Hơn hai trăm bài dự thi được gửi tới cuộc thi Song hành vì bình đẳng giới

(PLO) - Ngày 12 tháng 1 năm 2017 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tổng kết và Lễ trao giải Cuộc thi tìm kiếm sản phẩm truyền thông “Song hành vì bình đẳng giới” đã diễn ra đầm ấm tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews cùng Giám đốc trung tâm CSAGA, bà Nguyễn Vân Anh trao giải cho nhà báo Xuân Hoa - báo PLVN
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews cùng Giám đốc trung tâm CSAGA, bà Nguyễn Vân Anh trao giải cho nhà báo Xuân Hoa - báo PLVN

Đến dự Lễ trao giải có bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Shoko Ishikawa, trưởng đại diện Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ, Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới – Bộ Lao động – Thương Binh – Xã hội, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA),ông Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, cùng các khác mời, nhà báo và gần 200 bạn sinh viên.

Nhận xét về cuộc thi, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, Bà Wendy Matthews cho rằng: “Dù mới đến Việt Nam chưa lâu, tôi có thể thấy cộng đồng của các bạn rất mong muốn được nói về bình đẳng giới, đưa những vấn đề còn nổi cộm cũng như những câu chuyện mang đầy hi vọng tới bạn đọc. Hơn 200 bài dự thi từ các nhà báo cũng như những người sử dụng mạng xã hội là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Nhiều câu chuyện rất cảm động; một số câu chuyện khiến tôi cảm thấy đau lòng. Đây đều là những bài viết quan trọng mà chúng ta cần chia sẻ. Tôi muốn động viên các bạn viết nhiều hơn về những người phụ nữ lãnh đạo trong lĩnh vực chính trị, những nữ doanh nhân thành đạt cùng những nữ vận động viên - những câu chuyện về phụ nữ tự tin và chuyên nghiệp trong những lĩnh vực vốn tưởng chỉ thuộc về nam giới. Đưa những câu chuyện điển hình và nêu bật thành công của họ sẽ đóng một phần rất quan trọng trong công cuộc tiến đến bình đẳng giới.” Đại sứ Matthews chia sẻ.

Về lý do tổ chức cuộc thi, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA đã chia sẻ: “Trên thế giới, cứ trong thời gian uống xong một tách trà, thì đã có một người phụ nữ bị tử vong vì bạo lực gia đình. Tại Việt Nam, cứ mỗi ngày lại có 3 trẻ em bị xâm hại tình dục. Có những phụ nữ bị cắt gân chân tay tàn phế cả đời với vết thương thể xác và tinh thần. Có những phụ nữ bị hủy hoại sức khỏe và nhan sắc bằng axit đậm đặc. Có những phụ nữ bị giam cầm trong những chiếc lồng son cả đời không được cất tiếng nói của bản thân mình.

Bạo lực với phụ nữ là hình thức vi phạm quyền con người bên cạnh việc gây thiệt hại cho nền kinh tế, mỗi năm với riêng Việt Nam hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều vụ việc đã rơi vào im lặng nếu nó không được báo chí lên tiếng. (…)Các cơ quan chính phủ, các cơ quan liên hiệp quốc, các tổ chức xã hội luôn nhận ra điều đó. Đó là lý do chúng ta đồng hành cùng nhau trong cuộc thi này.”

Chỉ trong ba tuần phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được gần 250 tác phẩm thuộc đa dạng các thể loại báo chí truyền thông từ các tác giả khắp cả nước. Rất nhiều các kênh truyền thông lớn đã gửi tác phẩm dự thi, trong đó có VTV, VOV, VTC, Dân Trí, VN Express, Gia đình – Xã hội, Pháp luật Việt Nam... Các tác phẩm dự thi đã xoáy sâu vào vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. 

Nhiều tác giả đã thực hiện loạt bài công phu, tâm huyết, như loạt bài bảy kỳ của nhà báo Hoàng Xuân trên afamily.vn về chủ đề bạo lực tình dục trẻ em, loạt bài năm kỳ của nhà báo Yến Trinh trên báo Thanh niên về xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái, loạt phóng sự của Nhóm Phóng viên VTV6 trong chương trình “Ngược chiều” về bất bình đẳng giới và bạo lực với phụ nữ. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều bài đăng trên Facebook về bình đẳng giới, vai trò của nam và nữ trong xã hội hiện đại, các chuẩn mực giới, khuôn mẫu giới của các nhà báo Trần Thu Hà, Hoàng Anh Tú, nhóm thanh niên trẻ S.O.S. Share Our Stories…

Theo như nhận xét của ông Vũ Mạnh Cường – Vụ trưởng vụ Truyền thông – Bộ Y tế, thành viên ban giám khảo: “Các tác phẩm tham dự cuộc thi thực sự chất lượng, thể hiện sự đầu tư công phu, tâm huyết của các tác giả. Thành viên BGK đã làm việc cực kỳ nghiêm túc để chọn ra các tác phẩm phù hợp nhất để trao giải.”

Chín giải thưởng quan trọng được trao cho chín tác giả và nhóm tác giả: Hoàng Xuân, VTV6, Yến Trinh, Ma Thảo Vân, Xuân Hoa, Hoàng Anh Tú, Thu Hà, S.O.S. Share Our Stories, và Hoàng Hường cho hai hạng mục báo chí truyền thống và mạng xã hội.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc Kênh VOV Giao thông quốc gia được trao giải “Cây bút Tích cực vì Bình đẳng giới”. 

Tại Lễ Trao giải, hai diễn giả Vũ Mạnh Cường và Phạm Trung Tuyến đã trình bày về vai trò của báo chí truyền thống và mạng xã hội trong nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới./.

Đọc thêm