Những con đường oằn lưng cõng xe quá tải trọng
Huyện Hữu Lũng là một địa phương thuộc vùng núi của tỉnh Lạng Sơn, địa hình được phân chia rõ giữa vùng núi đá vôi ở phía Tây Bắc và vùng núi đất ở phía Đông Nam. Phần lớn diện tích ở vùng núi đá vôi có độ cao 450 - 500m và ở vùng núi đất có độ cao trên dưới 100m so với mặt nước biển.
Có diện tích núi đá vôi lớn, nên việc khai thác nguồn khoáng sản này để phát triển kinh tế của huyện từ lâu được coi là một lợi thế. Tuy nhiên, hoạt động khai thác tràn lan trong khi cơ sở hạ tầng chưa kịp đáp ứng đã dẫn đến những hệ lụy rất lớn về giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn huyện Hữu Lũng có 4 tuyến đường tỉnh lộ, trong đó có 3 tuyến chạy qua các mỏ đá đang được khai thác. Cụ thể, đó là các tuyến 242 (Phố Vị - Đèo Cà, dài 26,30km), 243 (Gốc Me – Hữu Liên – Mỏ Nhài – Tam Canh, dài 55km), 244 (Minh Lễ - Quyết thắng, dài 15,80km).
Những tuyến đường này đang ngày đêm bị xe trọng tải lớn chuyên vận chuyển đá từ các mỏ quần thảo. Chúng khiến những con đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Minh chứng là, chạy dọc các đường trên dễ thấy cảnh mặt đường bị rạn nứt, lớp nhựa rải trên mặt bong tróc, ổ gà xuất hiện chằng chịt.
Theo quan sát, các tuyến tỉnh lộ này phần lớn đều chạy qua địa phương đang có mỏ đá được khai thác như: Đồng Tiến, Thanh Sơn, Minh Tiến, Nhật Tiến, Yên Vượng... Ngoài quốc lộ 1A, thì các tuyến đường này là những huyết mạch giao thông của huyện.
Thế nhưng, dọc đường lại có rất nhiều đá to, nhỏ rơi vãi, gây khó khăn cho hoạt động lưu thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Theo phản ảnh của người dân, vào những ngày nắng, mỗi khi các xe tải vận chuyển đá chạy qua, chúng đều kèm theo khói bụi mù mịt. Vào những hôm mưa, đường trở nên lầy lội với chi chít ổ gà.
Tại tuyến đường tỉnh lộ 242, đoạn từ km số 8 đến km26+300 chạy qua địa bàn 5 xã: Nhật Tiến, Minh Tiến, Vân Nham, Thanh Sơn và Đồng Tiến, mỗi ngày có hàng trăm xe có tải trọng lên đến 50, 60 tấn lưu thông. Chúng khiến cho gần 20km đường tỉnh lộ này xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn từ ngã ba Gốc Quý đến Đèo Cà (thuộc địa phận xã Đồng Tiến).
Tương tự, tại tuyến tỉnh lộ 243 từ km0 đến km số 7, và tỉnh lộ 244 từ km0 đến km số 2 tình trạng đường xuống cấp do xe tải vận chuyển đá cũng diễn ra tương tự như tỉnh lộ 242. Đáng báo động, tại đường 243 có 3 cây cầu đoạn qua xã Yên Vượng, là Đèo Phiếu, Gốc Me 1, Gốc Me 2 đang phải oằn mình gánh những chiếc xe có trọng tải gấp nhiều lần trọng tải được phép được lưu thông qua cầu.
Cụ thể, nếu những cầu này có trọng tải cho phép xe lưu thông là 13 tấn, nhưng xe tải lưu thông qua phần lớn đều có trọng tải tới 50, 60 tấn. Gánh quá tải trọng khiến cho mặt cầu bị sụt lún, thành cầu bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập.
