Hưng Yên: Mong muốn giữ lại chợ truyền thống của tiểu thương chợ Như Quỳnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nguyện vọng tiểu thương chợ Như Quỳnh (hay còn gọi là chợ Ghênh, Thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Như Quỳnh) đồng thuận cải tạo nâng cấp chợ cũ ở đúng vị trí hiện nay, song song với chợ mới, theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, không thu hồi để xây dựng nhà ở thương mại.
Dự án xây dựng chợ Như Quỳnh mới đang gây ra nhiều tranh cãi và hệ lụy tại địa phương
Dự án xây dựng chợ Như Quỳnh mới đang gây ra nhiều tranh cãi và hệ lụy tại địa phương

Một dự án “tiền hậu bất nhất”

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng chợ và nhà ở thương mại Như Quỳnh, huyện Văn Lâm được triển khai năm 2010, theo Quyết định số 1310, năm 2009, “Về việc Ban hành quy định tạm thời về trình tự đấu thầu xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu chợ và nhà ở và đấu giá quyền sử dụng một phần diện tích đất ở để tạo vốn công trình xây dựng công trình hạ tầng trong cùng một gói thầu của một số khu chợ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”.

Năm 2010, nhà đầu tư đầu tiên đã “hụt hơi” do không đảm bảo về năng lực tài chính, đến năm 2014, Công ty TNHH Phương Anh (thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm) trúng thầu thực hiện dự án.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án đã phát lộ nhiều tồn tại, vướng mắc nên đến nay vẫn chưa “về đích” sau hơn 1 thập kỷ triển khai. Có thể nêu một số tồn tại như chồng lấn quy hoạch với chợ Lifsap (một phần của chợ Như Quỳnh cũ), do ngân hàng thế giới tài trợ, vừa đưa vào sử dụng năm 2013, thì cũng thời điểm đó liền bị thu hồi để thực hiện dự án. Đặc biệt, không xin ý kiến tiểu thương về việc quy hoạch chợ mới, di dời chợ cũ để xây dựng nhà ở thương mại…

Cũng vì thế, dự án không nhận được sự đồng thuận của nhân dân, mâu thuẫn việc di dời từ chợ cũ sang chợ mới, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, trong đó, cao trào năm 2018, chủ đầu tư còn tự ý huy động máy móc và nhân công để cưỡng chế giải phóng mặt bằng, gây bất ổn an ninh và chính trị xã hội.

Để tháo gỡ nút thắt này, tại nhiều báo cáo của cơ quan chức năng và kiến nghị của nhân dân đều thể hiện nội dung đề nghị: Giữ nguyên hiện trạng chợ cũ, không thu hồi làm nhà ở thương mại và nâng cấp theo quy hoạch.

Dự án xây dựng trung tâm thương mại và nhà ở thương mại Như Quỳnh gây ra nhiều tranh cãi và bất hợp lý

Dự án xây dựng trung tâm thương mại và nhà ở thương mại Như Quỳnh gây ra nhiều tranh cãi và bất hợp lý

Gần đây nhất, trong văn bản số 208/UBND-TH của UBND tỉnh Hưng Yên ban hành ngày 24/01/2018, Ông Bùi Thế Cử (khi đó là Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên) chỉ đạo, trong đó có nội dung: Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát quy hoạch liên quan đến khu vực chợ Lifsap theo hướng không di chuyển; đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp để khai thác có hiệu quả khu vực Lifsap với dự án chợ cũ; giải quyết các tồn tại, vướng mắt và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án trước ngày 31/01/2018 (trừ giải phóng mặt bằng chợ cũ), tạm thời để chợ mới và cũ cùng hoạt động.

Đối với Công ty Phương Anh chỉ được giải phóng mặt bằng chợ Như Quỳnh cũ khi xây dựng được phương án tối ưu trong việc cải tạo, nâng cấp chợ và phải được chính quyền, nhân dân và tiểu thương đồng thuận cao, báo cáo UBND tỉnh trước khi triển khai thực hiện.

Đến ngày 05/04/2019, tại văn bản số 76/TB-UBND thông báo kết luận của ông Bùi Thế Cử, tiếp tục đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án chợ và khu nhà ở thương mại Như Quỳnh, theo hướng không đưa phần diện tích chợ cũ vào phần diện tích của dự án. Công ty Phương Anh có trách nhiệm lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định.

