Hơn 21 nghìn trẻ em đã được tìm mái ấm gia đình thay thế

(PLO) - Chiều 2/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có buổi gặp mặt với các tổ chức con nuôi nước ngoài (CNNN) tại Việt Nam. Cùng tham dự có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, lãnh đạo Cục Con nuôi và một số đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại buổi gặp mặt
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại buổi gặp mặt

Giúp nhiều trẻ được chăm sóc, chữa trị trong điều kiện y tế hiện đại

Báo cáo của Cục Con nuôi cho biết, sau 07 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi (NCN), 06 năm thực hiện Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực NCN quốc tế, công tác giải quyết việc NCN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về NCN đã được hoàn thiện căn bản và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Công tác giải quyết việc NCN trong nước và NCN nước ngoài đã được chuẩn hóa. 

Thông qua việc hoàn thiện khung pháp luật về NCN và chất lượng giải quyết việc NCN quốc tế được cải thiện trong thời gian qua, Việt Nam đã tạo được niềm tin đối với cộng đồng các nước thành viên Công ước La Hay. Hầu hết những nước nhận con nuôi nhiều nhất thế giới đều đã chủ động đề xuất và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận thiết lập quan hệ hợp tác song phương về NCN trong khuôn khổ Công ước La Hay. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác về NCN với 13 nước, cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam cho 31 tổ chức CNNN.

Cũng theo báo cáo, trong giai đoạn 2011-2017, trên toàn quốc đã giải quyết 21.102 trẻ em cho làm con nuôi, trong đó 18.241 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước và 2.861 trẻ em được giải quyết cho làm CNNN. Căn cứ vào số liệu hàng năm giai đoạn 2011-2017 cho thấy, số lượng các trường hợp đăng ký NCN trong nước giữ mức ổn định (trung bình hàng năm đăng ký khoảng 2.200 đến 2.500 trường hợp). Đặc biệt, kể từ khi thực hiện Luật NCN, nhiều trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo đã tìm được mái ấm gia đình thay thế ở nước ngoài và được chăm sóc, chữa trị trong điều kiện y tế hiện đại - điều mà trước khi có Luật NCN không thực hiện được. 

Có được kết quả như vậy phải kể đến sự đóng góp tích cực của UBND các cấp, các cơ quan tư pháp, công an, lao động - thương binh và xã hội từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, các tổ chức CNNN được cấp phép hoạt động tại Việt nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tìm mái ấm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em. Những tổ chức này đã hỗ trợ chăm sóc y tế ban đầu cho trẻ em, tìm gia đình đủ điều kiện và sẵn sàng nhận trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo làm con nuôi và là cầu nối giữa người nhận con nuôi với các cơ quan có thẩm quyền của nước nhận và nước gốc, hỗ trợ cho người nhận con nuôi thực hiện thủ tục NCN quốc tế theo đúng quy định của pháp luật hai bên và tuân thủ Công ước La Hay. Tuy nhiên, công tác giải quyết NCN thời gian qua vẫn còn những tồn tại nhất định.

Đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ được giải quyết làm con nuôi

Cục Con nuôi đề xuất tới đây rà soát lại các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong lĩnh vực NCN, các quy định về nghiệp vụ giải quyết NCN, các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực NCN để hoàn thiện pháp luật về NCN. Cùng với việc tăng cường phối hợp liên ngành, đẩy mạnh hiệu quả hợp tác với Cơ quan Trung ương về NCN quốc tế của các nước nhận, cũng cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan tư pháp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về NCN. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương hiểu và thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành về NCN, đặc biệt là nguyên tắc ưu tiên NCN trong nước. 

Biểu dương những kết quả đạt được sau 07 thi hành Luật NCN và 06 năm thi hành Công ước La Hay, có sự đóng góp không mệt mỏi của các tổ chức CNNN, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định việc thực thi pháp luật về NCN không chỉ tạo cơ sở pháp lý quan trọng mà quan trọng hơn là đã nêu cao tính nhân đạo trong việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật NCN và Công ước La Hay vẫn còn điểm hạn chế nhất định. Trong đó vấn đề nổi cộm là việc giải quyết NCN chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em cần tìm gia đình thay thế, của các tổ chức CNNN và gia đình muốn nhận con nuôi; có dấu hiệu, thông tin về sự không minh bạch trong hỗ trợ tài chính.  

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, đảm bảo việc giải quyết NCN chỉ vì lợi ích tốt nhất của trẻ và tuân thủ các quy định của pháp luật và các nguyên tắc của Công ước La Hay, Bộ trưởng yêu cầu Cục Con nuôi phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hữu quan nghiên cứu, đề xuất nội dung làm việc giữa Lãnh đạo 2 Bộ Tư pháp, Lao động – Thương binh và Xã hội; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Trung ương về NCN quốc tế của các nước nhận. Trong năm 2018, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Con nuôi tổ chức một số đoàn thanh tra, kiểm tra về NCN; tham mưu Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NCN.

Đối với các tổ chức CNNN, Bộ trưởng nhấn mạnh, các tổ chức cần tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, hoạt động hỗ trợ nhân đạo phải đúng Điều 4 Nghị định 19 và không gắn với yêu cầu cơ sở nuôi dưỡng phải cho con nuôi. Bộ trưởng cũng mong muốn các tổ chức CNTT tiếp tục nắm bắt, phản ánh thông tin về công tác NCN với Cục Con nuôi, Lãnh đạo Bộ Tư pháp để có hướng xử lý kịp thời.

Đọc thêm