Bán cả giếng cổ của làng
Ông Đồng Viết Thuận (55 tuổi, người ở thôn An Thổ) đã dẫn phóng viên đi gần khắp xã Nguyên Giáp để chứng kiến những chiếc giếng làng có hàng trăm tuổi bị san lấp bán với giá hàng chục triệu đồng một giếng diện tích chừng gần 100m2.
Ông đau xót: “Những cái giếng làng cho dù bây giờ người dân ít dùng nước sinh hoạt nhưng nó là phần linh hồn của làng, về mặt phong thủy nó là long mạch của làng. Cha ông khi đào giếng cho người dân sinh sống, họ tính kỹ lắm, nhưng cán bộ xã lại bán giếng đi, xây nhà cao tầng lên trên đó mà không có sổ đỏ”.
Điều khiến người dân bức xúc thêm là đất tại các giếng làng đó đều ở vị trí đẹp, đều được bán cho con cháu, họ hàng trưởng thôn và lãnh đạo xã, còn người dân khó mà mua được. Ví như giếng Đề Thám được bán năm 2012 cho ông Lê Văn Cao - em trưởng thôn; giếng đội 3 bán năm 2011 cho ông Phạm Văn Đông - cháu rể Chủ tịch xã; giếng đội 1 bán năm 2012 cho một người anh em họ của cán bộ địa chính xã…
Chưa hết, UBND xã còn bán cả nhà mẫu giáo, nhà trẻ: Nhà Mẫu giáo đền Trung bán cho ông Đồng Hữu Thuần, người nhà ông Đồng Hữu Riết - Chủ tịch xã; Nhà trẻ xóm 3 được ông Trương Văn Đua mua với giá 45 triệu đồng.
Đấu giá chỉ là hình thức
Với tổng diện tích 4.725m2 được chia ra thành 24 lô, khu dân cư Đống Phú với diện tích 725m2 được chia thành 4 lô: khu dân cư An Thổ với diện tích 4000m2 chia thành 20 lô. Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất của UBND huyện đã có kế hoạch bán đấu giá đất gửi cho các hộ dân, nhưng theo người dân thì miếng đất nào đẹp đã có chủ rồi, dân chỉ được mua vào bên trong mà thôi.
“Người dân chúng tôi đã tự điều tra, xác định cụ thể những diện tích đất nông nghiệp đã bị bán bằng sự “phù phép”, danh sách các hộ đã mua đất do xã bán, tập trung ở diện tích đất ruộng cạnh đường đi sang làng Hòa Nhuệ. Những hộ đã và đang xây nhà ở trên đất ruộng lúa đã được huyện chuyển đổi thành đất ở như của anh Đồng Hữu Thể - con trai ông Riết, đương kim Chủ tịch xã - đã xây ngôi nhà 2 tầng kiên cố như biệt thự. Phạm Văn Động - con ông Phan Trọng Lực, nguyên Chủ tịch xã - cũng đã xây nhà lớn. Anh Phú ở thôn Quý Cao, người nhà ông Toàn - kế toán xã đấu giá được10 suất” - một người dân giấu tên cho biết.
Quan sát khu đất đấu giá, được các hộ dân ở đây cho biết việc mua bán đất rất dễ dàng, chính quyền sẽ tạo điều kiện để làm sổ đỏ nhanh chóng và không có gì trở ngại. Theo hai thanh niên trong làng cho biết, những suất đất gần mặt đường bây giờ có giá lên tới khoảng 400 triệu đồng và đều là đất của những người có thế lực. “Số tiền bán đất công ích, đất trồng lúa hiện chưa rõ đã được chia chác như thế nào. Lãnh đạo xã nói số tiền này đã dùng để xây các công trình hội trường và làm đường,
nhưng thực tế tiền làm các công trình này do Nhà nước hỗ trợ và nhân dân tự đóng góp. Cụ thể như việc xây hội trường, Nhà nước đã hỗ trợ 200 triệu đồng; làm đường bằng tiền của dân đóng góp, đồng thời huyện Tứ Kỳ hỗ trợ tiền xi măng. Chúng tôi nhận thấy cần phải xác minh xem số tiền bán đất đã sử dụng như thế nào? Có tiêu cực, tham nhũng hay không?” - một người dân bức xúc.
Làm việc với ông Đồng Hữu Riết - Chủ tịch UBND xã Nguyên Giáp, được biết: Việc đấu giá đất là chủ trương của UBND huyện và xã chỉ làm theo các quy định, còn việc con ông và những người có chức sắc trong xã đấu giá được những miếng đất đẹp thì ông cho rằng do con ông đấu giá mà được chứ không hề có sự sắp xếp hay thiên vị. Ông Riết còn quả quyết không có chiếc giếng làng nào bị san lấp để bán cả(?). Còn ông Nguyễn Ngọc Sẫm - Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết, UBND huyện đã nhận được đơn tố cáo của công dân về những sai phạm trong việc quản lý đất đai và đang giao cho cơ quan thanh tra xác minh, làm rõ và sẽ báo cáo sự việc khi có kết luận chính thức.