Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa anh Nguyễn Quốc Chung và SHB Quảng Ninh, ông Bảng không đồng ý với quyết định của TAND TP.Cẩm Phả về việc tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba và Phụ lục ủy quyền ký kết giữa SHB Quảng Ninh với vợ chồng ông cùng vợ chồng con trai là Nguyễn Quốc Chung - Trần Thị Ngọc Anh để đảm bảo thi hành án.
Ông Bảng cho rằng, ông không có trách nhiệm bảo lãnh cho các hợp đồng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB477487 tiếp theo giữa anh Chung, chị Ngọc Anh với SHB Quảng Ninh vì hai Hợp đồng vay ngắn hạn (số 01/2011/HĐTD/NH-CN/SHB.QN và số 02/2011/HĐTD/NH.CN/SHB.QN) đã trả hết nợ, còn hai hợp đồng trung hạn ông không đứng ra bảo lãnh, thế chấp.
Việc ký kết hợp đồng cho vay giữa SHB Quảng Ninh với anh Nguyễn Quốc Chung có nhiều bất thường như: Trong thời gian từ 23/2/2011 đến 23/6/2012, SHB Quảng Ninh đã cho anh Chung vay đến 4 lần (2 lần ngắn hạn, 2 lần trung hạn) là trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Các hợp đồng này đều được giải ngân bằng số lượng tiền mặt lớn để mua tài sản là vi phạm quy định về thanh toán của Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động cho vay của SHB Quảng Ninh quá đơn giản và tắc trách, bởi tại Điều 3.2 Hợp đồng vay số 02/2011/HĐTD/NH.CN/SHB.QN ghi bên thứ ba là ông Đỗ Hữu Lực và bà Đào Thị Kim Loan thế chấp, nhưng số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của gia đình ông Bảng?
Việc ký kết hợp đồng thế chấp là quyền sử dụng đất và ngôi nhà cấp 3 nằm trên diện tích 56m2 tại tổ 3, khu 6, phường Cẩm Thành, TP.Cẩm Phả thiếu chữ ký của các thành viên trong gia đình (thiếu chữ ký của anh Nguyễn Quốc Chung và anh Nguyễn Quốc Việt) là trái quy định của pháp luật. Việc định giá tài sản trong Hợp đồng tín dụng ngắn hạn (số 01) về tài sản thế chấp của gia đình ông Bảng là 3.640.000.000đ, nhưng ngân hàng lại cho vay tổng số tiền lên đến 5 tỷ đồng… theo đó, 04 hợp đồng mà SHB Quảng Ninh cho anh Chung vay đều không có thẩm định dự án…
Không những vậy, số tiền gốc anh Chung còn nợ là 4.870.000.000đ, tiền lãi là 2.337.480.532đ sau hơn 2 năm lên đến 48%, như vậy 1 năm là 24/%, nhưng TAND TP.Cẩm Phả cho rằng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản tại thời điểm xét xử nên được chấp nhận là không đúng vì lãi suất tại thời điểm này chỉ 9%/năm là vượt quá quy định của Ngân hàng Nhà nước…
Thiết nghĩ, Hội đồng xét xử phúc thẩm tới đây cần có những đánh giá khách quan, toàn diện hơn, tránh những hoài nghi không đáng có vào cơ quan bảo vệ pháp luật.