Vẫn không cấm, không thừa nhận
Năm 2014, Quốc hội đã thông qua kiến nghị sửa đổi bộ Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 vẫn quy định “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8), có nghĩa: người cùng giới tính có thể chung sống nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.
Theo đó, Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành không cấm những người cùng giới tính kết hôn, nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới. Tức là, những người đồng giới có thể tổ chức lễ cưới chung sống với nhau trên thực tế nhưng không thể đi đăng ký kết hôn, không được cấp chứng nhận kết hôn, hay việc chung sống của họ sẽ không được pháp luật thừa nhận, và không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ như vợ chồng giữa họ.
Họ sẽ không được pháp luật bảo vệ theo quan hệ vợ chồng khi có tranh chấp xảy ra. Với quy định như hiện tại thì quyền kết hôn của những người cùng giới đang ở tình trạng “vô thừa nhận”.
Mặc dù không được pháp luật công nhận xong những cặp đôi đồng tính vẫn chung sống với nhau như vợ chồng. Và khi không được công nhận, sẽ khiến họ mất đi nhiều quyền lợi: quyền thừa kế; quyền tài sản chung; nhận con nuôi; quyền nhân thân trong các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp, quyền được hưởng các phúc lợi xã hội, lao động như các cặp khác giới khác.
Bày tỏ quan điểm, Vũ Ngọc Thắng, Chủ nhiệm câu lạc bộ Đồng tính Iboy cho rằng, hôn nhân đồng giới ở Việt Nam bất cập ở chỗ là chưa được xã hội chấp nhận và còn nhiều định kiến. Tuy nhiên, cấm hay không cấm thì nhiều cặp đôi vẫn ở chung với nhau đâu cần kết hôn. Thậm chí, nhiều cặp đồng tính đã dàn dựng kịch bản “chú rể” đóng giả trai để qua mắt họ hàng hay cưới chui “lách luật” để được chung sống với nhau.
Còn Lee D (ĐH Mỹ thuật Công nghiệp), một Vlogger tiếp xúc nhiều với người đồng tính giải thích: “Hai người đồng tính có thể nhận con nuôi hoặc với hai người đồng tính nam họ có thể sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Theo mình, dư luận phản đối vì quan niệm xã hội. Hơn nữa, đồng tính là xu hướng tình dục chiếm tối thiểu trong xã hội nên khó tránh việc nhiều người cho rằng đồng tính là không bình thường. Ở bất cứ đâu, thái độ kỳ thị ngưới đồng tính vẫn tồn tại”.
Lee D cho rằng, những người đồng tính là những người bình thường, họ cũng có quyền được sống đúng với con người thật của mình, họ muốn hạnh phúc, muốn kết hôn thì không có lý do gì chúng ta lại ngăn cản họ. Hiện nay, có 11 quốc gia, 10 vùng lãnh thổ đã chính thức hợp pháp.
Thắng mong muốn Việt Nam cần có một bộ luật để bảo vệ quyền lợi cho những cặp đôi kết hôn đồng tính. Như ở Đức đưa ra luật để các cặp vợ chồng đồng tính được hưởng phúc lợi như bảo hiểm y tế hay quyền tài sản giữa hai bên tham gia hôn nhân.
Việc hôn nhân đồng giới được công nhận sẽ giúp cho xã hội được gắn kết hơn. Họ sẽ sống có trách nhiệm hơn với xã hội. Mang lại cho họ một xã hội công bằng,tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tất cả các công dân. Kết hôn không phải là đặc quyền của một nhóm người nào cả, mọi người đều có quyền kết hôn miễn là tự nguyện và không ảnh hưởng tới quyền của người khác.
Lấy vợ vì… rào cản
Những số liệu từ kết quả khảo sát “Trải nghiệm và nhu cầu sống chung cùng giới” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện với 5.999 người tham gia cho thấy, trong số những người tham gia khảo sát, 79,8% có giới tính sinh học khi sinh là nữ và 20,2% là nam, đây cũng là lần đầu tiên đối tượng nữ tham gia có số lượng áp đảo như vậy.
Và các cặp chung sống cùng giới đa số đều giữ bí mật, không bộc lộ ra (cụ thể: Hà Nội là 52,5%, TPHCM là 49,2%; tính chung khu vực miền Bắc là 56,5%; miền Trung là 53,1%; miền Nam là 53%; thậm chí ở nước ngoài cũng có tới 49,1% không muốn người khác biết.)
Đối tượng tham gia trong độ tuổi từ 19 đến 25 chiếm 80,9%; 25-34 chiếm 17,8%; 35-49 là 1% và 0,3% trên 50 tuổi. Số người tham gia trải đều khắp các tỉnh/thành trên cả nước, nhưng phần lớn sống ở các thành phố lớn như TPHCM hơn 2.000 người, Hà Nội 1.000 người, 191 người Việt hiện sống ở nước ngoài. 68,3% có trình độ đại học, cao đẳng hoặc cao hơn.
