Hôn nhân là một liều thuốc

(PLO) - Nếu tình yêu chỉ là thứ phù phiếm, có lẽ, hôn nhân còn là thứ phù phiếm hơn nữa khi nó cứ nhất quyết gắn chặt hai con người, bằng một cam kết nào đó?
Hôn nhân là một liều thuốc
Cách đây hơn hai năm, trên một tạp chí nào đó, không còn nhớ nữa, tôi đã từng viết những dòng dưới đây cho một chuyên đề về hôn nhân.
“Hình ảnh Gatsby nhìn qua bên kia Vịnh, bị hút vào đốm sáng màu xanh lục, ngây dại một mình có lẽ khiến nhiều người nghĩ đến hai chữ Tình Yêu. Nhưng thực chất của câu chuyện ấy đã để lại gì? Tình yêu phải chăng cũng chỉ là thứ phù phiếm?
Nếu tình yêu chỉ là thứ phù phiếm, có lẽ, hôn nhân còn là thứ phù phiếm hơn nữa khi nó cứ nhất quyết gắn chặt hai con người, bằng một cam kết nào đó?”

Đến bây giờ, đọc lại nó, tôi vẫn không hiểu sao quan niệm ấy của mình chưa thay đổi, mặc dù đời sống của tôi đã rất nhiều thay đổi. Con gái lớn đã gần ba tuổi, và con trai nhỏ đã gần ba tháng. Chúng đẹp như thiên thần, ít ra là trong mắt tôi, dù tôi vẫn rất tin những lời khen mà bạn bè dành cho chúng là thật lòng chứ không phải khách sáo, đãi bôi. Và cũng chỉ mới đêm qua thôi, về trễ, len lén bước lên giường sau khi ngắm chúng rất kỹ, tôi đã suy nghĩ rất mông lung về một ngày mùa hè hơn 3 năm về trước, một ngày mà tôi suýt nữa đã có một người khác chứ không phải mẹ của các con tôi. 

Tôi hình dung lại. Cô ấy vẫn thế. Không thay đổi. Nhưng tôi đã may mắn khi không đánh đổi mẹ của các con tôi chứ không phải cuộc phiêu lưu mới với cô gái kia. Và thời khắc khiến tôi quyết định không thay đổi chính là thời khắc tôi biết rằng con gái tôi đã bắt đầu thành hình. Giả sử ngày đó, tôi điên rồ chạy theo thứ phù phiếm có vẻ nhiều háo hức, tôi sẽ không có những gì tôi đang có hôm nay. Và bởi vậy, tôi càng cảm thấy yêu thương mẹ của các con mình hơn, dù rằng ít khi tôi nói ra với nàng điều đó.

