Điều đáng nói là trong hành trình hơn 30 năm của Giải thưởng Kovalevskaia ở Việt Nam từ năm 1985 đến nay với 18 tập thể và 47 cá nhân các nhà khoa học nữ được trao giải thưởng, thì GS.TS. Nguyễn Thị Lan là một trong hai nhà khoa học nữ trẻ nhất nhận giải thưởng.
Chỉ muốn nói về công việc
Đó là cảm nhận của nhiều nhà báo khi gặp gỡ với GS.TS. Nguyễn Thị Lan tại buổi họp báo do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Chị gần như không trả lời những câu hỏi về cá nhân mà chỉ nhắc đến công việc với một tâm huyết thấy rõ.
Sinh năm 1974, chị Lan bắt đầu hành trình sự nghiệp của mình với nghề nghiệp là bác sĩ thú y, một nghề mà ít người chọn, nhưng những ai đã chọn thì đó là cả một sự đam mê, yêu công việc mà không hề toan tính. Chị Lan cũng vậy, khi được hỏi tại sao chị lại chọn nghề bác sĩ thú y chị nở nụ cười ngắn gọn giải thích: “Vì đó là nghề cần thiết để phục vụ xã hội”.
Đam mê nghề đã theo chị Lan suốt hành trình sự nghiệp, cuộc đời như chính bộc bạch của chị: “Tôi rất đam mê với việc nghiên cứu vắc xin cho vật nuôi”. Ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các thế hệ sinh viên đã và đang học tập tại trường đều biết đến một cô giáo Nguyễn Thị Lan giảng dạy môn học Bệnh lý thú y I và II cho ngành thú y và do yêu cầu phát triển và đổi mới chương trình đào tạo, GS.TS Lan đã chủ động xây dựng và giảng dạy nhiều học phần mới như bệnh lý thú y nâng cao, bệnh lý học phân tử, khối u và ung thư ở động vật phù hợp với nhu cầu xã hội.
Nói về cô giáo của mình, nhiều sinh viên cho biết: “GS.TS Lan luôn đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, chuyển từ mô hình truyền tải kiến thức sang tăng cường tính chủ động, tích cực tự học của sinh viên.
Nữ sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tại phòng thí nghiệm. (Ảnh minh họa) |
Đồng thời khai thác tối đa công nghệ thông tin và phương tiện hiện đại để phục vụ cho giảng dạy. Mỗi bài giảng của cô Lan đều sống động, hấp dẫn người học vì không chỉ có lý thuyết suông mà luôn có hơi thở của thực tiễn sản xuất và xã hội, được truyền tải qua phương pháp sư phạm thích hợp”.
Niềm đam mê nghề ở chị không chỉ thể hiện trong công tác giảng dạy mà còn ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Rất nhiều sản phẩm khoa học công nghệ do chị nghiên cứu đã được công nhận và chuyển giao như: kit chẩn đoán nhanh bệnh tai xanh ở lợn; vắc xin phòng bệnh sài sốt ở chó; đệm lót sinh học sử dụng trong chăn nuôi; quy trình chẩn đoán và quy trình phòng và điều trị viêm gan ruột truyền nhiễm ở gà (đồng tác giả)...
Tâm huyết với đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tam nông
Trong thời gian tới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Nhìn ra thế giới, như Hà Lan là quốc gia phát triển một nền nông nghiệp - thực phẩm phức hợp giá trị cao, hệ thống giáo dục nông nghiệp của Hà Lan rất khác các nước khác nơi mà giáo dục nông nghiệp ở phổ thông là môn lựa chọn.
Ở Hà Lan, học sinh phổ thông có thể lựa chọn môn học nông nghiệp, nhưng ở tuổi 15-18 Hà Lan có hệ thống trường đào tạo thực hành nông nghiệp, ngoài ra còn có hệ thống các trường đào tạo giáo viên nông nghiệp và các trường đào tạo bậc đại học hướng nghiệp về nông nghiệp. Ở bậc cao đẳng và đại học, hệ thống giáo dục của Hà Lan tồn tại rất rõ hai hình thức đào tạo đại học nông nghiệp hàn lâm và đào tạo nghề nghiệp.
Ở Việt Nam, theo quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang gặp nhiều thách thức.
Đó là cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn bất hợp lý; quy mô đào tạo chưa ổn định, chưa cân đối trong cơ cấu ngành đào tạo; việc xây dựng cơ chế tự chủ, xã hội hoá cho đào tạo gặp khó khăn, trở ngại do mức học phí thấp, điều kiện tài chính của người học gặp nhiều khó khăn; lao động được đào tạo không về nông thôn do thu nhập, lương thấp, điều kiện làm việc còn hạn chế....
Chính vì thế, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tam nông là nỗi trăn trở của GS.TS Lan. Theo bà Lan, để phát triển nông nghiệp hiện đại và nông thôn văn minh cần có sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề tiên quyết ở tất cả các nước.
Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện...
Được biết, những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác với trên 200 doanh nghiệp và hầu hết các tỉnh, thành phố nhằm tạo điều kiện thực tập thực tế cho sinh viên. Việc này sẽ tạo thêm cơ hội cho người học thực hành nghề nghiệp, cọ sát với thực tế, tiếp cận được các hệ thống máy móc hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến nhất hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể kết hợp được lý thuyết với thực tiễn sản xuất.
Học viện đã xây dựng được các hợp tác chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc… trong đào tạo ngắn hạn cho sinh viên và các thành phần trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài. Trong những năm gần đây mỗi năm 400-500 sinh viên của Học viện được cử đi đào tạo và rèn nghề tại Nhật Bản, Israel…