Đến khu phố Trường Khánh (phường Long Phước, quận 9, TP HCM) hỏi về cha con ông Nguyễn Văn Phó (75 tuổi) và anh Nguyễn Tuấn Hải (46 tuổi) không ai là không biết.
Nhiều người khâm phục cha con ông ở chỗ trong hàng chục ha đất đã bị mất, ông Phó và anh Hải (đã lập gia đình riêng) đều không phải là nạn nhân; dù hàng chục hộ dân có tài sản bị mất trắng đều ngậm ngùi cam chịu thì cha con ông lại dũng cảm ra mặt chống lại những đối tượng xấu.
60 ha đất “bốc hơi”
Khu phố Trường Khánh, dân cư chỉ đông đúc ở khu vực gần trung tâm, những vùng ven còn lại nhà cửa còn rất thưa thớt. Căn nhà của cha con ông Phó nằm tít cuối con đường làng hẹp quanh co, phải chạy qua những đoạn đường cỏ dại heo hút mới đến được đến nơi.
Ông Phó tuy đã ở cái tuổi xế chiều nhưng sức vóc lẫn thần trí vẫn còn rất minh mẫn, hiếm người bì được. Lúc chúng tôi đến ông đang cởi trần cuốc đất. Ông lão cười khà khà, cẩn thận dựng chiếc cuốc vào gốc cây rồi rửa tay đon đả pha trà.
Nhắc đến chuyện nạn khai thác cát tràn lan trên đoạn sông Đồng Nai, ông lắc đầu, tỏ rõ sự bất bình “ban ngày có vẻ yên bình thế thôi, chứ đêm xuống chúng lộng hành lắm. Chúng điều hàng chục chiếc sà lan, ống bơm thọc hẳn vào mép bờ, tiếng máy bơm gầm rú thâu đêm.
Đất đai một thời trù phú giờ đã thành sông hết. Nhiều lần chính quyền cứ phạt rồi đâu lại vào đấy. Nhiều người nơi đây bất lực, họa chăng chỉ còn cha con tui là dám nói, dám lên án thôi”.
Tờ bản đồ 21, khu vực bị đánh dấu (bên phải) đã bị xóa sổ trên thực tế |
Ông nheo nheo hai mắt nhớ lại, khoảng năm 1976 ông được bầu làm tổ trưởng khu phố Trường Khánh. Thời đó, các doanh nghiệp khai thác cát đều trải qua khâu kiểm tra rất chặt chẽ mới được điều máy móc ra sông. Do vậy đất đai cả vùng Trường Khánh vẫn vô cùng rộng lớn, màu mỡ.
Nhưng sau này quy trình cấp phép kiểm tra ngày càng dễ dàng hơn; không thể bỏ qua món lợi “khủng” trước mắt, những công ty hút cát từ khắp nơi đã dồn về, ngày đêm càn quét nạo vét lòng sông. “Cát tặc” lộng hành suốt hàng chục năm trời khiến đất đai canh tác của người dân bị thu hẹp dần vì xói mòn, sạt lở.
“Thời đó chỉ có một số ít công ty khai thác cát nhằm phục vụ xây dựng công trình nhà nước, lợi ích quốc gia; còn lại đa phần đều là những doanh nghiệp tư nhân, hút cát để bán. Lợi nhuận lớn quá khiến họ không từ thủ đoạn nào. Lúc tôi còn làm ở phường, cuộc họp nào tôi cũng đề đạt ý kiến cảnh báo hậu quả nhưng chỉ như hạt muối bỏ biển. Phường quản lý gắt gao được một thời gian, chúng lại tiếp tục nạo vét”, ông Phó bức xúc nói.
Đang trong cuộc trò chuyện, anh Hải (con trai ông Phó – PV) lấy từ trong nhà ra một tấm bản đồ rồi cẩn thận trải lên chiếc bàn gỗ tròn. Anh chỉ tay vào khu vực được đánh dấu đỏ bằng bút chì sáp, cho hay đây là tờ bản đồ 21 thể hiện diện tích đất canh tác của tổ 32 (thuộc khu phố Trường Khánh – PV). Năm 2013, phường Long Phước thống kê khu phố Trường Khánh đã bị “bốc hơi” khoảng 24 ha đất, đến nay con số này đã lên đến 60 ha.
Anh Hải lần ngón tay chỉ lên bản đồ, giọng chua xót: “Hiện nhiều người không biết được đất mình nằm ở vị trí nào, nhiều đoạn tôi đo được mực nước đã sâu đến 2 mét... Không biết bao nhiêu lần tôi đã phải chứng kiến cảnh những chủ đất ôm nhau khóc ròng vì tài sản mình tích cóp mua được nay bỗng trở thành sông”.
“Cuộc chiến” hơn 20 năm
Trong những năm ông Phó tích cực góp tiếng nói lên tiếng chống “cát tặc” ở phường, thậm chí hàng đêm một mình ông đi ven bờ sông khảo sát. Thì anh Hải lúc này đang là công nhân lái đò của Công ty Bê tông 6 (công việc chính là hàng ngày chuyên chở công nhân qua lại trên khu vực sông Đồng Nai thời điểm đang xây dựng cầu vượt Long Phước – PV) cũng theo cha góp những hành động hữu ích trong cuộc chiến chống lại “cát tặc”.
