Hôm nay (10/3), khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc XIII

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm nay (10/3), với chủ đề "Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước", Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII diễn ra với sự tham gia của 959 đại biểu chính thức và 200 đại biểu khách mời; là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, dân tộc, tôn giáo, các độ tuổi, ngành nghề, lĩnh vực công tác và các vùng miền khác nhau trong cả nước.
Phiên họp trù bị sáng 9/3/2022.
Phiên họp trù bị sáng 9/3/2022.

Từ kỳ Đại hội khó quên…

Với Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) các tỉnh thành, có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 90 năm của Hội LHPN Việt Nam, ĐH Phụ nữ các cấp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phường Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội) được chọn là địa phương tổ chức ĐH điểm bằng hình thức trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19. Ở thời điểm cuối tháng 12/2021, khi COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn Thủ đô, các hội viên Hội LHPN phường đã gặp không ít khó khăn khi tổ chức ĐH.

"Chúng tôi triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị cho ĐH trong tâm trạng thấp thỏm, vì có thể bị hoãn bất cứ lúc nào nếu dịch bùng phát mạnh. Ngày tổng duyệt, đường truyền vẫn chưa thông, nói câu được, câu mất. Suốt quá trình chuẩn bị cho đến ngày ĐH chính thức, chị em đều bỡ ngỡ. Rất may, có sự chung tay và quyết tâm của các bộ phận, ĐH đại biểu Phụ nữ phường lần thứ IV đã diễn ra thành công tốt đẹp, thông suốt các điểm cầu và không có sự cố nào", bà Nghiêm Thúy Trang, Chủ tịch Hội LHPN phường, cho biết.

Ở huyện Phù Cát (Bình Định), vì tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên ĐH đã bị hoãn tới 4 lần. Ngay trong ngày ĐH chính thức, có 1 điểm cầu bị trục trặc về đường truyền, không bắt được tín hiệu dù đã được kiểm tra kỹ càng từ chiều hôm trước. Trước tình hình đó, hai điểm cầu phải nhập với nhau, các hội viên buộc áo dài lên, chạy xe từ xã mình sang xã bạn trong điều kiện trời mưa gió để dự ĐH.

Tương tự, tại Đồng Tháp, 11/15 đơn vị cấp huyện và tương đương đã tổ chức Đại hội theo hình thức trực tuyến. ĐH đại biểu Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp cũng lần đầu tiên tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp, trực tuyến…

Với một kỳ ĐH nhiều thách thức, trải nghiệm đáng nhớ như vậy, có thể nói, ĐH nhiệm kỳ 2021-2026 là cú hích quan trọng đưa cán bộ, hội viên, phụ nữ vào các hoạt động chuyển đổi số, hòa chung vào xu thế chung của quốc gia và thế giới.

Khai mạc triển lãm "Hội LHPN Việt Nam – Viết tiếp những ước mơ".

Khai mạc triển lãm "Hội LHPN Việt Nam – Viết tiếp những ước mơ".

… đến quyết tâm xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Nhìn lại nhiệm kỳ 2017-2022, bên cạnh các thành tựu trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới, lần đầu tiên Hội LHPN Việt Nam được phân công xây dựng chủ trì triển khai một dự án về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong chương trình mục tiêu quốc gia "Phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030"; đã khẳng định vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ.

Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế đã có nhiều khởi sắc, chuyển đổi mạnh mẽ, bắt kịp phong trào quốc gia khởi nghiệp. Các cấp Hội đã vận động gần 164 nghìn tỉ đồng hỗ trợ gần 73 nghìn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; 87 nghìn DN, HTX, hộ kinh doanh do nữ làm chủ được nâng cao năng lực về thương mại điện tử.

Hội cũng đã hỗ trợ thành lập gần 800 HTX và gần 12 nghìn mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ quản lý với nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Thông qua các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ, các hoạt động tiết kiệm tại chi Hội/tổ phụ nữ, các cấp Hội đã giúp 1,8 triệu hộ nghèo, trong đó hơn 230 nghìn hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều…

Theo bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, ĐH đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, diễn ra trong bối cảnh hội viên, phụ nữ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2020 - 2030.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội LHPN Việt Nam tập trung phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" nhằm cụ thể hoá nội dung Văn kiện ĐH Đảng XIII. Trong đó xác định 2 khâu đột phá mang tính chất giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ là: Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh.

Xác định 3 nhiệm vụ theo 3 yếu tố quan trọng của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội là hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện; xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, chủ động hội nhập quốc tế.

Sáng qua 9/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã tiến hành phiên họp trù bị để thông qua Chương trình ĐH với các nội dung làm việc quan trọng, hoàn tất công tác chuẩn bị cần thiết cho phiên khai mạc sẽ được tổ chức trọng thể vào 10/3.

Tại phiên trù bị, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã công bố, trao Bằng khen cho 13 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo, hiệu quả chào mừng ĐH đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

Trong khuôn khổ ĐH, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã khai mạc triển lãm "Hội LHPN Việt Nam – Viết tiếp những ước mơ" khắc họa những lát cắt, những khoảnh khắc và dấu ấn tiêu biểu trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam qua những con số, qua những hình ảnh tư liệu lịch sử, để nhìn lại chặng đường dài gần một thế kỷ mà Hội đã đi qua.

Đọc thêm