Huế lặng lẽ hơn trong mùa trung thu giữa đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trung thu cận kề, thế nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nghề làm đầu lân truyền thống và các hộ kinh doanh đồ chơi Trung thu tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) năm nay không có cảnh bán mua nhộn nhịp, hối hả như những năm trước. Những cửa hàng bán đồ chơi trung thu đặc biệt là đầu lân đều vắng khách, hoạt động cầm chừng... báo hiệu một mùa Trung thu lặng lẽ hơn giữa đại dịch.
Nghệ nhân dân gian Hồ Văn Thái Sơn với hướng bán hàng online qua shopee tại Thái Nghi số 187 Phan Đăng Lưu, thành phố Huế.
Nghệ nhân dân gian Hồ Văn Thái Sơn với hướng bán hàng online qua shopee tại Thái Nghi số 187 Phan Đăng Lưu, thành phố Huế.

Nghề công phu được ưa chuộng

Để có được những đoàn múa lân phong thái khoan thai, đĩnh đạc, sự rộn ràng tiếng trống trong đêm hội Trăng rằm, từ những tháng đầu năm, các nghệ nhân làm đầu lân đã phải miệt mài may, vẽ.

Nghề làm đầu lân ở xứ Huế đã có từ lâu đời, nghề "cha truyền con nối” được duy trì qua nhiều thập kỷ. Nghề này được thịnh trở lại những năm gần đây khi đồ chơi độc hại tràn lan trên thị trường, thì đồ chơi truyền thống chính là lựa chọn của nhiều gia đình. Hiện Huế có một số cơ sở sản xuất lân lớn nhất ở đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu và Ông Ích Khiêm.

Những đầu lân truyền thống làm để phục vụ cầm chừng trước Tết Trung thu.

Những đầu lân truyền thống làm để phục vụ cầm chừng trước Tết Trung thu.

Nghề làm lân Huế sống dậy trứ danh khắp cả nước bởi sự tỉ mỉ, tinh tế với nhiều chi tiết sáng tạo. “Khi làm đầu lân cần phải cẩn thận, trong đó khó nhất chính là phải trang trí sao cho đôi mắt lân như “cửa sổ tâm hồn” để hài hòa với bộ phận, đó là điểm nhấn độc đáo so với lân ở các vùng miền khác”, anh Cao Xuân Thắng (đường Ông Ích Khiêm) người gắn bó với nghề làm đầu lân 20 năm có lẻ chia sẻ.

Những đầu lân làm bằng khung sườn hay làm bằng khuôn rồi bồi giấy lên đều công phu, đẹp mắt. Đặc biệt, đối với những đầu lân làm bằng khuôn được tạo hình bằng tre, lồ ô và mây rừng, rồi dán lớp vải hoặc giấy đem phơi nắng sau đó vẽ trang trí. Tùy vào bàn tay khéo léo, kinh nghiệm, tình cảm của nghệ nhân mà lân có được sự uy nghiêm và sống động hơn.

Lân được nghệ nhân tạo hình với nhiều kích cỡ từ nhỏ, trung bình đến lớn; mẫu mã khác nhau đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng. Một bộ đồ chơi múa Lân đầy đủ gồm: đầu lân, trống, mặt ông địa, quần áo và các phụ kiện đi kèm trung bình có giá từ vài trăm ngàn đến hơn 5 triệu đồng. Những năm trước khi chưa có dịch bệnh, từ đầu tháng 7- 8 những lô hàng đã xuôi ngược về muôn ngả đường đi TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, thủ đô Hà Nội… ra Bắc vào Nam tạo niềm vui tuổi thơ cho biết bao trẻ em.

Hàng đồ chơi trung thu cầm chừng và hướng đi mới với shopee

Những năm trước, độ đầu tháng 8 âm lịch các cửa hàng bán đồ chơi Trung thu và bán đầu lân truyền thống nhộn nhịp với việc nhận đơn đặt hàng, vận chuyển, bán lẻ trong tỉnh thậm chí có khi “cháy hàng”. Thế nhưng, đại dịch đã khiến thị trường đồ chơi trung thu cầm chừng.

Bà Nguyễn Thị Tý, chủ cửa hàng bán sỉ và lẻ đầu lân truyền thống tại 5/9 đường Trần Hưng Đạo (TP Huế) cho biết: Thường các năm, dịp này chồng tôi luôn tay luôn chân vận chuyển đầu lân cho khách ngoại tỉnh, tôi tất bật với việc bán lẻ, thuê thêm 2 - 4 nhân công làm không kịp để trả hàng cho khách.

Vậy mà năm nay, các nhân công nghỉ việc còn một mình tôi ngồi thế này từ sáng đến chiều cũng chỉ có người đến hỏi mua một ít đầu lân cỡ nhỏ cho trẻ em”. Theo chị Tý, cùng dịp này năm ngoái các cửa hàng đã bán được khoảng 80% lân cùng đồ chơi các loại, thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Nay trung thu vài ngày nữa tới song khách mua chỉ tính tiền trăm ngàn chứ không đến tiền triệu nên có thể sẽ đọng vốn rất nhiều.

Các cửa hàng vắng lặng trước Tết Trung thu.

Các cửa hàng vắng lặng trước Tết Trung thu.

