Trầm cảm- căn bệnh dẫn đến tự tử khá cao trong giới trẻ. (Ảnh minh họa) |
Trên trang Những câu chuyện điên rồ của tôi là những chia sẻ của nhiều bạn trẻ về những vấn đề, những lo âu trầm cảm không thể chia sẻ cùng người thân…
“Em năm nay sắp bước sang tuổi 21, em chỉ thắc mắc là trường hợp của em có phải là đang bị bạo hành không ạ. Em xin được kể vài tình huống thôi nhé. Năm 4 tuổi, em vô tình chứng kiến ba mẹ xy ngay bên cạnh, dù không hiểu gì nhưng vì tò mò em vẫn nằm xem, ba em bảo em úp mặt vào tường nhưng em không nghe, thì sau đó ba liền dùng điều khiển tivi đập mạnh vào đầu em ạ.
Suốt thời thơ ấu em bị chứng ăn chậm, nên những bữa cơm của em đều ngập tràn đòn roi, chủ yếu là những cú bạt tai vào má, vào thái dương hoặc dạt vào mũi.
Đến thời điểm cấp 2, mẹ em phải làm xa nhà nên em ở với ba. Mỗi lần ba nhậu về khuya thì kiếm chuyện chửi bới, chọc cho em thức giấc, em tỏ thái độ khó chịu và bị ba nắm tóc, thụi nắm đấm vào mặt, hoặc ba sẽ bóp cổ em và đấm thẳng tay xuống ạ. Một tuần thì em sẽ bị đánh đập như vậy khoảng 2-3 lần ạ.
Lên cấp 3 em có người yêu, kết quả học tập của em vẫn luôn đều và tốt ạ, tuy không xuất sắc đứng đầu lớp nhưng những môn chính qui chưa bao giờ ở dưới 8 phẩy, em vẫn bị ba đánh đập dã man. Lần đó em bầm dập hết bả vai, vết máu bầm lan tận xuống phía trong bắp tay, rất nhiều, nhìn rất ghê.
Và thêm rất nhiều lần say rượu và đánh đập em nữa. Toàn là những cái bạt tai, đấm vào mặt, vào đầu, lần kinh hoàng nhất là lên gối vào bụng, em đau bụng mấy ngày liền phải nhập viện. Những câu chửi bới rủa xả tục tĩu thì lại càng kinh khủng hơn nữa, đến mức em không dám tưởng tượng đó là những điều mà một người cha có thể nói với con gái mình. Lên đại học, học xa nhà, lâu lâu về thăm nhà vào những ngày ba say rượu thì em vẫn bị đánh. Em không biết nữa, chỉ biết là càng lúc em càng cảm thấy lòng mình như đang vụn vỡ. Ba là người em yêu thương và trân trọng, nhưng cũng là người khiến em oán hận nhất”…
“Mình năm nay 23 tuổi, tốt nghiệp ngành nữ hộ sinh loại khá của đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch. Các bạn sẽ nghĩ mình có xuất phát điểm tốt để bước vào đời nhỉ? Thật ra, mình không thích ngành y, nhưng từ nhỏ mẹ luôn bảo mình “ngành y là ngành cao quý, mẹ muốn con làm bs để con nở mày nở mặt”…
Và mình học hộ sinh, rồi tốt nghiệp. Nhưng trong quá trình đi thực tập, mình thật sự ám ảnh, những tiếng la hét của sản phụ, áp lực công việc, số lượng bệnh nhân, nguy cơ truyền nhiễm bệnh, không ăn ngủ và cả sự đối đãi rất bạc của chính những đồng nghiệp trong ngành. Thế nên sau khi tốt nghiệp mình thoái thác không nhận nhiệm sở. Lúc đấy ba mình mất, thêm việc người yêu chia tay, mình đã trầm cảm và rối loạn lo âu. Mình chỉ biết khóc và muốn chết! Rất may, nhờ những người lạ đã kéo mình lên, họ thật sự cứu mình. Mình không thể nói với mẹ vì mẹ sẽ lo, mẹ sẽ không tin đứa con duy nhất của mẹ trầm cảm…
Và có một lá thư của một tử tù gửi mẹ được đăng tải trên website của một trường học, có thể đây chỉ là một câu chuyện được thêu dệt, song nó đã truyền tải thông điệp có thật của không ít bà mẹ xưa nay, luôn nghĩ rằng mình đúng, khi đã làm tất cả cho con…
Thưa Mẹ!
