Hồn nhiên hay thú vui hát karaoke “trốn lệnh”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Giữa thời điểm giãn cách xã hội, vẫn có không ít những cá nhân hám lợi, ham vui, ý thức kém, tập trung hát karaoke, vừa ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh lại gây mất trật tự xóm làng, đô thị.
Giữa mùa dịch, nhiều chủ quán ham lợi vẫn tổ chức kinh doanh karaoke, tụ tập khách thiếu ý thức hát hò.
Giữa mùa dịch, nhiều chủ quán ham lợi vẫn tổ chức kinh doanh karaoke, tụ tập khách thiếu ý thức hát hò.

Kinh doanh bất chấp lệnh cấm

Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít nhà hàng, quán karaoke vẫn tổ chức kinh doanh ca hát, bất chấp quy định.

Mới đây nhất là vụ việc xảy ra vào những ngày đầu tháng 6, khi lực lượng liên ngành của UBND thành phố Đà Lạt đi kiểm tra, phát hiện có hai quán karaoke tắt đèn biển hiệu, kéo khóa cửa cuốn nhưng nhận được tin báo bên trong có tụ tập hát karaoke.

Đoàn công tác yêu cầu chủ cơ sở mở cửa chính để kiểm tra, nhưng những người bên trong vẫn “cố thủ” tìm cách trốn chạy. Lực lượng liên ngành cùng Công an thành phố Đà Lạt đã huy động hàng chục chiến sĩ, cán bộ chốt chặn các cửa của ngôi nhà. Sau nhiều giờ vận động, hai quán karaoke nói trên mới mở cửa, nhóm khách hát cùng nhân viên được tìm thấy ở lan can của tòa nhà cao tầng.

Trong cả hai quán karaoke tụ tập hơn 40 khách, cùng với số nhân viên phục vụ lên đến 46 người đang nhậu nhẹt, hát hò. Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định tạm dừng hoạt động karaoke để phòng chống dịch Covid-19.

Trong vòng nửa tháng qua, các địa phương trên khắp cả nước cũng liên tục phát hiện những trường hợp quán karaoke vẫn lén lút kinh doanh giữa dịch. Tại Quảng Nam, phát hiện quán karaoke Bảo Long mở cửa phục vụ khách.

Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) thì mới ra quyết định xử phạt cơ sở kinh doanh karaoke “Góc Khuất 1” và đưa đi cách ly tập trung 12 người do không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Tại Bắc Ninh, Hải Phòng… cũng ghi nhận những trường hợp tương tự.

Tại TP HCM, thời điểm trước giãn cách, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một nhà hàng ở đường Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1 tổ chức cho khách hát karaoke, có nhân viên phục vụ. Khi bị kiểm tra, nhiều nhân viên đã tháo chạy lên các phòng khác trên lầu.

Kiểm tra giấy tờ tùy thân, lực lượng chức năng phát hiện bốn người Nhật Bản, bốn người Trung Quốc tham gia hát tại đây. Ngoài ra còn có hàng chục người Việt Nam. Nhiều trong số đó không thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế. Sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND quận 1 và các đơn vị liên quan cần có giải pháp chấn chỉnh đối với cơ sở vi phạm như trên.

Tại Hà Nội, mới đây một nhà hàng tên Itaewon không chỉ vi phạm quy định một lần mà nhiều lần, khi vừa bị xử phạt xong chưa bao lâu, cơ quan chức năng lại phát hiện nhà hàng này lén lút tổ chức cho 35 khách hát karaoke tại nhiều phòng hát ở cả 3 tầng của tòa nhà kinh doanh.

Cũng mới đây, một thẩm mỹ viện tên Minh Châu đã tổ chức khai trương giữa mùa dịch bất chấp quy định giãn cách. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện có 31 người đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang tụ tập hát karaoke mừng khai trương. Tất cả đều không thực hiện các quy tắc chống dịch theo quy định. Chủ thẩm mỹ viện còn tỏ thái độ chống đối.

Không chỉ tụ tập hát karaoke, nhiều thanh niên còn vừa tụ tập hát hò, còn “mượn” địa điểm karaoke để ăn chơi thác loạn, sử dụng ma túy, chất kích thích.

Như trường hợp mới đây ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Lực lượng chức năng đã phát hiện 11 người là nhân viên, quản lý, khách đang hát karaoke. Trong số này, 7 người (từ 18 đến 36 tuổi) dương tính với ma túy. Một thanh niên trong nhóm có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Công an quận đang điều tra, xử lý và hoàn chỉnh hồ sơ rút giấy phép kinh doanh quán karaoke nêu trên, phạt nặng và xử lý nghiêm theo luật định.

Tại Bắc Ninh, cũng giữa mùa dịch, cơ quan chức năng đã phát hiện 33 thanh niên tập trung hát karaoke, tàng trữ, sử dụng ma tuý. Nhóm này đã bị đề nghị xử phạt vi phạm về phòng chống dịch Covid-19, trong đó có 3 đối tượng bị khởi tố.

Lý giải về hành vi tổ chức kinh doanh, tập trung đông người giữa mùa dịch, nhiều chủ quán karaoke, nhà hàng phân trần là “vì miếng cơm, manh áo”. Tuy nhiên, lý do này thực sự khó lòng có thể thông cảm được. Thời điểm này đang là thời điểm “vàng” để ngăn chặn sự bùng phát của dịch trên cả nước, mỗi người đều phải chấp nhận hạn chế việc đi lại, kinh doanh, sinh kế… Tất cả tập trung vào công cuộc phòng chống dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại bình thường. Chỉ vì “miếng ăn” của một vài cá nhân, rất có thể “phá tan” thành quả của cả một tập thể.

Vì một thú vui, có đáng để bất chấp?

Trong sự việc kinh doanh karaoke bất chấp giữa mùa dịch, những chủ quán hám lợi đáng trách thì những vị khách ham vui cũng đáng trách không kém. Mùa dịch, lúc cả nước đang chung tay, lúc nhiều người đang tìm cách hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh, khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì chỉ vì một thú giải trí không cần thiết cho thời điểm này, những người khách karaoke sẵn sàng biết sai mà vẫn phạm, toa rập với người kinh doanh làm ra những hành động lén lút mà hậu quả khôn lường.

Còn có cả những người trẻ thiếu ý thức, thiếu cả nhận thức khi giữa thời điểm cần nhiều nỗ lực để xây dựng nền tảng cho tương lai, dành thời gian cho gia đình, dành sức lực giúp đỡ người khác thì lại tụ tập ăn chơi thác loạn, sử dụng ma túy.

Họ đã nhận những mức phạt từ nặng đến nhẹ, thậm chí cả án tù cho hành vi của mình, âu đó cũng là bài học cảnh tỉnh dành cho những người vì ham vui mà muốn “vượt rào” một cách vô trách nhiệm, thiếu văn minh.

Ngoài những thành phần tổ chức karaoke nơi tụ điểm, một ẩn họa còn đến từ những người tụ tập ăn nhậu, hát karaoke “tại gia”. Ngay trong mùa dịch, vẫn có không ít thành phần lên mạng xã hội đăng tải hình ảnh tụ tập ăn nhậu, tổ chức hát hò ngay tại nhà với nhiều bạn bè đến tham gia.

Nhiều người đàn ông trong nhà, không chỉ lơ là, làm trái quy định về phòng dịch mà còn quá thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến mối an nguy của các thành viên trong gia đình khi dẫn bạn bè về tụ tập vui chơi, ăn nhậu, hát karaoke tại nhà.

Trên diễn đàn tâm sự chuyện gia đình, một phụ nữ có nick name Hoa Hồng chia sẻ, chị cảm thấy bất lực khi chồng, vốn là một nhân viên kinh doanh bất động sản hiện đang tạm nghỉ việc mùa dịch, cứ vài ngày lại rủ bạn nhậu đến nhà nhậu nhẹt. Bạn nhậu của anh này là đồng nghiệp, hàng xóm, bạn học cũ… Mỗi lần tụ tập là 4, 5 người.

Họ nhậu nhẹt, hát hò, khiến chị vừa phải nấu ăn phục vụ, rồi các con phải nghe tiếng ồn, không thể học hành được. Khi chị phản ứng, chồng chị bớt tụ tập tại nhà nhưng… sang nhà bạn nhậu tụ tập. Chị rất lo lắng vì tình hình dịch như thế này, chồng dẫn bạn về nhà hoặc đi nơi khác tụ tập đều tăng nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, nhất là hai con, con trai mới 3 tuổi, con gái còn nhỏ, chưa đầy 1 tuổi.

Thời điểm giãn cách, không được đi lại nhiều, công việc ít, nhiều người, nhiều gia đình lấy việc tụ tập ăn nhậu, hát karaoke làm thú vui. Từ những cuộc nhậu ấy sinh ra không biết bao nhiêu hệ quả: Từ gây mất trật tự bởi tiếng ồn cho đến mất tình cảm xóm giềng. Quan trọng nhất là gây nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ người này sang người khác, gia đình này sang gia đình khác.

Tổ kiến nhỏ có thể vỡ đê. Cả xã hội đang chung tay góp sức, ủng hộ tiền của cho công tác phòng chống dịch, nhưng chỉ cần một vài cá nhân lơ là, thiếu ý thức, chủ quan hoặc ích kỉ, chỉ quan tâm đến thói quen, thú vui của mình thì thành quả phòng chống dịch có thể đứng trước nguy cơ bị “phá trận” bất cứ lúc nào.

Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Đọc thêm