, chúng tôi đi chung với nhau. Tối đến, chúng tôi đến một ngôi làng. Quanh đống lửa, chúng tôi trò chuyện. Rất nhanh chóng, câu chuyện trở nên thân mật.
Bảy Viễn xưa nay vốn ít nói, liền kể cho tôi về đời anh, thuở hàn vi cũng như lúc bị án đầu tiên, vào năm 1936 bị kết 12 năm tù về tội “gian nhân hiệp đảng và tàng trữ vũ khí bất hợp pháp”. Bị đưa ra Côn Đảo, năm 1940 anh ta vượt ngục và thành công, lập ra ở Chợ Lớn nhóm anh chị thuộc giới xích lô và trở thành một kẻ tháp tùng đoàn đua xe đạp vòng Đông Dương.
Bảy Viễn (quần áo trắng, chắp tay sau lưng) cùng quân Bình Xuyên tại khu vực cầu chữ Y |
Tôi cùng hoàng hậu Nam Phương đã đến để chứng kiến cuộc về đích thứ nhất trong cuộc đua. Chìm giữa đám đông, Bảy Viễn nhận ra tôi, mặc chiếc áo vàng ở giữa các quan phẩm lục xanh đỏ, thêu chỉ vàng, chỉ bạc. Bây giờ, anh ta hơi ngạc nhiên được đứng cạnh bên Quốc trưởng.
Anh ta kể tôi nghe, tất cả cuộc đời phiêu lưu của mình. Sau khi từ chối sự che chở của quân đội Nhật, anh ta lại bị cảnh sát Pháp bắt, sau đó thả ra vào tháng 7/1945, thế rồi với đám đàn em tập hợp lại được, anh ta lăng mình vào cuộc phục quốc, không cần biết đến ý niệm, chính trị hay tôn giáo nào hết. Anh tự phong cho mình làm Tổng tư lệnh quân đội Sài Gòn – Chợ Lớn và lấy tên cũ là Lê Văn Viễn.
Bị bắt buộc phải rút vào vùng sình lầy Rừng Sác, chẳng mấy lúc anh ta đã chống lại tướng Nguyễn Bình. Anh ta liền tham gia vào sự thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất. Sau khi Cao Đài và Hòa Hảo bỏ về theo nước Pháp, riêng còn anh ta đơn độc một mình, sau đó chấp thuận quay về hàng Pháp.
Dưới danh nghĩa Bình Xuyên, anh ta công nhận chính phủ Xuân ngày 17/6/1948. Và khi tôi trở về nước (Bảo Đại khi này được Pháp đưa về miền Nam – NV), anh ta tự đặt dưới quyền điều động của tôi”.
Ngã giá “sòng phẳng”
“Miền Nam rất quý báu”, tôi bảo anh ta như vậy. “Đó là vựa lúa của nước Việt Nam và cho cả Đông Nam Á nữa. Ai nắm được lúa gạo là nắm được toàn thể Việt Nam”.
Bảy Viễn nghe tôi nói với tất cả sự chú ý, sau ngắt lời: “Vựa lúa, đối với tiểu dân, thật quả là rộng lớn. Nhưng các cửa hàng, thưa Hoàng thượng, tiểu dân có thể đảm trách được. Mà cửa hàng, người Hoa nắm hết, tất cả lúa gạo đều qua tay người ta. Mà người Hoa, tức Chợ Lớn rồi, đó chính là địa hạt của tiểu dân vậy. Tuy nhiên, cần một điều kiện: Tiểu dân cần có Đại thế giới”.
Sòng bạc Đại Thế giới (Casino Grand Monde) số 11 Rue des Marins (nay là đường Trần Hưng Đạo) |
Bảy Viễn không nói rõ cho tôi gì cả. Tôi hiểu, tôi đang dính vào một chuyện gì. Bởi Đại thế giới là một sòng bạc lớn của Á châu và có thể là cả thế giới nữa. Chúng tôi có thể không cần biết đến sự nổi tiếng này.
Được mở ra năm 1946, mặc dù có sự nghiêm cấm của chính phủ Nguyễn Văn Thinh, vốn không ưng để người Việt sát phạt nhau, nhưng một số người Việt Nam lại rất đam mê nên chính phủ Thinh phải cho đấu thầu, cứ hai năm một lần cho ai bỏ giá cao.
Từ năm 1948, việc giao nhượng được chuyển cho một nhóm người nước ngoài từ Macao sang. Đến giờ phút này, những người này sẵn lòng trả 400 ngàn đồng một ngày cho chính phủ. Nhưng để được yên chí làm ăn, còn có các thù lao cho quan thuế, cho cảnh sát và các nơi khác...
Ở Đại thế giới người ta chơi đủ mọi lối nhưng có hai thứ chính là đánh ba quan và tài xỉu. Ngoài ra, mỗi chiều còn mở số đề 36 con vật, một thứ như xổ số. Đó là sự tai hại cho dân chúng vùng Sài Gòn, đã nướng vào đấy hết sạch cả đống lương nhỏ bé của mình.
Một tờ báo Pháp đưa tin những nhà chứa và sòng bạc của Bảy Viễn đã làm suy đồi Sài Gòn |
“Đến kỳ đấu thầu vào tháng Chạp tới, ông có thể nộp đơn đấu thầu”, tôi bảo Bảy Viễn như vậy.
“Thưa Hoàng thượng, xin tuân lệnh. Tôi sẽ xin nộp một ngày một triệu đồng cho chính phủ. Đồng thời, tôi có thể trả lương và trang bị cho người của tôi khá hơn trước nhiều”.