Anh Hải nhớ lại: “Vì tính chất công việc, thường ngày tôi phải chạy xuồng qua lòng sông Đồng Nai rất nhiều lần nên thường xuyên chứng kiến cảnh những máy hút cát, chở cát hoạt động rất nhiều và công khai. Nhiều khi thấy máy hút quá gần bờ tôi đều ghé xuồng đến.
Một số hộ dân đổ xà bần, giăng dây ngăn sà lan vào hút cát |
Những lần đầu tôi đều nhã nhặn nói như năn nỉ “khu vực này có đất của mấy bà con lối xóm, các anh làm thế sớm muộn gì người ta cũng mất đất thôi”. Ban đầu họ còn rút ống hút đi nơi khác, nhưng rồi chẳng được mấy lần họ liền giở thói côn đồ hăm dọa tôi “không phải đất của mày thì xía vào làm gì””.
Nhiều lần bị những đối tượng nạo vét cát trộm đe dọa, anh Hải vẫn không từ bỏ, chuyển sang bí mật theo dõi. Khi nắm rõ thời gian, địa điểm “cát tặc” thường hoành hành, anh cấp tốc báo lên cơ quan chức năng. Đồng thời, trong nhiều năm liền anh trở thành nguồn tin đáng tin cậy của các cơ quan báo chí. Nhờ những thông tin anh cung cấp, nhiều đối tượng khai thác cát trái phép đã bị bắt quả tang.
Anh Hải kể: “Hồi trước chúng lộng hành lắm. Ngay cả ban ngày chúng điều động hàng chục sà lan, ống hút loại lớn ngang nhiên khai thác cát. Khi công an đường thủy tăng cường kiểm tra, chúng liền “án binh bất động” rồi bữa nay đã chuyển hẳn khai thác vào ban đêm. Thời gian cũng thất thường, có khi vừa chập tối tôi đã nghe tiếng máy hút kêu ầm ầm, khi thì chúng nổ máy từ 7 – 8h tối cho đến rạng sáng hôm sau”.
Anh kể thêm: “Chúng hoạt động rất có tổ chức, có người canh gác. Khi phát hiện có cảnh sát chúng liền báo tin cho đồng bọn tháo dỡ máy móc phóng chạy rầm rầm. Bởi vậy lực lượng chức năng nhiều lần cũng đành “bó tay”. Hoặc hôm nay bắt phạt rồi hôm sau chúng lại nạo vét, chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa””.
Suốt nhiều năm liền cha con ông Phó được người dân nơi đây mến mộ bởi hành động giúp dân chống nạn khai thác cát. Một vài người dân ở khu phố Trường Khánh xác nhận trong hàng chục ha đất đã bị “xóa sổ”, ông Phó và anh Hải đều không có 1 mét đất nào. Không phải là nạn nhân nhưng cha con ông lại sẵn sàng “đứng mũi chịu sào” tố cáo và hành động chống lại cái xấu, trong khi nhiều những hộ dân bị mất đất đều chọn giải pháp im lặng để được yên thân.
Ông Phó nheo hai mắt nhìn xa xăm: “Hồi trước tui cũng có được mảnh đất 500m2 màu mỡ ven đoạn sông đó, nhưng vì không còn khả năng canh tác nên đã bán cho người ta. Chẳng bao lâu sau thì mảnh đất đó bị nước nhấn chìm, tôi chứng kiến bà lão chủ đất vì tiếc của nên khóc đến ngất xỉu. Đất ở đây đa phần cũng thuộc quyền sử dụng của những người ở nơi khác. Họ tính mua đất để dành lúc về nhà thì làm vườn tược sống, ai ngờ khi quay lại xem đất thì đã mất rồi”.
“Cha con tui tuy không có đất bị mất nhưng cũng thấm hiểu được nỗi xót xa của những người mất trắng tài sản, nhiều đêm tui nghe tiếng máy gầm rú ầm ầm mà không chịu được. Có người gọi cha con tui là “vác tù và hàng tổng”, tui không buồn mà thấy mình có ích cho xã hội”, ông Phó nói.
Những khu vực được đánh dấu bằng thùng phuy từng là những thửa đất màu mỡ |
Anh Hải ngồi bên cha, góp lời: “Hăm dọa đủ đường không được, “cát tặc” lại nghĩ cách mua chuộc tôi. Họ khuyên tôi cùng chung vốn làm ăn, hứa hẹn trong một thời gian ngắn sẽ xây được nhà lầu, tậu xe… nhưng tôi thẳng thừng từ chối…
Bây giờ tình trạng mất đất vì khai thác cát trái phép đã đến báo động. Người còn đất đều tự cứu mình bằng cách đổ xà bần, giăng dây chặn sà lan nhưng vẫn không ăn thua. Hi vọng cơ quan chức năng sớm ra biện pháp để để siết chặt việc khai thác cát, giữ lại đất cho nông dân”.