Hôm nay cả thế giới hành động vì trẻ em gái

(PLO) - Những cảnh báo “nóng” về sự gia tăng số trẻ vị thành niên sinh con sớm, bị cưỡng bức tình dục, nạo phá thai không an toàn, tảo hôn… trên thế giới, khu vực cũng như ở Việt Nam đã dấy lên một mối quan ngại rất lớn từ phía các nhà quản lý. Bởi vậy “đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” là vấn đề được cơ quan hữu trách các quốc gia rất quan tâm. Đây cũng là chủ đề của Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay.
Hôm nay cả thế giới hành động vì trẻ em gái

Những con số giật mình

TS. Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết, trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa. Theo số liệu toàn cầu, trong năm 2015, số trẻ em kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi cao nhất rơi vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với 59 triệu em. Tiếp sau là Đông Á và Nam Á, Tây Phi và Trung Phi với 8 triệu em/khu vực; các quốc gia Ả Rập 3 triệu em và khu vực Đông Âu và Trung Á với 1 triệu em.

Ngoài ra, mỗi ngày cũng có tới 20.000 trẻ em gái tại các nước đang phát triển độ tuổi từ 15-17 sinh con; ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15 -19 là 3,2 triệu ca; 10% số trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi; tự tử và biến chứng thai sản là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15 - 19 tuổi… Không chỉ có vậy, tình trạng tảo hôn của trẻ em gái vị thành niên tại nhiều quốc gia trên thế giới càng làm dấy lên mối lo ngại đối với các nhà quản lý. 

Thực tế, TS. Lê Cảnh Nhạc phân tích, ở nhiều quốc gia một em gái khi đến tuổi dậy thì đã được gia đình và cộng đồng cho là đã sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con. Do đó, các em có thể bị ép phải kết hôn sớm và bỏ học, bị ảnh hưởng tới sức khỏe do phải sinh nở. Các em cũng có thể không được hưởng các quyền con người; không được đi học, sức khỏe không tốt và gần như không kiểm soát được cơ thể của mình; tương lai của các em có thể bị hủy hoại, tiềm năng của các em có thể sẽ không bao giờ được phát huy.

Còn theo nhận định của Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ, ông Nguyễn Văn Tân, trẻ em gái vị thành niên luôn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi sự kỳ thị (về giới tính) và gánh nặng xã hội (do truyền thống), khiến vấn đề tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục… cùng cơ hội phát triển hay chứng tỏ năng lực bản thân trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với trẻ em nam vị thành niên.

Chính sách pháp luật cần tập trung sâu hơn nữa để giải quyết bất bình đẳng giới 

Tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới vừa tổ chức tại TP HCM, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Tân đánh giá, phải chịu rất nhiều thiệt thòi như thế, song theo quy luật tự nhiên, hầu hết trẻ em gái vị thành niên đều trở thành những bà mẹ trong tương lai. Bởi, “sự phát triển của trẻ em gái vị thành niên hôm nay, đặc biệt trong lĩnh vực thể chất và sức khỏe sinh sản chính là sự phát triển của những bà mẹ trong tương lai. Vì thế, đầu tư chăm lo cho trẻ em gái vị thành niên sẽ mang lại lợi ích kép, vừa đảm bảo quyền của các em trong hiện tại, vừa đảm bảo chất lượng dân số đối với thế hệ mai sau” – ông Tân nhấn mạnh.

Chính vì những lý do trên, “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” đã được chọn là chủ đề của Ngày Dân số Thế giới năm 2016 với thông điệp: Trẻ em gái vị thành niên cần phải được tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh, có tương lai tươi sáng... Với chủ đề trên, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) cam kết sẽ thúc đẩy, bảo vệ các quyền này và hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên để các em có thể tự đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình. 

 Tại Việt Nam, UNFPA đã có các chương trình truyền thông nhằm hỗ trợ các quyền của giới trẻ, bao gồm quyền tiếp cận thông tin, dịch vụ liên quan tới sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục. UNFPA cũng đang hỗ trợ nhằm cải thiện việc tiếp cận các biện pháp tránh thai cho thanh niên chưa kết hôn, đặc biệt là những người di cư trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên chưa lập gia đình, những người trẻ là người dân tộc thiểu số và những người đang sống ở các khu vực khó tiếp cận. 

Về lĩnh vực xây dựng và hoạch định chính sách, UNFPA đang nỗ lực vận động nhằm nâng cao giá trị của trẻ em gái và tăng cường tác động chính sách nhằm tập trung không chỉ giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh mà còn tập trung sâu hơn nữa vào vấn đề bất bình đẳng giới và tác động lâu dài của nó đối với xã hội và nền kinh tế.

Đọc thêm