Tuy nhiên, kết luận của ông Cử không được cụ thể hóa, dẫn tới việc tại Thông báo kết luận thanh tra Chính phủ về việc quy hoạch và xây dựng trung tâm thương mại chuyển đổi chợ và việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát sỏi, tại Hưng Yên, thời kỳ 2011-2018 (số 525/TB-TTCP, ngày 02/04/2021) kiến nghị, xử lý dứt điểm việc chồng lấn quy hoạch của khu chợ và nông sản Lifsap, theo hướng di chuyển chợ; đồng thời sớm có lộ trình thu hồi, bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng phần diện tích chợ Như Quỳnh cũ, để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Cơ quan chức năng sau đó liên tục có những thông báo “tiền hậu bất nhất”, từ đồng ý điều chỉnh, giữ nguyên hiện trạng chợ cũ chuyển sang hối thúc thu hồi để bàn giao cho nhà thầu thực hiện dự án. Từ đây, những bức xúc của tiểu thương và nhân dân một lần nữa lại được đẩy lên cao trào.

Lòng dân chưa thuận!

Ông Vũ Văn Hải (thị trấn Như Quỳnh) đặt nhiều ghi vấn về việc dự án có thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hay không. Đặc biệt, dự án hình thành lại dành nhiều đất thương mại và nhà ở cho thuê, trong khi đất dành cho chợ rất thấp.

“Khi khảo sát dự án đã đảm bảo lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân hay chưa? Hơn 400 tiểu thương cùng hàng nghìn người sẽ sống ra sao? Nhưng không có ai lắng nghe giải thích cho quyền lợi hợp pháp của người dân”, ông Hải bức xúc.

Hình ảnh vắng bóng tiểu thương của chợ Như Quỳnh mới.

Hình ảnh vắng bóng tiểu thương của chợ Như Quỳnh mới.

Ông Nguyễn Văn Hòa (tiểu thương chợ Ghênh) cho biết, gia đình ông sinh sống 4 đời ở chợ Ghênh bằng các nghề thủ công, thu nhập chủ yếu từ kinh doanh từ đây.

Chủ trương xây dựng chợ văn minh, hiện đại là đúng đắn, người dân rất ủng hộ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện các nhà hoạch định và doanh nghiệp đã không lắng nghe, bỏ qua tâm tư nguyện vọng của nhân dân, ảnh hưởng tới đời sống của tiểu thương, dẫn tới phản kháng và đơn thư khiếu nại.

Đề nghị xây dựng trên nền chợ cũ, nhân dân và nhà nước cùng làm, lợi ích cùng hưởng, khó khăn sẻ chia, sẽ tạo sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và bà con tiểu thương.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Trong quá trình thực hiện dẫn đến một số sai sót, đặc biệt, diện tích đất chợ ngày “teo tóp” từ 12 nghìn m2 khi phê duyệt ban đầu, hiện nay diện tích xây dựng còn khoảng 4 nghìn m2. Còn tòa nhà thương mại từ 11 nghìn m2 thành 14 nghìn m2.

Việc chuyển đổi không có lý do giải thích, nếu giả sử toàn bộ tiểu thương chợ cũ chuyển sang thì chợ mới không đủ công suất và diện tích cho tiểu thương kinh doanh. Nhiều văn bản đề nghị xin ý kiến dân, đồng thuận mới được triển khai nhưng không ai làm việc đó.

Do đó, thay mặt tiểu thương và nhân dân ông Thành đề nghị giữ lại chợ Ghênh với lý do đây là chợ truyền thống lâu đời, là di tích lịch sử, không chỉ là đầu mối giao thương kinh tế mà có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, tâm linh với người dân địa phương.

Kiến nghị tồn tại song song chợ cũ và mới

Hệ lụy của việc nêu trên có nguyên nhân xuất phát từ QĐ 1310 còn nhiều thiết sót, không căn cứ vào các quy định hiện hành, nên dẫn tới việc chồng lấn quy hoạch, vừa làm vừa sửa và giải quyết “tiền hậu bất nhất” của cơ quan chức năng.

