Quyết không để đồng đội thất lạc
Trò chuyện với phóng viên, không kể về thành tích chiến đấu, không nói nhiều về những vất vả của bản thân, chỉ có điều trên gương mặt cương nghị của người cựu chiến binh luôn thấp thoáng niềm đau đáu khi nhắc tới đồng đội. Nhắc lại căn nguyên khiến ông Phổ “vác tù và” suốt hơn 20 năm nay, trong khóe mắt ông trực trào dâng dòng nước mắt. Ông thật thà: “Mỗi dịp 27/7 hay 2/9 khi thắp cho đồng đội nén hương trên bàn thờ, tôi đều nhớ và khóc. Vợ tôi hỏi tại sao, tôi có nói do vẫn chưa làm trọn được lời hẹn ước khi xưa nên luôn thấy day dứt”.
Nhớ về miền ký ức hào hùng, ông Phổ kể, đó là quãng những năm 1968, 1969 khi cuộc chiến tranh đánh đuổi ngoại xâm đang giằng co ác liệt. Như bao thanh niên thời điểm đó, 21 tuổi, Nguyễn Đức Phổ lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Ban đầu ông Phổ được biên chế vào Đoàn 1063 của Hà Tây, sau 5 tháng huấn luyện mới được tăng cường cho Tiểu đoàn D96, trực thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên. Tại đơn vị mới, ông Phổ đảm nhiệm công tác văn thư và ghi chép quân số cho đơn vị. Sau 3 lần bị thương, năm 1974, ông Phổ rời cuộc chiến với một chân thấp vì bị “xén” bớt 4cm cùng hai mảnh đạn ghim sâu trong tay trái. Ông được xếp hạng thương binh 4/4, mỗi bước đi đều phải lê từng bước tập tễnh. Cuộc sống những năm đầu sau chiến tranh với bao khó khăn và gánh nặng gia đình khiến ông Phổ chưa có điều kiện thực hiện được lời hứa với người đã ngã xuống.
Đến năm 1993, ông Phổ quyết tâm khăn gói đi tìm đồng đội. Để có kinh phí cho những chuyến đi này, ông phải gom góp lương hưu, bán đi những thứ có giá trị trong gia đình như lợn gà, lứa kén tằm. Cứ thế, mỗi năm ông Phổ lại khăn gói đi vài chuyến vào các nghĩa trang, các chiến trường mà các đồng đội đã ngã xuống. Hơn 200 nghĩa trang từ Bắc vào Nam ông đều đã đặt chân đến. Ở những nghĩa trang các chiến trường đã đi qua, ông đều cẩn thận ghi chép đầy đủ các thông tin liên quan đến liệt sĩ. Sau khi đã có thông tin đầy đủ từ gia đình liệt sĩ cung cấp và đối chiếu với các tài liệu có trong tay, ông lại mày mò tìm cách đến tận nơi khâm liệm và tự tay đưa các phần mộ đồng đội về quê nhà.
Rưng rưng kỷ vật đồng đội
Những năm chiến đấu ác liệt khiến ông Phổ luôn ghi mãi hình ảnh bốn đồng đội thân như ruột thịt là Kiều Xuân Tẩy, Nguyễn Quang Trinh, Nguyễn Phi Hùng và Hoàng Xuân Nhị. Chứng kiến sự hi sinh của các đồng đội, ông và bốn người anh em đã nhờ dân địa phương tìm cho một cái bát và một đôi đũa, đến bữa cơm là mời hương hồn bạn bè về ăn cùng. “5 anh em chúng tôi đã hẹn nhau là sau này, người nào còn sống thì phải mang đôi đũa kỷ vật ấy về và giờ đây đôi đũa luôn được tôi đặt trang trọng trên bàn thờ. Nó nhắc tôi nhớ về những kỷ niệm, nhớ về anh em đồng đội và nhớ về lời hứa chưa trọn vẹn” – quệt ngang dòng nước mắt, ông Phổ rưng rưng.