Con của mẹ ngày mai là phải ra pháp trường rồi. Con cũng không biết tại sao mình lại đi đến bước đường cùng như thế này, hiện tại con chỉ thấy mọi ký ức như đang trở về và hiển hiện trước mắt con…Khi con được 3 tuổi, con chạy rất nhanh, vấp phải hòn đá và té ngã. Mẹ đã chạy đến và đỡ con đứng dậy. Mẹ vừa dỗ dành con không khóc vừa mắng hòn đá: “Sao mày lại làm con tao khóc, để mẹ đánh cho hòn đá một trận” .
Khi con được 10 tuổi, mẹ đã đăng ký cho con 3 lớp phụ đạo văn hóa và 2 lớp học năng khiếu. Khi con con cảm thấy mệt mỏi đến mức không chịu nổi, mẹ đã nói: “Nếu con không chịu được khổ thì làm sao thành người tài giỏi được”.
Khi con được 15 tuổi, con đòi chơi đàn piano, mẹ đã vay tiền để mua cho con một chiếc đàn. Nhưng chỉ sau một tháng, con đã không còn động đến nó nữa. Nhưng con đã không biết rằng, mẹ đã phải vất vả làm việc 3 năm mới trả được hết nợ.
Năm con 20 tuổi, con muốn thay điện thoại mới, mẹ đã không cần cân nhắc nhiều và chuyển ngay cho con 10 triệu đồng. Nhưng con chỉ dùng điện thoại để liên lạc với bạn gái, trong vòng 1 năm con chỉ gọi cho mẹ có mấy lần.
Năm con 32 tuổi, do con đánh bạc thua, và nợ rất nhiều tiền, mẹ đã rất tức giận đến mức sinh bệnh, nhưng cuối cùng thì mẹ cũng trả hết nợ cho con. Năm con 35 tuổi, khi con biết mẹ đã không còn đồng nào trong người, con đã đi cướp của giết người.
Khi con nghe thấy họ tuyên án tử hình, mẹ đã khóc và trách ông trời không công bằng, vất vả cả đời vì con vậy mà cuối cùng lại ra nông nỗi này.
Mẹ đã dùng phương pháp sai lầm và vất vả cả đời vì con cái, để đổi lấy sự đau khổ cho cả 2 thế hệ.Mẹ hãy bảo trọng! Ngày mai con phải đi rồi. Hy vọng ở một thế giới khác, con có thể học được cách có trách nhiệm với chính mình, tự mình tìm được hạnh phúc cho chính mình…
Theo quan điểm của bà TS Xã hội học Phạm Thị Thúy, con cái chính là tấm gương phản chiếu mọi hành động, hình ảnh của cha mẹ. Bạn gieo mầm nào sẽ gặt được quả ấy, nếu bạn dạy con biết chia sẻ, yêu thương thì con của bạn sẽ là đứa trẻ có tấm lòng nhân hậu, dạy con có trách nhiệm với mỗi hành động, việc làm thì đứa trẻ đó sẽ luôn có tinh thần trách nhiệm… Quan trọng hơn, cha mẹ cần dạy con “việc gì mình không thích thì đừng làm cho người khác” để con biết rằng, khi vào tình huống, hoàn cảnh của người đó mình sẽ nên và không nên làm gì.
Trầm cảm - chuyện không nhỏ!
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tìm cái chết (800.000 ca tự tử/năm). Mặc dù xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15-29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.