Trong số 5.999 người tham gia khảo sát, 47 người từng trải nghiệm kết hôn với người khác giới. Lý do kết hôn khác giới: Tự nguyện kết hôn vì là người song tính 37,2%; 20,2% cưới vì áp lực từ xã hội; 21,3% gia đình ép buộc; 14,9% kết hôn để che mắt. Có gần 47% bạn đời không biết về xu hướng tính dục của vợ/chồng (che giấu với nửa kia); 12,8% không biết vợ/chồng có biết hay không; 40,4% biết chuyện của vợ/chồng. Hơn 50% số cặp vẫn duy trì hôn nhân; 7,4% ly thân; số còn lại đã chia tay…
Là người tham gia khảo sát, anh Đ. (37 tuổi, người đồng tính nam sống ở Hà Nội) chia sẻ, bản thân anh chưa lấy vợ nhưng bạn đời hiện nay của anh từng kết hôn với người khác giới. Trước đó, hai người yêu nhau một thời gian dài. Sức ép từ gia đình khiến bạn trai anh Đ. phải lấy vợ, điều này làm anh cảm thấy rất đau lòng. “Sau khi mọi chuyện vỡ lở, cả hai vợ chồng họ đều có trải nghiệm buồn. Trải qua cuộc hôn nhân như vậy khiến phụ nữ mất niềm tin vào đàn ông và hôn nhân, khó đi bước nữa, thậm chí sống trong thù hận”, anh Đ. kể
Trên 50% (2.958) người tham gia nghiên cứu cho biết đang trong quan hệ với người yêu, bạn đời cùng giới. Trong số này, khoảng 60% chưa từng sống chung; 14,4% từng sống chung; 26,8% đang sống cùng. Số đang sống chung tập trung nhiều vào các độ tuổi 25-34 và 35-49, đa số đều có việc làm, thu nhập ổn định.
Quyết định sống chung được họ đưa ra khi cảm thấy tình yêu đã chín muồi, có cam kết chung thủy với người yêu (82,6%); muốn nghiêm túc hóa mối quan hệ và có kế hoạch cuộc sống lâu dài với “nửa kia” (57,6%); chia sẻ tài chính (37,7%); xã hội cởi mở hơn (26,2%); gia đình thừa nhận và ủng hộ (15,8%)…
Dù tỷ lệ các cặp đôi sống chung cùng giới tăng hơn nhiều so với khảo sát của năm 2013 nhưng các cặp đôi vẫn thường xuyên phải thay đổi chỗ ở, trong đó số ít vì có điều kiện kinh tế khá giả hơn, còn lại vẫn vì lý do bị phân biệt đối xử.
Chị P.T, một người đồng tính nữ, 29 tuổi, ở TP.HCM, chia sẻ, chị và bạn đời cùng đứng tên chung với tài sản, đất đai nhưng như thể là đối tác kinh tế chứ không phải giống các cặp vợ chồng hợp pháp khác. Chung suy nghĩ này, anh H.L, 34 tuổi, đồng tính nam, ở Hà Nội, cho rằng “về tài sản, hai người có thể đồng sở hữu nhưng nếu có giấy tờ xác nhận hôn nhân đồng giới sẽ giúp cho xã hội công nhận mình - đó mới là điều quan trọng với những cặp đồng giới đến với nhau vì tình yêu và muốn gắn bó lâu dài”.
Chia sẻ từ những người từng sống chung đồng giới cho thấy, họ gặp phải khá nhiều khó khăn khi không có chứng nhận vợ chồng hợp pháp: Không thể đăng ký nhập hộ khẩu cho bạn đời để một trong hai người làm đại diện hợp pháp trong các trường hợp khẩn cấp; mua bán, phân chia và thừa kế tài sản chung; sinh con và nhận con nuôi; gia đình không ủng hộ mối quan hệ và tình yêu cùng giới; sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội với những người LGBT - ảnh hưởng không nhỏ đến con cái của người đồng tính...
Gần 100% người tham gia khảo sát có mong muốn cặp đôi cùng giới tính được pháp luật công nhận bình đẳng như cặp đôi khác giới; 96% mong pháp luật cho phép cặp đôi cùng giới nhận con nuôi; 63% các cặp mong có con trong tương lai và 95% trong số họ mong được tiếp cận các kỹ thuật cấy ghép phôi thai…
Như vậy, việc hôn nhân đồng giới được công nhận sẽ giúp cho xã hội được gắn kết hơn. Mang lại cho họ một xã hội công bằng,tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tất cả các công dân.
Kết hôn không phải là đặc quyền của một nhóm người nào cả, mọi người đều có quyền kết hôn miễn là tự nguyện và không ảnh hưởng tới quyền của người khác. Và “những người trong cuộc” cho rằng, để thay đổi được những định kiến không phải một sớm, một chiều, nhưng họ vẫn tiếp tục tin tưởng và hy vọng…