Năm 1955, sau khi bất đồng với Ngô Đình Diệm, Bảy Viễn cho quân tấn công nhưng bị đẩy lui, truy kích về khu Rừng Sác. Bảy Viễn và các thuộc cấp sau đó được Pháp giải thoát và đưa sang Pháp bằng phi cơ, bắt đầu cuộc sống lưu vong tại xứ người. Ngày 13/1/1956, Bảy Viễn và các thuộc cấp bị Tòa án Quân sự chế độ Diệm tuyên án tử hình vắng mặt về tội danh phá hoại và phản quốc, tước binh quyền và tịch thu tài sản. Bảy Viễn sau đó qua đời năm 1972 tại Pháp.
Đến tháng Chạp, Bảy Viễn thực hiện được mộng này. Chỉ cần rỉ tai nhóm người Macao, có sự hỗ trợ của phe người Hoa Chợ Lớn cùng với nhóm người Corses ở Sài Gòn, trò chơi đã đạt. Bọn Bình Xuyên trở thành mafia giữ an ninh cho vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và Bảy Viễn là Tổng tư lệnh quân đội”.
Kể từ sau cuộc gặp trên, Bảy Viễn “lên như diều gặp gió”. Ngày 22/4/1952, Bảo Đại phong Bảy Viễn lên cấp Thiếu tướng Quân đội Quốc gia và bổ nhiệm vào chức vụ Tổng trấn Sài Gòn - Chợ Lớn. Bảy Viễn thâu tóm các sòng bạc Đại Thế Giới (Casino Grand Monde), Kim Chung, đồng thời làm ngơ cho khu mại dâm Bình Khang hoạt động công khai.
Nhiều tài liệu còn cho thấy Bảy Viễn móc nối với người đảo Corse (Pháp) để buôn thuốc phiện và ma tuý công khai. Bảy Viễn dường như trở thành một trong những người giàu có, đại tư sản và quyền lực nhất Đông Dương, thậm chí là toàn cõi Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Bắt giữ các thành viên tổ chức Bình Xuyên tháng 3/1955 tại Sài Gòn |
Nhưng không phải ai cũng “thần phục” Bảo Đại như Bảy Viễn. Một nhân vật khác đã từng nhiều lần đi qua đời Bảo Đại, tưởng như thân thiết, nhưng cuối cùng đã đẩy vị cựu hoàng, quốc trưởng… vào cái kết thường dân. Đó chính là Ngô ĐÌnh Diệm.
Theo đại úy Jean Pouget, cố vấn thân cận của Bảy Viễn là đại tá Lại Văn Sang. Sang đã tốt nghiệp cử nhân luật và sau đó đã có thời kỳ được cử làm giám đốc Sở Cảnh sát Sài Gòn - Chợ Lớn.
“Thời kỳ 1953, Sang chưa có danh hiệu chính thức nhưng đã có quyền hành thực tế. Vì vậy, ông được giao nhiệm vụ tổ chức vật chất và là tổng thư ký Hạ viện Sài Gòn. Một buổi trong lúc cùng ngồi ăn sáng tại khách sạn Continental, Sang nói với tôi: “Chúng tôi đang phải chứng tỏ cho các dân biểu biết rằng chúng tôi đang làm chủ Sài Gòn”.
Tổ chức Hạ viện là một sáng kiến của Bảo Đại. Nhà vua vừa được mời đi Pháp để đàm phán về việc gia nhập khối Liên hiệp Pháp. Bảo Đại hy vọng Hạ viện tập hợp được các phong trào dân tộc chủ nghĩa để cùng đoàn kết đấu tranh. Cái tổ chức thuần túy nghi lễ chính trị - nghị viện này chỉ là hình thức và hoàn toàn không có được một tầm quan trọng nào.
Hạ viện Sài Gòn họp ngày 12/10/1953, tức tám ngày sau buổi tôi cùng ngồi ăn sáng với Sang.
Trong bữa ăn, Sang cho tôi biết, Lê Văn Viễn không tin vào những lời phát biểu ba hoa mị dân của đa số các dân biểu Hạ viện. Ngày 11/10, tức trước khi khai mạc Hạ viện một hôm, tướng Viễn mời tất cả các vị dân biểu tới dự tiệc cocktail sang trọng tại dinh thự của Viễn ở Chợ Lớn. Giấy mời ghi rõ bắt buộc phải tới dự. Đây là một kiểu họp kín trước khi Hạ viện họp công khai. Không một người Âu nào được mời tới dự.
Viễn không có tài diễn thuyết một chút nào. Viễn nói rất ngắn gọn: “Không có tôi và tổ chức bảo vệ của tôi toả khắp thành phố này thì các vị không thể sống nổi tới 20 phút trong phòng nghỉ tại khách sạn. Tôi nghĩ dẫn chứng này đủ tác động đến đường lối của Nghị viện cũng như Cương lĩnh của Mặt trận bình dân do tôi làm chủ tịch”.
Lúc này tôi đang điều trị tại một bệnh viện ở Đà Lạt để chữa một chứng bệnh cũ do trùng amip gây ra hồi tôi còn hoạt động trong rừng. Một tùy viên của Bình Xuyên tới thăm tôi. Ông kể cho tôi nghe những diễn biến tình hình mới nhất ở Sài Gòn.
Khi ra về, ông để lại tặng tôi, theo kiểu mọi người vẫn tặng hoa quả cho người ốm một… kg thuốc phiện sống. Ông ta còn nói với tôi đây là loại nhựa thuốc phiện hảo hạng, thu hoạch được trong mùa sai quả. Tôi giấu gói thuốc phiện dưới đệm nằm, chỉ lo bác sĩ trưởng phát hiện ra vì ông thường tới thăm bệnh tôi luôn.
Cuối cùng tôi chuyển gói thuốc phiện này cho một ông bạn làm chủ đồn điền và ông ta lại phân phối nó cho một công ty sản xuất ở Đà Lạt”.