Riêng tại Việt Nam, mỗi năm số người tự tử do trầm cảm từ 36.000 - 40.000 người. Nguyên nhân chủ yếu là do stress về các biến động trong gia đình, mâu thuẫn, khủng hoảng trong công việc. Người Việt còn chưa có kỹ năng để xử lý các khủng hoảng tinh thần. Đặc biệt, những năm gần đây Việt Nam đang báo động với tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Theo đó nhiều phụ nữ rơi vào chính bi kịch của mình mà không tìm được lối thoát. Họ bị trầm cảm nặng, tự ra tay giết hại những đứa con còn đỏ hỏn trên tay. Sau khi thức tỉnh thì đã quá muộn, họ đau xót và tự kết liễu đời mình…
Với trẻ vị thành niên, theo số liệu của 1 số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) cho biết, có những đứa trẻ bị tổn thương về tinh thần, do chúng khá thông minh nên có thể duy trì một lực học (biểu hiện bên ngoài là điểm số) khá ổn, nhưng bên trong chúng những tổn thương lại ngày càng lớn dần. Tôi từng gặp trường hợp trẻ học cấp 2 đã thích xăm hình. Thường thì các bé trai sẽ dễ tìm đến game để được đắm chìm, được thỏa ước mơ trong đó. Một số bé gái cũng có những biểu hiện mất cân bằng về giới như yêu sớm hoặc rất sợ gần HS nam. Với dấu hiệu này, nhiều PHHS cho rằng “chẳng có gì là bất ổn cả, đó chỉ là sự biến chuyển, phá cách ở tuổi dậy thì”.
Theo nghiên cứu, một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Trong đó, trầm cảm được xem là rối loạn tâm thần phổ biến thứ ba trong thanh, thiếu niên. Tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong nhóm độ tuổi từ 15-29. Một thống kê cho thấy có đến 6% dân số tại TP.HCM bị bệnh trầm cảm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15-27 tuổi.
Nữ giới bị trầm cảm nhiều hơn nam giới. Trung bình cứ 2 bệnh nhân nữ mới có 1 bệnh nhân nam bị trầm cảm. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20 - 30% mỗi năm.
Chuyên gia tâm lý Trần Thu Hà chia sẻ: “ Tôi đã gặp nhiều người tử vong vì buồn chán và thất vọng... Tôi đã biết nhiều người giết người khác vì giận giữ, vì ganh tỵ, uất hận. Tôi đã biết nhiều người bị đuổi việc, nhiều dự án bị bỏ dở, vì không quản lý được cảm xúc của mình.
Nghĩ coi, khi con đứt tay, ba mẹ có bao giờ bẻ cho con gãy tay luôn không, hay cuống lên băng bó? Nhưng khi con buồn, con chán, con thất vọng thì thường ba mẹ lại phủ nhận, chửi mắng: Hư đốn, quấy, phá, lỳ... Đánh thêm cho một trận. Nhấn thêm phát nữa... Cho con rớt luôn xuống hố!
Có người nói đùa: Vì tiếng Việt mình gọi là nuôi con, chăm con... nên bị tập trung quá nhiều vào phần Con, mà bỏ quên phần Người với rất nhiều cảm xúc? Trong khi, hầu hết những trục trặc đó của con toàn do ba mẹ truyền qua gen, từ hội chứng stress hậu chiến tranh, hoặc là do cách nuôi dạy đầy căng thẳng tạo ra.
Trong cuốn “Con nghĩ đi, mẹ không biết!”, tôi nói tuổi nào cũng có nỗi buồn của tuổi ấy, nhiều khi trẻ con nó buồn mà không nói ra được! Trước đây, tôi nhận được rất nhiều email, thư, điện thoại tâm sự buồn bã, muốn tìm tới cái chết. Nhiều lần chúng tôi đã phải đi làm những bài viết rất buồn về học sinh tự tử, thậm chí 3 bạn, 5 bạn rủ nhau cùng tự tử”...