Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam đã đề xuất thành lập 1 TTTCQT đặt tại 2 TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Với mô hình trên, Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển TTTCQT tại Đà Nẵng cũng nhanh chóng có Tờ trình và hiện đã được Bộ Tài chính có văn bản báo cáo Đảng ủy Chính phủ theo nội dung này.
Cùng với TP. Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng có những lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng TTTCQT như thế nào?
Định hình lại hướng đi mới
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển TTTCQT tại Đà Nẵng (gọi tắt BCĐ 47), với việc đề xuất mô hình TTTCQT đặt tại 2 TP là có khác với Thông báo số 47-TB/TW kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Vì thế các Cơ quan soạn thảo vẫn đang làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa 2 cơ sở đặt ở 2 TP; cơ quan quản lý nhà nước đối với 2 cơ sở này.
Căn cứ vào đặc điểm riêng biệt của mỗi TP (TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), dự thảo Nghị quyết có những quy định chính sách chung, nhưng tại các văn bản hướng dẫn cần có quy định tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng biệt của mỗi cơ sở…
|
Đà Nẵng có nhiều lợi thế để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế |
Đối với Đà Nẵng, BCĐ 47 cũng đã nhanh chóng Tờ trình và hiện đã được Bộ Tài chính có văn bản báo cáo Đảng ủy Chính phủ.
Cụ thể, theo ông Đặng Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, thành viên BCĐ 47, về chức năng phát triển, TTTCQT tại Đà Nẵng là cầu nối đầu tư khu vực như: Cung cấp giải pháp tín dụng thương mại và tài chính cho các hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam, hỗ trợ hệ thống chuyển tiền, thanh toán kỹ thuật số cho các giao dịch xuyên biên giới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, TTTCQT tại Đà Nẵng còn là cửa ngõ cho hội nhập tài chính khu vực. Cụ thể, thiết lập nền tảng giao dịch tài chính xanh, thu hút và luân chuyển dòng vốn đầu tư trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng và chuyên biệt, giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn, quản lý rủi ro và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, thúc đẩy các ngành kinh tế mới và công nghệ: cung cấp nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, các nền tảng giao dịch, gọi vốn cộng đồng hỗ trợ các start-up công nghệ tài chính (fintech), khuyến khích đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa cơ cấu kinh tế.
TTTCQT tại Đà Nẵng còn kết nối với các lớn để thử nghiệm có kiểm soát các mô hình công nghệ tài chính, đổi mới công nghệ phục vụ đời sống tiêu dùng, du lịch, thương mại, logistics và tích hợp vào hệ sinh thái đã phát triển của các TTTCQT khác, tăng khả năng hội nhập và cạnh tranh.
Như vậy, về mô hình, TTTCQT tại TP Đà Nẵng định hình là tập trung các lĩnh vực chuyên biệt như tài chính xanh, tài chính thương mại phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức và cá nhân không cư trú (như dịch vụ tài chính offshore), các hoạt động thương mại xuyên biên giới gắn với khu thương mại tự do, các khu công nghệ cao, khu kinh tế mở, khu công nghiệp…, thử nghiệm có kiểm soát một số mô hình mới như tài sản số, tiền số, thanh toán, chuyển tiền kỹ thuật số, thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ, thúc đẩy phát triển các start-up cung cấp giải pháp tài chính phục vụ đời sống tiêu dùng, du lịch, thương mại, logistics để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị - kinh tế và môi trường sống, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của TP Đà Nẵng; các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, phát triển các dịch vụ pháp lý có liên quan.
Đà Nẵng đang có những gì?
Để hiện thực hóa định hướng đề ra, cùng với TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng có những lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng TTTCQT Đà Nẵng.
Theo Thông báo 47 kết luận của Bộ Chính trị, Đà Nẵng có vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng; có khả năng kết nối trực tiếp với 35 TP thuộc 11 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều trung tâm kinh tế - tài chính toàn cầu của khu vực châu Á thông qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với tần suất khai thác trung bình 51 chuyến/ngày.
Cảng Đà Nẵng hiện là cảng biển container lớn nhất miền Trung, với bến Liên Chiểu được quy hoạch là cảng trung chuyển quốc tế, có thể tiếp nhận tàu đến 18.000 TEU (200.000 DWT). Đồng thời, nơi đây có tốc độ mạng băng rộng di động và cố định cao nhất cả nước, kết nối trạm cáp quang biển cập bờ với 2 tuyến cáp quang biển quốc tế SWM3 và APG.
Không những vậy, Đà Nẵng được các nhà đầu tư và tổ chức kinh tế quốc tế đánh giá cao về môi trường sống và kinh doanh, Đà Nẵng có chất lượng môi trường không khí và ô nhiễm (AQI) ở mức tốt; đang dẫn đầu trong bảng xếp hạng Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI 2022). Đà Nẵng là một TP du lịch có danh tiếng trong khu vực, là một đô thị trẻ có không gian sống được đánh giá cao ở khu vực và quốc tế. Hiện Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch các bến du thuyền quốc tế, tăng cường giao thông kết nối và trải nghiệm của doanh nhân và du khách thuộc tầng lớp chi tiêu cao.
Đáng chú ý, Đà Nẵng đang xây dựng để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn với những xu thế công nghệ mới, hiện đại, như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, blockchain, điện toán đám mây... TP có tiềm năng và điều kiện về hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Ngoài ra, hiện các tổ chức, quỹ đầu tư tài chính khi nghiên cứu đầu tư vào Đà Nẵng rất quan tâm đến việc phát triển TTTCQT đặt tại Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại.
Về thể chế, BCĐ 47 nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, UBND TP đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT tại Việt Nam để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình lập pháp của Quốc hội năm 2025.
Trên cơ sở đó, ngày 5/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT tại Việt Nam; ngày 26/3/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 75/2025/UBTVQH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trong đó đã bổ sung Nghị quyết về TTTCQT tại Việt Nam theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Hiện nay, UBND TP đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các nội dung tại dự thảo Nghị quyết, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị quyết trình Chính phủ để Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2025 theo quy trình, thủ tục rút gọn. “Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn trong nước và quốc tế, việc xây dựng TTTCQT tại TP Đà Nẵng là có cơ sở và cần thiết”, đại diện BCĐ 47 nhấn mạnh.
Đặc biệt, nói về bước đầu trong định hướng xây dựng Trung tâm, tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Chính phủ đã định hình lại chỉ có một TTTCQT đặt ở hai nơi, như vậy là nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
“Với Đà Nẵng, hiện đã có 7 nhà đầu tư sẽ vào và ký MOU với chúng tôi, trong đó có những nhà đầu tư ký kết về đầu tư kết cấu hạ tầng; ký kết về đầu tư lập các chi nhánh hoặc các sàn hoặc các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chúng tôi làm trên cơ sở chúng tôi đã định hình có nhà đầu tư và đây chính là những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo cho bước đầu của việc thành công”, ông Quảng chia sẻ.
Vũ Vân Anh
(còn tiếp)