Con người hiện đại bây giờ đến với nhau rất dễ, và rời khỏi nhau cũng rất dễ. Nếu như ở thập niên 70 hay 80, ly hôn vẫn là một khái niệm động trời và những người ngoài cuộc vẫn nhìn vào một cặp mới ly hôn với đôi mắt dò xét như tòa án để phán quyết xem ai mới là người có lỗi thì bây giờ, người ta nghĩ đơn thuần chỉ là “không đáng thì bỏ quách” hoặc “không hợp nữa thì giải phóng cho nhau”. Thậm chí, có những người còn quan niệm rất thoáng rằng khi đã cảm thấy tình yêu không còn tồn tại, ràng buộc nhau bởi những trách nhiệm sẽ chỉ làm đời sống càng thêm nặng nề, những nặng nề mà đến cuối đời người ta sẽ phải ân hận. Và người ta cho rằng ấy là quan điểm hiện đại, văn minh, tân tiến.
Nhưng thực sự, lịch sử loài người đã chứng kiến và thừa nhận chuyện ly hôn như một nhu cầu thực sự. Thiên kinh Koran có cả những quy định rất cụ thể về ly hôn như thế nào, ra làm sao, nghĩa vụ của người ly hôn phải tới đâu. Còn người Việt mình, từ thời nhà Lê, trong luật Hồng Đức cũng quy định rõ các trường hợp nào được ly hôn, đặc biệt có cả một điều khoản nghiêng về phụ nữ khi cho phép người đàn bà được đệ đơn với quan sở tại xin chứng cho việc ly dị nếu có bằng chứng chồng bỏ lửng vợ từ 5 tháng trở lên. Ý thức tự giải thoát mình đã luôn là khát vọng của con người, nhất là khi họ phải ở trong một hoàn cảnh không mong muốn.
Bây giờ, ý thức ấy, khát vọng ấy còn mạnh mẽ hơn, khi người ta sẵn sàng kiếm tìm những tình cảm mới khi ràng buộc cũ còn chưa được giải quyết xong. Có những người thậm chí chẳng cần giải quyết các ràng buộc của cuộc hôn nhân đang tồn tại và vẫn bước ra đời sống tìm kiếm các cuộc phiêu lưu ái tình mới mẻ. Họ được gì từ những cuộc phiêu lưu ái tình ấy? Những niềm vui thích thể lý đơn thuần ư? Cũng có thể. Nhưng đa số là những niềm vui thích tinh thần. Tất cả những vui thích tinh thần đó sẽ đi trước, để rồi những thú vui thể lý mới kéo theo sau.
Tất cả những vui thích tinh thần sẽ đi trước, để rồi những thú vui thể lý mới kéo theo sau.
Tất cả những vui thích tinh thần sẽ đi trước, để rồi những thú vui thể lý mới kéo theo sau. 
Chúng ta khó có thể phủ nhận được rằng khi đã bước vào một mối quan hệ tình cảm, người ta sẽ dần dần tập cho mình những thói quen. Sống bên nhau, người ta cũng tiếp tục tập cho mình những thói quen mới. Rồi bắt đầu đến một thời điểm, các chủ thể trong mối quan hệ nhận ra rằng mình đang cũ dần, nhàm chán dần, lặp lại những thói quen một cách vô thức trong sự tẻ nhạt. Họ muốn thoát ra khỏi tâm trạng ấy nhưng họ chưa tìm ra được cách nào phù hợp cả. Để rồi, một ngày, họ chợt gặp một con người mới, từ đâu ào tới, mang lại cho họ những xoa dịu tinh thần, khiến họ phấn khích, khiến họ tò mò, khiến họ hào hứng đón nhận nó. Mối quan hệ mới nảy sinh từ trạng thái tâm lý bị kích thích ấy, như thể mối quan hệ ấy là liều thuốc tạo ra những adrenaline khiến não bộ họ hoạt bát hơn, sảng khoái hơn sau những chuỗi ngày dài trì trệ trong một nền tảng gia đình cũ kỹ. Và từ đó, cơn nghiện thuốc đã bắt đầu…
Cơn nghiện đó chẳng khác gì cơn nghiện của ngày đầu người ta gặp người mình đã từng làm phép hôn phối cùng. Nó khiến người ta bị thôi thúc phải gặp lại, phải tập thêm những thói quen mới trong sự tự nguyện đến không ngờ. Và nó sẽ kéo dài bao lâu? Cho tới khi người ta nản không còn muốn thay đổi thói quen nữa hay là cho tới khi người ta tìm ra phương thuốc tái tạo adrenaline mới???
Gatsby và người tình chưa kịp tập các thói quen cùng nhau, nên họ vồ vập lấy nhau ngày tao ngộ sau khi đã từng ngập trong những chuỗi ngày trì trệ của đời sống nhàm chán thường nhật của mình. Cái ở xa bao giờ cũng là cái mong mỏi và khát vọng. Cái ở gần bao giờ cũng là cái tẻ nhạt đến thường hằng.
Chúng ta không thể trách được bất kỳ ai trong những chuyến phiêu lưu ái tình ngoài vợ, ngoài chồng của họ nhưng chúng ta vẫn luôn cảm thấy đó là điều không đúng với đạo lý làm người. Và nếu chúng ta từng trải qua rồi, rất có thể sẽ có lúc chúng ta cảm thấy day dứt; mặc cảm đến vô cùng. Nó như một nghiệp quả mà chính mình sẽ là người phải trả và cái giá phải trả, chỉ có người trong cuộc mới biết mà thôi.
Chúng ta càng không thể khuyên người khác phải như thế nào bởi khát vọng và ảo tưởng phù phiếm là thứ mặc định tồn tại sẵn trong đời người. Đôi khi, nó là cái phao cứu sinh tạm thời, nhất là khi hôn nhân không còn là liều thuốc tạo ra thứ adrenaline mà tinh thần đòi hỏi nữa. Và vượt trên tất cả, loài người là giống loài ích kỷ. Họ phấn đấu mọi cách cho riêng mình, với những lập luận bảo vệ lấy mình. Vả lại, tình yêu vốn dĩ đã là một thứ không định hình. Thế nên, mọi rao giảng về sự yêu, thủy chung đều chẳng có nhiều ý nghĩa bởi ở mỗi hoàn cảnh, tình yêu sẽ nảy sinh, và nhạt phai đi, theo cách riêng của nó. Mà con người ta, nhiều khi giữ mình còn không nổi, nói gì đến chuyện cố níu giữ một tình yêu vốn đã không còn.

Đọc thêm