Hơn 71% hộ gia đình nông thôn không có khoản vay

(PLO) - Báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam qua kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn Việt Nam năm 2016 tại 12 tỉnh” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây cho thấy, trong khi có 28% hộ gia đình có ít nhất 1 khoản vay thì lại có hơn 71% không có khoản vay nào...

Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam được tiến hành bởi Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM); Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) và Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thế giới thuộc Trường Đại học Liên Hợp quốc (UNUWINER). Báo cáo được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2002 và tiến hành 2 năm 1 lần.

Trong đó, báo cáo năm 2016 dựa trên mẫu điều tra 2.669 hộ gia đình tạo 12 tỉnh, thành của Việt Nam gồm: Hà Tây (cũ); Lào Cai; Phú Thọ; Lai Châu; Điện Biên; Nghệ An; Quảng Nam; Khánh Hòa; Đắk Lắk; Đắk Nông; Lâm Đồng; Long An.

Liên quan đến vấn đề đói nghèo, báo cáo chỉ rõ, so với báo cáo năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của năm 2016 đã tăng từ 12,9% lên tới 16,2%. Tuy nhiên, không phải tỷ lệ đói nghèo tại các vùng nông thôn Việt Nam đang tăng lên mà là do Việt Nam đã áp dụng chuẩn nghèo mới, có những tiêu chuẩn đánh giá cao hơn, do đó tỷ lệ đói nghèo tăng lên. Đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, chất lượng dịch vụ y tế và vệ sinh môi trường được tăng lên, việc thu gom rác thải được cải thiện tích cực, người dân đã chuyển dần từ việc đun nấu bằng củi sang dùng gas.

Báo cáo cũng chỉ rõ thành quả kinh tế của Việt Nam không được phân phối đồng đều giữa các hộ gia đình nông thôn. Cụ thể là có sự chênh lệch lớn về phúc lợi và việc tiếp cận các nguồn lực giữa các nhóm dân tộc vẫn tiếp tục tồn tại trong năm 2016. Đặc biệt, các hộ gia đình ở vùng núi phía Bắc (Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu) vẫn tiếp tục tụt hậu ở một số chỉ tiêu về phúc lợi và nông dân ở các tỉnh phía Bắc vẫn ít theo hướng thương mại hơn các tỉnh phía Nam. Vấn có sự tồn tại về chênh lệch phúc lợi giữa các nhóm dân tộc, các hộ thiểu số có thu nhập thấp hơn, hoạt động kinh doanh kém phát triển hơn và thương xuyên phải đối mặt với các cú sốc và rất khó khăn trong việc ứng phó và mức tiết kiệm cũng thấp hơn.

Một vấn đề nữa cũng được báo cáo đề cập trong bức tranh kinh tế nông thôn là các hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Về số lượng, so với báo cáo năm 2014, số lượng các hộ kinh doanh trong năm 2016 không thay đổi. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh đã tăng từ 23,7% lên tới 29,5% và sản xuất tại hộ gia đình đã giảm từ 58,9% vào năm 2014 xuống còn 56,2% vào năm 2016. Điều đó cho thấy, nhiều hộ gia đình đã có cơ sở sản xuất riêng. Tuy vậy, xét về quy mô, đa phần các hộ kinh doanh gia đình vẫn mang tính nhỏ lẻ và thường chỉ sử dụng lao động trong phạm vi gia đình thay vì thuê ngoài.

Trong khi đó, Tiếp cận tín dụng, đặc biệt là tín dụng chính thức là một công cụ quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo. Nhưng hiện nay các hộ nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với tín dụng. Trong khi có 28% hộ gia đình có ít nhất 1 khoản vay thì lại có hơn 71% không có khoản vay nào. Việc tiếp cận tín dụng trong giai đoạn 2014 – 2016 suy giảm là do các khoản tín dụng phi chính thức giảm và có sự chênh lệch giữa các vùng trong việc tiếp cận tín dụng.

Từ kết quả báo cáo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển KT-XH. Song, để những thành tựu KT-XH của Việt Nam được phân bổ đồng đều thì các nhà hoạch định chính sách cần chú trọng hơn nữa trong việc thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trong những năm tới. Theo đó, cần có những giải pháp đảm bảo rằng nhóm hộ nghèo và dễ bị tổn thương nhất không bị bỏ lại phía sau tiếp tục là những vấn đề trọng tâm. 

Đọc thêm