Theo tìm hiểu, hiện kỷ vật đôi đũa và chiếc bát này đã được ông Phổ trân trọng hiến tặng Ban Tổ chức Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” cách đây ít năm. Mỗi chuyến đi đều mang một cảm xúc khác nhau trong ông Phổ. Đến giờ ông vẫn còn nhớ như in lần đi tìm hài cốt của liệt sĩ Hoàng Văn Trị (xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức). Trong giai đoạn chiến đấu ác liệt, liệt sĩ Hoàng Văn Trị bị trúng bom hy sinh.
“Quả bom dội thẳng xuống căn hầm anh Trị đang nương náu nên ai cũng nghĩ thân thể anh tan hết. Tôi đã nhiều lần đến địa điểm nơi bom dội để tìm kiếm song đều không mang lại kết quả. May mắn thay, trong một lần lên đồi, tôi nghe thấy trẻ chăn bò bảo phía khu đất trọc trên đồi có một vòng sắt trồi lên, không rõ đó là thứ gì. Như có linh tính mách bảo, tôi cho người đào thì thấy nòng súng và cửa hầm. May ở chỗ, sau khi tới cửa hầm chúng tôi thấy ngay xương cốt và các vật dụng của liệt sĩ Hoàng Văn Trị. Khi nhìn thấy hài cốt đồng đội, tôi nhận ra ngay đó là anh em thân thiết của mình. Vì anh Trị có đôi bàn chân giao chỉ rất khác lạ. Đôi dép cao su in hình bàn chân còn nguyên trong hầm nên tôi không thể nhầm lẫn được” - ông Nguyễn Đức Phổ bồi hồi nhớ lại.
Hậu phương của người lính
Trở lại câu chuyện hơn 20 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của ông Phổ, trong quãng hành trình làm việc nghĩa không ít lần ông gặp khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, như thấu được việc làm đầy nhân văn của ông, các cuộc hành trình ông đều trực tiếp hoặc gián tiếp nhận được sự giúp đỡ. Nhiều đồng chí cũ như ông Nguyễn Hữu Diêu (nguyên Chính trị viên), ông Nguyễn Ngọc Khánh (nguyên Tiểu đoàn trưởng), ông Trà, ông An... đã giúp ông rất nhiều trong công tác tìm về chiến trường xưa. “Lúc mới gặp lại nhau, tất cả mấy anh em chúng tôi chẳng ai cất nên lời, chỉ biết ôm nhau khóc nghẹn” – ông Phổ chia sẻ.
Mỗi lần tìm được mộ của một liệt sĩ, ông lại thấy lòng mình nhẹ nhõm. Ông nhớ mãi kỉ niệm chị Hận con liệt sĩ Kiều Văn Tẩy quê ở huyện Quốc Oai (Hà Nội). Trước khi gặp ông, vì không chứng minh được là con liệt sĩ Tẩy nên Hận không được hưởng bất kỳ chế độ nào. Rất may, ông là người trực tiếp chôn cất đồng chí Tẩy nên đã báo cho gia đình biết nơi chôn cất cùng xác nhận, đính chính lại tên tuổi của liệt sĩ này. Nhờ sự giúp đỡ của ông Phổ, không lâu sau mọi thủ tục cho đồng chí Tẩy đã hoàn thành. Lúc xong việc, chị Hận cứ nắm tay ông rồi khóc nấc trong niềm hạnh phúc.
Ông Phổ bảo, sở dĩ ông làm được chừng ấy việc nghĩa đó suốt 20 năm qua là nhờ sự góp sức của gia đình, vợ con đã động viên, khích lệ. Mỗi chuyến đi xa, con cái đều chuẩn bị đầy đủ tư trang, tiền bạc, thuốc men để ông yên tâm với công việc.Với ông, đó là niềm hạnh phúc vô bờ và ông vẫn quyết tâm không dừng hành trình tìm kiếm của mình chừng nào sức khỏe còn cho phép, bởi không thể để các anh nằm cô đơn chốn rừng thiêng nước độc. Hành trình của ông Phổ như minh chứng cho câu nói đầy nhân văn: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…”