Cả con phố Trần Hưng Đạo có 5 cửa hàng lớn thu mua, làm đầu lân và bán đều trong cảnh ít ai dừng lại hỏi mua. Bà Hải, chủ cửa hàng bán đầu lân truyền thống số 31 Trần Hưng Đạo than vãn: “Tôi chỉ dám nhập đầu lân nhỏ chứ không lấy nhiều vậy mà cũng không ai hỏi mua. Thường sau 17h chiều thì sẽ rất đông khách thế nhưng năm nay bán lác đác lắm. Vì hạn chế các hoạt động vui chơi ở nơi công cộng, đại dịch nhiều gia đình cũng khó khăn nên không chạy hàng”.

Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, chị Lê Ngọc Hà, cửa hàng của Đoàn Lân Thái Nghi đã nhanh nhạy trong việc tham gia khóa học hỗ trợ bán hàng trên shopee do Quỹ Dairu (Thụy Sĩ) phối hợp với Huế IDS tổ chức cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chị học xong thực hành bán online ngay.

“Tôi bắt đầu bán từ tháng 7 nhưng bây giờ mới bắt đầu có người đặt mua dù số lượng còn ít nhưng vẫn bán được hàng vừa đảm bảo phòng dịch. Năm nay, những đèn gương (lồng đèn giấy kiếng), lồng đèn ông sao chi phí thấp lại được được săn đón nhiều hơn trong bối cảnh này””, chị Hà chia sẻ. Những chiếc đèn gương trong cửa hàng được nghệ nhân dân gian Hồ Văn Thái Sơn thổi hồn như ánh trăng với đầy hoài niệm lấp lánh góc đường Phan Đăng Lưu khi đêm về.

Vắng lặng hoạt động của những đoàn múa lân

Những ai từng sống và đến Huế hẳn năm nay đều có chung một nỗi nhớ hoài niệm về không khí nô nức của Tết Trung thu với những phố phường náo nhiệt hơn thường ngày từ đường to đến hẻm nhỏ khi hàng chục đoàn lân sư rồng chuyên nghiệp biểu diễn.

Trong yên ắng bởi đại dịch COVID-19, người ta lại nhớ những khi nơi tập trung các cửa hàng, cửa tiệm như khu Phố Tây, đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Nguyễn Huệ… luôn tắc đường huyên náo phải tăng cường điều tiết để bảo vệ trật tự. Là những khi, dù có muốn vội trở về nhà, đi vòng nhiều ngả đường vẫn nghe thấy tiếng trống lân vui nhộn, tiếng tán dương, reo hò của con trẻ, phụ huynh...

Huế có nhiều đoàn lân sư rồng, nổi tiếng phải kể đến Đoàn múa lân nghệ thuật Thái Nghi Đường thành lập từ năm 1937, Bạch Ngọc Đường thành lập từ năm 2006...

Đoàn lân sư rồng Bạch Ngọc Đường của anh Phạm Tiến đã hoạt động đến nay 16 năm lúc nào cũng kín lịch. Anh Tiến cho hay: “Đoàn múa lân sư rồng Bạch Ngọc Đường chuyên nghiệp, trung bình có từ 25 -30 người hoạt đông quanh năm trong các dịp cưới hỏi, động thổ, lễ hội, khai trương đặc biệt là dịp Trung thu.

Đây là trò chơi thu hút từ hàng trăm có khi hàng ngàn người tham gia xem nên với dịch bệnh phức tạp như hiện nay, đã ba tháng rồi chúng tôi gần như ở yên một chỗ”. Bên cạnh nỗi buồn vì sự vắng lặng của hoạt động văn hóa đã gắn liền với cả cuộc đời anh Tiến thì ba tháng không thể làm việc cũng khiến những người theo đoàn ảnh hưởng đến thu nhập.

Người Huế hoài niệm về Trung thu huyên náo những năm trước.

Người Huế hoài niệm về Trung thu huyên náo những năm trước.

Đoàn lân sư rồng Bạch Ngọc Đường đã được vinh danh hạng nhất trong phần thi Mai Hoa Thung ngày Hội múa lân Huế năm 2020 do Sở Du Lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức thu hút 33 đoàn lân sư rồng trên toàn quốc tham gia. Bạch Ngọc Đường đã thể hiện được vị thế của các loại hình nghệ thuật múa dân gian đường phố của Việt Nam nói chung và sự độc đáo của nghệ thuật múa dân gian đường phố Huế nói riêng làm món quà cho người dân địa phương và du khách ghé thăm.

Chị Nguyễn Ngọc Diệp, một người dân thành phố Huế bày tỏ: “Trung thu đến gần giữa vắng lặng lại càng nhớ những lúc đoàn viên với gia đình. Tôi nhớ lắm những màn múa lân dân gian Huế”. Các đoàn múa thong thả, đĩnh đạc, tiết tấu trống không vang xa mà vọng lại rất mạnh. Lân vào nhà với người Huế là vào may mắn, ấm no. Những điều đẹp đẽ ấy trở thành miền ký ức tươi đẹp trong bất cứ người con xứ Huế nào khi gửi gắm khát vọng, mong cầu cho đất nước luôn thái bình, thịnh trị. Lúc này, nhiều người rất mong đại dịch sớm qua đi để lại được mở rộng cửa đón Lân vào nhà mỗi dịp Trung thu về”.

Đọc thêm