Hưng Yên yêu cầu các tổ chức tín dụng cần thực hiện chặt chẽ công tác thẩm định tài sản thế chấp

(PLVN) - Ngày 5/4, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại về thi hành án dân sự trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
Các đại biểu dự hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự (THADS ) tỉnh Hưng Yên, kết quả thi hành các khoản thu cho tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2021 (từ ngày 1.10.2020 đến ngày 30.9.2021) như sau: Tổng số việc phải thi hành là 273 việc, tương ứng với tổng số tiền phải thi hành trên 1.588 tỷ đồng; qua xác minh, phân loại, có điều kiện thi hành là 193 việc với số tiền trên 1.232 tỷ đồng; thi hành, đã thi hành xong 54 việc với số tiền trên 255 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,98% về số việc và 20,65% về số tiền trên tổng số việc, số tiền phải thi hành.

Trong 5 tháng (từ ngày 1.10.2021 đến ngày 28.2.2022, tổng số việc phải thi hành là 256 việc, tương ứng số tiền trên 1.926 tỷ đồng; qua xác minh, phân loại, số có điều kiện thi hành là 172 việc với số tiền trên 1.579 tỷ đồng; đã thi hành xong, kê biên, bán đấu giá, đang phân phối tiền được 37 việc với số tiền trên 565 tỷ đồng.

Nhìn chung, kết quả thi hành các khoản thu có liên quan đến tổ chức tín dụng trong năm 2021 và đến hết tháng 2.2022 đạt kết quả khả quan, cao hơn cùng kỳ các năm trước. Trong đó, có nhiều việc tồn đọng, phức tạp kéo dài đã được chỉ đạo thi hành dứt điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tất toán các khoản nợ đọng kéo dài tại các TCTD, góp phần lành mạnh hóa thị trường vốn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thi hành các khoản thu liên quan đến các TCTD thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Số lượng việc, tiền chuyển kỳ sau vẫn còn lớn; việc thi hành một số việc có giá trị lớn còn chậm tiến độ. Quá trình tổ chức thi hành các khoản thu cho TCTD, cơ quan thi hành án gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Việc thẩm định tài sản của TCTD không sát với thực tế dẫn đến việc cơ quan THADS đã xử lý hết tài sản thế chấp nhưng vẫn không đủ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.

Tài sản thế chấp không còn tại thời điểm thi hành án, không xác định được tài sản thế chấp đang ở đâu; một số trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù hoặc đã ra tù nhưng không trở về địa phương sinh sống, không xác định được địa chỉ, không có tài sản để thi hành án. Tại hội nghị, đại diện các tổ chức tín dụng và cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp (cấp tỉnh; cấp huyện) trong tỉnh đối thoại, trao đổi những nội dung nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao, góp phần xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Ngọc Quỳnh, Trưởng Ban Chỉ đạo THADS yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Cục THADS tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh điều hành và cụ thể hóa các chính sách bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là các chính sách hỗ trợ khách hàng sau dịch COVID -19, chính sách về xử lý nợ xấu. Tăng cường tuyên truyền pháp luật về THADS đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trên địa bàn.

Các sở, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, các kết luận của Ban Chỉ đạo THADS tỉnh, phối hợp tốt khi tổ chức cưỡng chế, trong đó có công tác THADS liên quan đến các tổ chức tín dụng.

Công tác thẩm định đối với tài sản thế chấp, nhất là các tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất; khi phát sinh nợ xấu, ngân hàng cần chủ động trong việc thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm; trong quá trình tố tụng cần phối hợp chặt chẽ với TAND và cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm bản án, quyết định có tính khả thi; phối hợp tốt với cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án các vụ việc có liên quan.

Đọc thêm