“Dọc tuyến đường, việc các xe vượt quá trọng tải lưu thông qua những cây cầu này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng không thấy các lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý. Đây là con đường huyết mạch và độc đạo nối với quốc lộ 1A, của người dân 4 xã phía tây huyện Hữu Lũng, nên mỗi ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện lưu thông. Mỗi lần qua cầu là thêm một lần nơm nớp lo sợ” – Một người dân bức xúc.
Người dân sống dọc theo các tuyến đường phải thường xuyên phun nước để giảm bớt bụi bay vào nhà. |
Sống chung với ô nhiễm
Hiện nay trên địa bàn huyện Hữu Lũng đang có hơn 20 mỏ đá đang hoạt động rải rác… dù các mỏ đá này được cấp phép, nhưng do việc buông lỏng quản lý và kiểm tra, nên trong quá trình khai thác vận chuyển đã gây ra không ít hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.
Có mặt tại những “điểm nóng” về khai thác và vận chuyển đá tại địa bàn huyện nhiều người dân tỏ ra bức xúc. Chị Lương Thị Linh, tại thôn Lân Luông, xã Đồng Tiến cho biết: “Các xe chở đá đều chở đầy mà bạt che thùng thì sơ sài khiến đá thường xuyên rơi xuống đường gây ra nhiều hiểm họa cho người tham gia giao thông. Những xe này lại thường đi với tốc độ cao, nhất là vào ban đêm khiến chúng tôi phải chịu cảnh khói bụi và ô nhiễm tiếng ồn.
Nhiều người sống hai bên đường mất ăn mất ngủ. Trong những lần họp tiếp xúc cử chi tại địa phương, tôi và bà con đều phản ánh về vấn đề này nhưng chờ mãi mà không có ý kiến hồi đáp nào”. Cũng theo chị Linh, nhiều hộ dân sinh sống gần các mỏ đá còn phải gánh thêm hiện tượng nhà bị rạn nứt do dư chấn của nổ mìn.
Tại thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân, nơi tập trung nhiều mỏ đá lớn đang được khai thác, người dân cũng rất bức xúc với việc khai thác và vận chuyển đá của các doanh nghiệp. Trao đổi với ông Vi Hồng Xô, phó thôn Đông Lai, ông Xô cho biết: “Việc khai thác và vận chuyển đá gây ra rất nhiều bức xúc và phiền toái cho người dân trong thôn. Mỗi lần các mỏ cho nổ mìn và nghiền đá thì khói bụi bay khắp làng. Hầu như các nhà gần mỏ đá và gần đường cả ngày phải đóng kín cửa và che bạt để tránh bụi.
Ô nhiễm về tiếng ồn cũng làm cho cuộc sống của người dân phải khổ sở, rồi nguy cơ về các bệnh đường hô hấp là rất cao. Mỗi lần có các cấp về họp tiếp xúc cử chi bà con đều phản ánh rất nhiều,các cấp lãnh đạo cũng có hứa hẹn nhiều phương án giải quyết khác nhau nhưng hơn 10 năm nay chưa có phương án nào được thực hiện”.
Việc khai thác và vận chuyển đá trên địa bàn huyện Hữu Lũng, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn người dân tại các điểm khai thác và dọc theo các tuyến đường vận chuyển, nhiều hệ lụy xấu về môi trường và an toàn giao thông vẫn đang diễn ra hàng ngày.
Người dân thì sống trong thấp thỏm lo âu, ra đường sợ gặp phải các hung thần chạy với tốc độ cao, về nhà thì sợ khói bụi và tiếng ồn. Thiết nghĩ việc khai thác tài nguyên khoáng sản để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, với lợi thế có 25% địa hình là núi đá, là chủ trương đúng của huyện Hữu Lũng.
Tuy nhiên, việc khai thác không gắn liền với bảo vệ môi trường, thiếu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, buông lỏng kiểm tra, giám sát… về lâu dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy và bức xúc của người dân.