Hướng đi mới của làng nghề bánh đa 300 năm tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngoài sản phẩm bánh đa vừng đen truyền thống, nhiều hộ dân ở làng nghề Vĩnh Đức (thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, Nghệ An) còn sản xuất bánh đa gấc, bánh đa khoai lang tím. Các loại bánh có màu sắc, mẫu mã đẹp, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Sản phẩm thậm chí còn “xuất ngoại”.
Bánh đa làng Vĩnh Đức không chỉ được bán trong nước mà còn vươn mình ra nước ngoài.
Bánh đa làng Vĩnh Đức không chỉ được bán trong nước mà còn vươn mình ra nước ngoài.

Làng nghề Vĩnh Đức có tuổi đời gần 300 trăm năm, nổi danh với bánh đa vừng và kẹo lạc. Đầu năm 2022, bánh đa vừng Vĩnh Đức được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh).

Với bí quyết riêng, bánh đa vừng Vĩnh Đức có hương vị đặc trưng, khó lẫn với các sản phẩm tương tự làng nghề khác. Hương vị đặc trưng của bánh đa nơi đây được tạo ra từ việc pha trộn các nguyên liệu như tỏi, tiêu, hạt nêm… với tỉ lệ nhất định.

Chị Đinh Thị Hồng (36 tuổi, có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề) chia sẻ, để làm bánh đa, việc chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Gạo sử dụng làm bánh là gạo khang dân, xay bột tươi, tức là xay đến đâu tráng đến đấy. Vừng phải chọn loại ngon, hạt tròn mẩy, chắc, nặng, vỏ mỏng. Mỗi ngày gia đình chị tráng hết 30kg nguyên liệu, được 1.000 chiếc bánh đa.

Thời gian gần đây, nắm bắt nhu cầu thị trường, cùng với duy trì sản xuất loại bánh đa vừng truyền thống từ bột gạo, người dân làm nghề còn sáng tạo các loại bánh đa vừng từ gấc, khoai lang tím… Chị Nguyễn Thị Nhàn (28 tuổi) chia sẻ, bánh đa vừng làm từ gấc, khoai lang tím kỳ công hơn các loại bánh khác. Gấc được tách hạt, xay lên với gạo. Với bánh đa khoai lang tím, khoai sau khi hấp chín sẽ xay nhuyễn, thêm ít sữa đặc để dậy mùi, sau đó xay cùng gạo.

Dùng nguyên liệu thiên nhiên để làm nên bánh đa với màu sắc bắt mắt, do đó bánh nơi đây được thị trường khá ưa chuộng. Sản phẩm không lo bị ế, giá cao hơn bánh đa truyền thống. Nếu bánh đa truyền thống giá bán 20.000 đồng/10 chiếc chưa nướng, loại nướng rồi giá 25.000 đồng/10 chiếc; thì bánh đa gấc, khoai lang tím có giá 30.000 - 35.000 đồng/10 chiếc.

Các loại bánh đa sau khi tráng chín được rải trên tấm đan bằng tre, đưa ra phơi nắng. Quá trình phơi, người làm phải liên tục lật bánh để bảo đảm bánh khô đều, màu sắc đẹp. Bởi nhiệt độ và thời gian phơi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của bánh.

Để bánh đạt độ ngon, nên phơi trong điều kiện nhiệt độ 30 - 37 độ C. Đến khoảng 10h - 11h, khi bánh khô đều 2 mặt, phải thu gom nhanh vì nếu để quá nắng, bánh sẽ bị nứt, vỡ, cong vênh...

Với những thợ nướng bánh, phải ngồi cạnh bếp than đỏ rực, bất kể đông hay hè. Sức nóng từ chậu than giữa hè buộc người thợ phải trang bị bảo hộ cho phần mặt, tay, đầu gối và ống chân. Những chiếc quạt điện công suất lớn cũng chỉ giúp xua bớt đôi chút cái nóng ngột ngạt.

Ông Võ Quang Hoàng, cán bộ UBND thị trấn Đô Lương cho biết, hiện có 10 hộ gia đình làm bánh đa với quy mô lớn, đầu tư hệ thống tráng bánh tự động. Khoảng một nửa số hộ trong làng nghề duy trì cách thức sản xuất thủ công. Trung bình một ngày mỗi hộ sản xuất khoảng 1.500 chiếc bánh đa. Năm 2022, doanh thu từ bánh đa của làng nghề Vĩnh Đức đạt hơn 4,5 tỷ đồng. Hiện bánh đa vừng Vĩnh Đức không chỉ tiêu thụ khắp các tỉnh, thành mà còn đưa sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh...