Hôn nhân "lung lay" vì đại dịch, điều gì cốt yếu trong mái ấm gia đình?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau gần 2 năm COVID-19 bùng phát, những ảnh hưởng để lại cho xã hội, nền kinh tế là vô cùng to lớn. Cuộc sống nhiều hộ gia đình bị đảo lộn, không khí gia đình nặng nề, căng thẳng, phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp và có nguy cơ bạo lực gia đình tăng.
Hôn nhân "lung lay" vì đại dịch, điều gì cốt yếu trong mái ấm gia đình?

Cơm chẳng lành, canh chẳng còn ngọt

Trong suốt gần 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, cuộc sống hôn nhân của gia đình chị Thu Hoài (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn đứng trước giông bão. Trước đây, việc kinh doanh của chị Hoài khá thuận lợi nên hai vợ chồng chị quyết định cho con theo học tại một trường tư thục có tiếng, mỗi năm tiền học phí hàng trăm triệu đồng. Chồng chị làm nhân viên của một công ty tư nhân thu nhập cũng gần 20 triệu một tháng nên cuộc sống của vợ chồng chị tương đối dư dả.

Tuy nhiên, từ năm ngoái, khi dịch bùng phát, thu nhập giảm mạnh, việc kinh doanh gặp khó khăn nên anh chị phải cho con từ trường tư chuyển sang trường công, làm thêm nhiều nghề nhưng không ăn thua... Năm nay, tình hình càng khó khăn hơn, có thời điểm chị gần như không có thu nhập, còn chồng bị giảm ½ lương mà còn bị nợ lương, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào vào số tiền tiết kiệm phòng ốm đau, đến nay cũng gần cạn kiệt.

Tuần trước, trong một bữa tối, vấn đề thu nhập được nhắc tới. Chị Hoài phàn nàn, cả năm qua cô gồng mình để gánh vác kinh tế gia đình trong khi chồng bị nợ lương hơn nửa năm chị yêu cầu anh phải thay đổi kiếm việc gì khác làm, đừng để vợ con thêm khổ.

Cuộc khẩu chiến bắt đầu nổ ra, lời qua tiếng lại, chị Hoài nói chồng là “kẻ ăn bám”, bấy lâu nay nhờ vào việc kinh doanh của chị thì mới có được nhà, xe như bây giờ, đến nay lẽ ra anh phải là trụ cột gia đình thì lại là “kẻ ăn hại”. Kết thúc cuộc khẩu chiến, chồng giang tay tát vợ khiến chị Hoài choáng váng. Cả tuần hai vợ chồng không nói với nhau câu nào. Chỉ khổ đứa con gái ở giữa, theo bố không được mà theo mẹ cũng không xong, nhiều khi cháu phải gọi điện về cho ông bà tâm sự, nói rằng chán đời và muốn chết. Ông bà hai bên phải gọi điện nhiều lần, hòa giải nhưng không ăn thua. Anh vẫn ấm ức việc bị vợ chê bất tài vô dụng, còn chị lại không thể quên nỗi đau do cái tát đem đến. Khi không khí gia đình quá ngột ngạt, cả hai từng nghĩ đến việc ly hôn với cùng lý do: “Đã hiểu rõ bản chất thực sự của nhau”.

Gia đình anh Hoàng Tuân (Long Biên, Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi dịch COVID - 19 bùng phát, anh là một trong những người bị vào danh sách cắt giảm nhân sự, mất việc, không có tiền trong mùa dịch, anh sinh chán nản. Còn vợ anh thì chuyển sang làm việc online tại nhà. Không chỉ hỗ trợ con học online, chồng ở nhà cả ngày, cơm nước phải nấu đủ 3 bữa khiến vợ thêm áp lực. Trước đây, Tuấn hay vắng nhà, có hôm tiếp khách đến đêm mới về, giờ chỉ quanh quẩn trước mặt vợ, thu nhập gia đình giảm sút. Nhìn chồng ra thở dài, vào than vãn khiến đầu cô vợ muốn nổ tung.

Anh Tuân chưa từng chia sẻ việc nhà với vợ. Trước đây, anh thường vắng mặt trong bữa tối, giờ khi cả hai đều ở nhà, anh lại chê cơm vợ nấu không có gì ăn. Mất việc nhưng giãn cách xã hội nên anh chỉ “nằm ườn” ở nhà ôm điện thoại, cũng không phụ vợ việc nhà, chăm sóc con cái. Thậm chí do bị áp lực tâm lý, anh còn thường xuyên cáu gắt với vợ. Tiền ít, mọi khó khăn gia tăng áp lực, vợ chồng ra vào đụng mặt liên tục mâu thuẫn liên tiếp phát sinh. Từ việc cái nắp bồn cầu không được đặt xuống sau đi vệ sinh hay quần áo vứt bừa bãi trong phòng cũng được phóng đại thành "vấn đề nghiêm trọng", trở thành ngòi nổ cho các cuộc cãi vã.

Quan tâm, chia sẻ gánh nặng để giữ gìn mái ấm

Chia sẻ về những khó khăn mà các gia đình trẻ gặp phải trong mùa dịch Covid-19, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cho rằng dịch Covid-19 là một thảm họa đã mang đến cho người trẻ cú sốc lớn. Theo bà Hồng, các gia đình trẻ đối mặt với đầu tiên là thu nhập, gia đình trẻ làm sao duy trì cuộc sống khi mà thu nhập giảm vì chưa có tích lũy. Những cặp vợ chồng với 1 - 2 đứa con phải đối mặt với đại dịch, việc vượt qua nó rất khó khăn. Ngoài ra, tâm lý, tình cảm cũng rất quan trọng với người trẻ vì họ chưa phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống, khi gặp đại dịch là cú sốc lớn.

Theo bà Hồng, bạo lực gia đình gia tăng khi phải ở nhà với nhau 24/24 giờ thì không thể tránh khỏi va đập. Tuy nhiên, bà Hồng cho rằng đây cũng là cơ hội để các gia đình trẻ gắn kết và hiểu nhau hơn, để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Chia sẻ về những giải pháp để vượt qua khó khăn của các gia đình trẻ, chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn tâm lý đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng) cho rằng điều đầu tiên là phải thay đổi nhận thức, tư duy.

Theo ông Đinh Đoàn, bây giờ nơi ẩn nấp tốt nhất chính là gia đình. “Bước ra khỏi cửa là mất an toàn, nay ở nhà là an toàn. Chúng ta nhìn nhận rõ hơn giá trị của gia đình. Trong cái khó ló cái khôn, trước ăn tiêu bạt mạng, nay khó khăn buộc phải điều chỉnh. Ngày trước nhậu 2 lần/ngày, nay dịch, chồng ăn cơm ở nhà, vợ không ăn thịt cá nữa, ăn lạc rang muối vừng, người thanh thoát hẳn, nay giảm cân mà không cần phải cố gắng nhiều nữa... Ngày trước, chồng nói vợ không có việc, suốt ngày nhàn rỗi; nay ở nhà, thấy vợ từ sáng đến tối làm việc nhà, kèm con học online, dẹp loạn cũng hết hơi, nên cảm thông với vợ hơn”, ông Đinh Đoàn nêu ví dụ.

Theo ông Đoàn, mỗi gia đình phải “tự cứu mình” trước khi chờ đợi chính sách vĩ mô, phải thay đổi nhận thức, tư duy, thay đổi nếp sống, phải điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Hãy nhìn nhận nó ở góc nhẹ nhàng, tích cực hơn. Bí quyết để tránh cãi nhau trong gia đình là phải tạo cho nhau không gian riêng. Tuy là không đi làm, con không đi học, nhưng tạo cho nhau không gian riêng, hãy thả lỏng nhau ra, đừng “soi” nhau quá. Cả nhà có một phòng vẫn thu xếp được, để mỗi người có một không gian riêng. Phải vào bàn làm việc. Hết việc nghĩ ra việc mà làm, làm thơ cũng được…

Bà Khuất Thu Hồng cũng đưa ra lời khuyên đối với những gia đình trẻ bị mất việc làm thì không nên chờ đợi để có công việc ổn định, mà hãy làm bất cứ việc gì có thể tạo ra thu nhập.

“Chúng ta đừng chờ đợi hết dịch mà phải sẵn sàng sống chung với dịch. Tôi thấy có nhiều gia đình trẻ làm những công việc không chính thức như tự sản xuất các mặt hàng ăn uống phục vụ khu dân cư. Họ có thu nhập khá thường xuyên. Ở khu nhà tôi có gia đình làm không xuể. Làm sao phải để “cái khó, ló cái khôn”, bà Hồng chia sẻ. Theo bà Hồng, kể cả không có kinh doanh, thì người trẻ cũng phải tranh thủ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong thời điểm chưa thể triển khai công việc. Điều quan trọng là sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau để giữ gìn mái ấm gia đình.

Đọc thêm