Hương đồng mộc mạc, hồn quê chân chất trong thơ Nguyễn Bính

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nguyễn Bính (1918 – 1966) là nhà thơ nổi tiếng Việt Nam. Thơ Nguyễn Bính không cầu kỳ, không cách tân, nhưng không cũ. Thơ ông được nhiều người thuộc và hay ngâm nga, đi vào đời sống như ca dao.
Trưng bày một số tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính.
Trưng bày một số tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính.

Hồn thơ hương đồng cỏ nội

Nguyễn Bính sinh tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, tên thật là Nguyễn Trọng Bính. Nguyễn Bính viết nhiều thơ, kịch, làm báo... Nhưng bạn đọc nhớ nhiều đến ông là một nhà thơ.

Có người coi Nguyễn Bính là nhà thơ lớn, nhà thơ lãng mạn. Thời kỳ ông bắt đầu nổi tiếng, cũng là lúc phòng trào Thơ Mới có những thành tựu nổi bật, nhiều thi sĩ được cho là ảnh hưởng thi ca phương Tây. Nhưng ở Nguyễn Bính dường như không có một “dây dưa” nào với thi ca phương Tây.

Nguyễn Bình vẫn lấy ca dao, tục ngữ, truyện Kiều, văn hoá dân tộc để làm căn cốt cho những sáng tác của mình. Nguyễn Bính viết đa dạng thể thơ, nhưng được nhớ nhiều nhất là ở thể thơ lục bát. Lục bát Nguyễn Bính có cái riêng. Dường như, ông đã cố ý làm mới lục bát, nhưng câu chữ ông dùng lại luôn dung dị, đời thường.

Có lẽ do các thi phẩm của ông đều bắt nguồn từ căn cốt dân tộc, nên được nhiều người thuộc, bất kể là bình dân, trí thức, nhiều lứa tuổi. Dường như ai cũng có cảm tình với thơ Nguyễn Bính. Nhất là khi thơ ông như được chắp thêm âm nhạc, thì sự lắng đọng về thi tứ và hình ảnh càng nằm sâu trong trí nhớ nhiều người.

Về tính cách Nguyễn Bính, được bạn bè cho là rất cầu toàn trong mỗi tác phẩm, sửa chữa kỹ càng, xem đi xem lại trước khi đăng báo, hay trước khi in sách. Tuy nhiên, lối sống của ông thì ngược lại, không khoa học, buông thả, phóng túng. Nguyễn Bính hài hước và thắng thắn. Ông thẳng thừng chê bai thơ dở, dù người viết ra bài thơ đó là bạn mình, hoặc là người từng được ông nể trọng.

Ảnh tư liệu của gia đình nhà thơ Nguyễn Bính.

Ảnh tư liệu của gia đình nhà thơ Nguyễn Bính.

Thơ Nguyễn Bình “quê mùa”, chân chất, mộc mạc, nhưng giàu hình ảnh, cho thấy được hồn cốt vùng quê Việt Nam, những nét đẹp bàng bạc, bãng lãng. Những hình ảnh thôn Đông, thôn Đoài, mùng tơi, yếm thắm… những hình ảnh quá đỗi thân thuộc của người dân nông thôn được ông thi vị lên đầy sức sống, ám ảnh.

Ta thấy Nguyễn Bính viết nhiều về thơ tình. Ở dạng thơ này, Nguyễn Bính luôn cho thấy nỗi buồn xa cách, hoặc là đứng từ xa nhìn về cô gái mình yêu khi không còn thuộc về mình. Hoặc sự thay đổi của những cô gái quê mùa khi hoàn cảnh khách quan tác động, như lối sống thị thành chẳng hạn.

Bài thơ Chân quê, được Nguyễn Bính viết năm 1936, đây là bài thơ lục bát nổi bật nhất của ông, đã được phổ nhạc. Bài thơ vẽ ra hình ảnh cô gái chân quê đã bị thị thành ảnh hưởng. Cô gái ấy đã mất đi cái sự quê mùa thân thương, đến nỗi nhà thơ phải kêu lên, phải van nài, nhưng dù có làm gì đi nữa, thì “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

Cái xót xa, xót thương về sự mất mát ở cô gái chân quê không chỉ là sự mất mát về hình ảnh, mà đó còn là sự mất mát về tính cách. Và rộng ra là sự mất mát dần cái đẹp của hồn quê, sự lai căng thị thành phương Tây. Nguyễn Bính tiếc nuối cho nét đẹp văn hoá “quê mùa” mấy nghìn năm hun đúc đã dần bị phai đi.