Cụ thể, theo QĐ 1310 thì hạn chế tham gia của các nhà thầu, nhà đầu tư, bó hẹp phạm vi đề xuất ý kiến đầu tư đối với dự án; chưa xét yếu tố nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án chợ; cơ quan nhà nước ứng tiền giải phóng mặt bằng trước khi nhà thầu trúng thầu, thậm chí, cho phép nhà thầu chuyển quyền sử dụng đất cho các hộ dân để xây nhà ở sau khi đã hoàn thành kết cấu hạ tầng và phần thô nhà chợ chính, chợ dân sinh; chưa hướng dẫn trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án…

Với một loạt những bất cập, thiếu sót đó, nhưng báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên lại bao biện rằng: Thời điểm năm 2009, các văn bản của TW chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và khó thực hiện nên tỉnh đã ban hành QĐ 1310 để quy định “tạm thời”; nhưng đến nay các văn bản của Trung ương tương đối đầy đủ và đồng bộ thì “vá” lỗi để thực hiện các dự án. Vậy, dư luận đặt ghi vấn tại sao UBND tỉnh Hưng Yên lại “dễ dãi” sử dụng một quyết định “tạm thời” làm chủ trương cho loạt các dự án trên địa bàn, và để rồi, khi xảy ra những hệ lụy, bất ổn về chính trị xã hội thì bao biện như trên.

Để tháo gỡ những tồn tại và tiếp nhận kiến nghị, ngày 30/03 vừa qua, đối thoại với nhân dân và tiểu thương chợ Như Quỳnh, ông Phạm Hùng (Vụ phó Vụ 1, Thanh tra Chính phủ) cho biết, rõ ràng thấy quá trình triển khai chưa nhận được sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân và sẽ đồng hành xem xét lại cách giải quyết của cơ quan chức năng.

“Về vấn đề giữ nguyên chợ cũ (bao gồm cả chợ lifsap), tôi đề nghị trên cơ sở ý kiến tiểu thương, đề nghị UBND tỉnh hưng Yên sẽ có báo cáo chính thức, điều chỉnh bằng quyết định, báo cáo Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ”- ông Hùng cho biết.

Tiểu thương và người dân kiến nghị cùng đầu tư chợ Như Quỳnh cũ theo hình thức xã hội hóa

Tiểu thương và người dân kiến nghị cùng đầu tư chợ Như Quỳnh cũ theo hình thức xã hội hóa

Trưởng ban Tiếp dân Trung ương, ông Nguyễn Hồng Điệp cũng đặt vấn đề, tại sao địa phương nói điều chỉnh và không di dời, nhưng kết luận cuối cùng lại bảo di dời chợ cũ? “Tôi nhận định đánh lẽ ra lúc đó xem xét kỹ hơn chợ này có khiếu nại, nguyện vọng của bà con và quan điểm của tỉnh về vấn đề này như thế nào? Khi mà thấy kết luận thanh tra trong quá trình dự thảo mà không hợp với lòng dân, tỉnh phải có ý kiến với đoàn thanh tra để báo cáo kịp thời”, ông Điệp nhấn mạnh.

Theo ông Điệp cho biết thêm, trong quá trình thực hiện, thanh tra không xem xét nguyện vọng của người dân, địa phương cũng không giải trình, không khiếu nại, nếu vì đồng bào, thống nhất không chuyển nữa thì có ngay giải trình kết luận, địa phương có thể đề nghị cho 2 chợ tồn tại song song… vừa giữ nét đẹp truyền thống, vừa có trung tâm thương mại.

Ông Điệp cho biết thêm, qua nghe báo cáo địa phương và đa số tiểu thương đồng ý với chủ trương xây dựng trung tâm thương mại, đồng thời vẫn giữ lại chợ truyền thống, nếu nâng cấp thì nhà nước và nhân dân cùng làm tại vị trí cũ.

Do đó, ông Điệp kiến nghị sẽ có văn bản báo cáo đề xuất thẩm tra kết luận thanh tra; UBND tỉnh Hưng Yên có báo cáo với thường trực tỉnh ủy về kết quả cuộc đối thoại, có văn bản đề nghị với Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ theo hướng tồn tại song song 2 chợ; đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra phòng cháy cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm chợ cũ; đồng thời cam kết đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ đầu tư cũng phải phải đưa ra chính sách phù hợp để khuyến khích người dân, còn kinh doanh ở đâu là quyền của người dân; tất cả tố cáo khiếu nại của nhân dân phát sinh mới thì phải thụ lý giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Với những kiến nghị nêu trên nhận được sự đồng tình ủng hộ củ tiểu thương và nhân dân. Tiếp thu những ý kiến nêu trên, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên cho biết: “Tiếp thu và lắng nghe về báo cáo lại các đồng chí lãnh đạo tỉnh”.

Đọc thêm