Bi kịch “hôn nhân trẻ em”
Hiện nay, tình trạng dậy thì sớm của trẻ em đang tăng cao ở mức báo động, điều này gây ra nhiều hệ lụy. Các em thường có “người yêu” quá sớm, không được hướng dẫn dạy học về kỹ năng phòng chống các bệnh và có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn.
Theo thống kê của UNICEF (năm 2014), cứ 10 phụ nữ ở độ tuổi 20-24 tại Việt Nam lại có một người kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước tuổi 18. Song song đó, vấn nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại và có xu hướng ngày càng gia tăng trong xã hội.
Để giải quyết hậu quả của con trẻ thì một cuộc hôn nhân chóng vánh của tình yêu “bồng bột” cho ra đời nhiều gia đình “trẻ em” là điều tất yếu. Trách nhiệm làm cha, làm mẹ đến quá sớm với những cô cậu chưa đủ lớn cả về sinh lý và tâm lý. Lâu thì vài năm, nhanh thì một năm họ lại dắt nhau ra tòa ly hôn với những lý do ngây ngô, buồn cười. Hôn nhân dường như biến thành một trò chơi?
Cũng từng là một đứa trẻ con ngây ngô, mơ mộng về một tương lai tốt đẹp, chị Trần Thị Mỉa (40 tuổi, ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) dang dở việc học theo chồng từ khi mới 16 tuổi. Do hoàn cảnh khó khăn và thất học nên 2 vợ chồng không tìm được việc làm ổn định. Chồng chị thường rượu chè suốt ngày lại lười lao động, chỉ biết bám víu vào những đồng tiền bán vé số của vợ con.
40 tuổi nhưng lại có đến 7 mặt con, mọi gánh nặng gia đình đè lên đôi vai của chị và đứa con gái lớn. Chín con người không tạo nên được một “gia đình thật sự” vì lúc nào cũng là tiếng chửi bới vì “nợ áo cơm ghì sát đất”. Một hôm, chồng say xỉn về kiếm chuyện không cho chị ngủ, trong cơn uất ức chị đã dùng dao đâm chồng chết tại chỗ. Cha chết, mẹ ở tù, tương lai của 7 đứa con gần như bế tắc.
Án mạng thương tâm
Trẻ em bồng bột đã đành, nhiều người lớn do không kiềm chế được cơn tức giận, căm phẫn cũng làm tan nhà nát cửa, người chết, người đương đầu với bản án tử hình. Mới đây, TAND TP Cần Thơ xét xử bị cáo Đặng Văn Bé Hai (35 tuổi, ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) về tội “Giết người”.
Bị cáo Đặng Văn Bé Hai rời phiên tòa |
Nạn nhân không ai khác là người đầu ấp tay gối với bị cáo là chị Phan Thị Hải Q. Bị cáo sống cùng vợ và một đứa con trai 5 tuổi tại phòng trọ trên địa bàn TP Cần Thơ. Vì ghen tuông mù quáng nên vợ chồng thường xảy ra cự cãi, không chịu nổi không khí ngột ngạt nên chị Q nộp đơn ly hôn.
Ấm ức vì nghĩ bị phản bội cộng thêm cơn bực tức trong người, bị cáo đã dùng dao đâm liên tiếp mặc cho nạn nhân kháng cự và van xin. Hậu quả, chị Q đã chết sau khi nhập viện cấp cứu. Biết không còn đường trốn thoát, bị cáo đã ra cơ quan công an đầu thú.
Ngày xét xử mang trong mình bản án tử hình, nhìn đứa con trai ngây dại mất mẹ giờ mất cả cha có hối hận thì đã muộn màng. Tại phiên xét xử, VKSND đề nghị mức án tử hình nhưng vì thương cháu còn quá nhỏ, mẹ nạn nhân đã xin giảm án cho người đã tước đi mạng sống con mình: “Tôi muốn cháu ngoại có cha, dù có thể cha nó không ra gì…”.
Chứng kiến lòng bao dung của người mẹ, cha bị cáo càng nhìn thấy tội lỗi của con: “Con tôi có tội thì phải chịu tội, tòa có xử như thế nào cũng là đúng với lẽ phải” - câu nói ấy như vết dao hằn sâu trong tim của đấng sinh thành. Ly hôn hay bản án “Giết người” đã kết thúc một cuộc tình nhưng để lại đằng sau là những đứa trẻ đang chập chững bước vào đời.