Nhận là học trò nhỏ của Nguyễn Du

Nguyễn Bính luôn yêu cái mùa, chân quê, đau đớn khi cái thân thuộc đẹp đẽ kia bị mất đi. Nhà thơ nuối tiếc, nhưng cuối cùng cũng đành phải chấp nhận. Hay trong bài Tương tư, sự luyến tiếc về những cái cũ luôn ám ảnh Nguyễn Bính. Tâm hồn thi sĩ dường như không bao giờ muốn mất đi cái thân thương đã “cắm rễ” trong trí nhớ.

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người.

Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Ta thấy Nguyễn Bính đã trở thành một người rất giỏi trong vận dụng ca dao, tục ngữ. Nên nhiều câu thơ, bài thơ của Nguyễn Bính rất gần với ca dao, mà nếu không đề tên Nguyễn Bính, thì ta khó nhận ra. Đó là những câu thơ không cầu kỳ, giọng điệu bình thản, gần như lời hát ru.

Về tính cách Nguyễn Bính, người bạn của ông là nhà thơ Hoàng Tấn, viết: “Nếu với thơ, Bính kỹ lưỡng đắn đo suy nghĩ có khi đến quên ăn quên ngủ vì một từ, viết nháp nhiều lần, sửa chữa kỹ lưỡng từng câu từng chữ, trước khi đưa in viết sạch sẽ rõ ràng nắn nót bao nhiêu, thì trong cuộc sống Bính bạt mạng buông thả bấy nhiêu.

Tính thích khôi hài, giàu óc tưởng tượng, thông minh nhanh nhẹn, ứng phó mau lẹ, Bính thường hay châm chọc bạn bè. Cái mà Bính thù ghét nhất là những bài thơ dở, cũng như những người làm thơ không hay. Đưa cho Bính coi một bài thơ mà Bính cho là dở, thì lập tức không nể gì tác giả đang đứng trước mặt, dùng những lời lẽ cay độc để chê bai khiến tác giả đỏ mặt, nhiều khi tự ái phát khùng. Lại còn tính kiêu kỳ khinh bạc nữa.

Ngay cả với những người cưu mang Bính, khi thất thố điều gì là Bính thẳng cánh mất mặn mất nhạt. Nhưng đặc biệt lạ lùng là sau một cuộc đấu khẩu nảy lửa gay gắt dẫn đến việc phải xa nhau, chỉ một thời gian sau gặp lại Bính lại vui vẻ niềm nở như không. Riêng về thơ, Bính tự cao tự đại quá quắt, chê thơ người này non, người kia dở, kể cả những thi sĩ có người còn nổi tiếng hơn cả Nguyễn Bính.

Những câu thơ của ai được Bính khen hay (khuyên son), là một điều hãn hữu. Người mà Bính phục tài và “Nguyện suốt đời là người học trò nhỏ” là thi hào Nguyễn Du. Chẳng thế mà Truyện Kiều Bính thuộc làu và lấy làm sách gối đầu giường”.

Những hình ảnh chân dung thi sĩ Nguyễn Bính để lại, ta thấy một khuôn mặt buồn vời vợi, xa xăm. Về diện mạo Nguyễn Bính, nhà văn Chu Văn từng điểm qua: “Nguyễn Bính về Nam Hà, tuổi gần năm mươi, gầy, đen, tóc cắt ngắn gần như trọc. Anh ăn mặc thật giản dị: một sơ mi nâu, một quần ka ki bạc màu, và đôi dép cao su. Toàn bộ hình thức ấy không gợi một vẻ gì một nhà thơ lớn trước - sau này người ta gọi là “thi nhân tiền chiến”. Anh cười đôi mắt nâu, sắc sảo, ánh hơi lạnh, và nụ cười khô, hàm răng ám khói thuốc lào”.

Nguyễn Bính giờ đây đã đi xa chúng ta. Nhưng những bài thơ, câu thơ Nguyễn Bính để lại cho đời vẫn còn đó. Nguyễn Bính, cũng như bao thi sĩ theo lối “chân quê” khác, luôn được người đọc đón nhận, bởi sự đồng cảm, bởi chung nếp nghĩ, nếp nhìn, nếp văn hoá dân tộc. Thơ Nguyễn Bính, có lẽ là thứ thơ sẽ còn lại cùng với thời gian, bởi sự chân thật, và mang rõ nét tâm hồn Việt Nam.

Đọc thêm