Hỗn chiến sau lũy tre làng - chuyện không hề nhỏ

(PLO) - Mâu thuẫn tại đám cưới, Trịnh Văn Hệ (40 tuổi) hẹn nhóm thanh niên ra ngoài “nói chuyện”, bất ngờ đối tượng dùng dao đâm vào 3 người, khiến 1 người chết, 2 người bị thương nặng. Đây là câu chuyện vừa xảy ra tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
Ảnh minh họa từ internet.

Một vụ việc mới của thực trạng cũ - bạo lực sau lũy tre làng nhất là ở giới trẻ.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trong giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên (TTN) ở nông thôn. Người ta lý giải, giới trẻ nông thôn không có trò chơi gì ngoài rượu, cờ bạc và chúi đầu vào trò chơi điện tử. Đúng một phần, trò chơi lành mạnh còn đang thiếu vắng.

Những cơn “bão đen” của trò chơi trực tuyến độc hại, quán xá đèn mờ, quán rượu triền miên đã và đang tấn công vào TTN. Dưới sự tác động của mặt trái của kinh tế thị trường, sự thiếu quan tâm giáo dục nhà trường và các tổ chức xã hội, một phần do sự thiếu ý thức của một bộ phận TTN dẫn đến việc game bạo lực đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách giới trẻ. Trò chơi vi tính bạo lực có thể làm cho TTN dễ gây hấn. 

Theo một chuyên gia tâm lý thì một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi xô xát, đánh nhau của các trai làng nói riêng và các TTN nói chung là sự kích động từ game bạo lực. Ở lứa tuổi TTN thường hay bồng bột, sự kiềm chế của bản thân cũng kém hơn, thường dễ bị kích động nên khi bị xúc phạm hay có những hành vi không hài lòng sẽ dẫn đến những vụ đánh nhau. Điều này chỉ tấc gang.

Người viết bài này đã từng theo dõi nhiều phiên tòa thì thấy hầu hết các bị cáo trong vụ trai làng hỗn chiến trong vùng không thuộc nhóm du côn, du đãng. Sự việc xảy ra ngoài sự bồng bột, không kiềm chế được bản thân còn có một nguyên nhân nữa đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật nên hầu hết các bị cáo đều “choáng” trước mức án của mình. 

Sự hiểu biết về pháp luật sẽ là một chiếc “barie” hữu hiệu để ngăn chặn các tác động xấu của xã hội đến TTN. Nhưng do thiếu những nhận thức cơ bản nhất về pháp luật nên có một bộ phận không nhỏ TTN trong xã hội đã không biết tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Họ dễ bị kích động, không tự giác chấp hành luật pháp, thậm chí vi phạm pháp luật. Hay nói cách khác, họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của sự vi phạm pháp luật. 

Từ lâu “bên Đoàn” cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là các tổ chức quốc tế với mong muốn là tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật đối với nhóm đối tượng TTN, đặc biệt là ở nông thôn, nơi còn rất hạn chế về nhận thức. Tiếc rằng èo uột.

Câu chuyện hỗn chiến của TTN không còn là “móng tay”. Không biết trong việc thực hiện chương trình “Nông thôn mới” chúng ta có quan tâm đến xây dựng văn hóa, kỹ năng ứng xử cho TTN không? 

Câu chuyện này không hề nhỏ!

Đọc thêm