Hưng Hà (Thái Bình): Vì đất, cốt nhục chia lìa

(PLO) - Xuất phát từ sự ích kỷ, anh chị em sẵn sàng buông lời lăng mạ, có những hành vi bạo lực dẫn đến cốt nhục chia lìa. Đó là những hệ lụy từ việc tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất kéo dài nhiều năm qua của gia đình bà Đỗ Thị Bích, trú tại thôn Dương Xá, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. 
Bà Bích trình bày với phóng viên và vô cùng bất bình với cách giải quyết của huyện Hưng Hà
Bà Bích trình bày với phóng viên và vô cùng bất bình
với cách giải quyết của huyện Hưng Hà
Nồi da xáo thịt
Theo bà Bích, bố mẹ chồng bà là hai cụ Vũ Đức Chấm và Cao Thị Tuyết có 6 người con (3 trai 3 gái) và khối tài sản chung là 252m2 đất thổ cư, một ngôi nhà cấp 4 có 4 gian. Năm 1990, khi hai cụ còn khỏe mạnh đã phân chia tài sản cho ba con trai là ông Xuyên (chồng bà Bích), ông Hùng và ông Hải; có biên bản được UBND xã xác nhận, đóng dấu. 
Cụ thể, ông Xuyên là con trưởng được 2 gian nhà và 11m chiều dài mặt đường; ông Hùng, ông Hải mỗi người một gian, còn đất mỗi người 1 suất dài 8,5m. Ba người con gái là Vũ Thị Thanh, Vũ Thị Toán, Vũ Thị Huyến không có phần vì đều đã lấy chồng.  
Năm 1991, ba người con trai tháo dỡ nhà và phân chia theo biên bản lập năm 1990. Ông Hùng và ông Hải mỗi người bán đi một suất đất, còn một suất xây nhà kiên cố. Vợ chồng bà Bích không bán đất mà xây nhà trên diện tích đất được chia và cụ Tuyết ở cùng với vợ chồng ông bà là con trưởng theo tập quán. 
Năm 2000, sau khi chồng bà Bích mất được một năm thì xảy ra mâu thuẫn giữa bà Bích với ba người em gái chồng. Quá trình mâu thuẫn, tranh chấp, ba bà này đã phá tài sản là các công trình xây dựng gồm 85m2 nhà cấp 4 và 35m tường rào bảo vệ cao 2,5m do vợ chồng bà Bích xây năm 1991. 
Năm 2007 cụ Tuyết mất, bà Bích tiếp nhận đất và ngôi nhà cụ Tuyết ở khi còn sống đã công khai cho bà (thể hiện tại biên bản ngày 15/11/2000). Nhưng lúc này, ba người con gái lại xuất trình bản di chúc ngày 10/10/2001 được cho  là di chúc của cụ Tuyết, có nội dung cụ cho ba bà diện tích đất cùng với ngôi nhà nhỏ trên đất. 
Do bà Bích không chấp nhận và cho rằng bản di chúc là giả nên các bà Thanh, Huyến, Toán đã khởi kiện bà Bích ra tòa án để chia thừa kế. Trong quá trình xét xử, bà Bích đều yêu cầu giám định nhưng không được xem xét. Theo đó, TAND huyện Hưng Hà và TAND tỉnh Thái Bình đều xử chấp nhận yêu cầu của  các bà Thanh, Toán, Huyến. 
Không đồng ý, bà Bích khiếu nại. Ngày 25/3/2011, TANDTC đã có Quyết định giám đốc thẩm 242/2011,không công nhận di chúc ngày 10/10/2001 là hợp pháp và hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đồng thời chuyển hồ sơ để cấp sơ thẩm xét xử lại, bác yêu cầu của nguyên đơn vì di chúc không hợp pháp. 
Tuy nhiên, sau đó các bà Thanh, Huyến, Toán đã rút đơn nên TAND huyện Hưng Hà ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; đồng thời UBND huyện Hưng Hà cũng ra quyết định thu hồi Sổ đỏ số BA225180 mang tên ba bà Thanh, Toán, Huyến. Mặc dù sổ đỏ đã bị UBND Hưng Hà ra quyết định thu hồi nhưng theo phản ánh, đến nay họ vẫn dùng sổ đỏ này để chào bán lô đất của bà Bích.
Né trách nhiệm hay vì động cơ nào khác?
Sau khi có quyết định thu hồi sổ đỏ, ngày 20/6/2012 bà Bích đã có đơn kèm hồ sơ gửi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Hà làm thủ tục cấp sổ đỏ. Nhưng không hiểu sao, cơ quan này lại cho rằng đất đang có tranh chấp. Không chấp nhận, bà Bích gửi đơn đến UBND huyện Hưng Hà cũng như tỉnh Thái Bình, nhưng từ đó đến nay các cơ quan có chức năng và những người có trách nhiệm vẫn im lặng.
Bà Bích cho biết thêm, suốt 8 năm trời với hơn 10 bản án, qua 3 cấp xét xử, đến nay bà vẫn chưa thể lấy lại được mảnh đất vì đang bị các bà Thanh, Huyến, Toán khóa cửa chiếm giữ. Không những thế, mẹ con bà đã không ít lần bị các cô em chồng hành hung, mỗi lần như vậy bà đều có đơn gửi UBND xã và UBND huyện, nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng. Hiện bà và các con phải sống trong căn nhà dột nát.
Được biết, vụ việc cũng đã được Thanh tra Chính phủ có công văn gửi Chủ tịch huyện Hưng Hà yêu cầu giải quyết dứt điểm, nhưng đến nay UBND huyện Hưng Hà vẫn “án binh bất động” một cách lạ thường. 
Luật gia Nguyễn Chấn cho biết, vụ án đã được đình chỉ bằng quyết định của tòa án trên cơ sở tự nguyện rút đơn của các bà Thanh, Toán, Huyến. Vì vậy, việc UBND huyện Hưng Hà cho rằng đất “có tranh chấp” để  không cấp GCNQSD đất cho bà Bích là không có có cơ sở. Vì chỉ trong trường hợp được pháp luật công nhận là những người thừa kế hợp pháp theo di chúc, thì các bà Thanh, Toán, Huyến mới có đủ tư cách pháp lý để trở thành một bên chủ thể “tranh chấp quyền sử dụng đất” khi cần cơ quan có thẩm quyền (Tòa án hay cơ quan hành chính nhà nước) can thiệp. 
Bên cạnh đó, các bà này đã tự nguyện rút đơn khởi kiện và Tòa sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án “tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” cũng là những bằng chứng quá rõ cho thấy việc “né” cấp “sổ đỏ” cho bà Bích với cái cớ “tranh chấp” không  thể chấp nhận được.
Việc UBND huyện Hưng Hà ra quyết định thu hồi GCNQSD đất đã  cấp trái pháp luật cho 3 bà Thanh, Toán, Huyến là việc làm cần thiết nhưng chưa đủ. Cơ quan có thẩm quyền “né tránh, đùn đẩy”, chậm giải quyết vụ này là việc làm trái với quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, nghiêm cấm “Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện hoặc tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định mà không nêu rõ lý do bằng văn bản”. Theo luật, cấp hoặc thu hồi GCNQSD đất và trả  lời người dân “bằng văn bản” đều thuộc thẩm quyền UBND huyện Hưng Hà.

Đọc thêm