Ngày 9/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mưa lớn vẫn diễn ra trên diện rộng, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị ách tắc, nhiều khu vực bị chia cắt và sạt lở đất, có nơi bị cô lập hoàn toàn; nước trên các sông: Nhật Lệ, Kiến Giang, Long Đại đã vượt mức báo động 3.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình chiều 9/10, tỉnh này có hơn 12.600 ngôi nhà bị ngập. Trong đó, huyện Lệ Thủy có hơn 7.600 nhà, huyện Quảng Ninh hơn 4.300 nhà. Tại “rốn lũ” Tân Hóa (huyện Minh Hóa), hơn 550 ngôi nhà đã bị ngập sâu từ 1m đến 2,5 m, người dân phải chuyển sang tránh lũ trên những nhà phao.
Những ngôi nhà ngập sâu từ 1m - 2,5m trong nước ở “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. |
Theo ghi nhận của phóng viên PLVN, tại nhiều địa phương của Quảng Bình, nước lũ vẫn đang dâng lên dù chậm, khiến người dân tại các vùng này không khỏi lo lắng. Trên Quốc lộ 1A, đoạn qua nhiều xã phía Nam tỉnh Quảng Bình bị ngập, nhiều phương tiện không di chuyển được phải đổi hướng lên đường mòn Hồ Chí Minh.
Lũ bao vây tứ bề nhà dân xã Tân Hóa. |
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường về các địa bàn xung yếu kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó lũ lụt và yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ) để chủ động ứng phó với thiên tai. Nhờ vậy, nhiều địa phương đã giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa, lực lượng chức năng đã di dời 148 hộ với 515 người cùng tài sản đến nơi an toàn, hàng trăm hộ dân khác cũng đã được lên phương án di dời khi cần thiết.
Công an Quảng Bình giúp dân di dời tài sản tránh lũ trong đêm. |
Tại các khu vực bị chia cắt, nước dâng cao, ngập lụt, lực lượng Công an đã túc trực và điều tiết giao thông; nhiều tuyến đường bị sạt lở hư hỏng đã được cảnh báo, canh giữ. Bà Lê Thị Mùi (người dân ở xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa) cho biết: “Nhờ có lực lượng công an, chính quyền địa phương luôn có mặt sẵn sàng, tích cực hỗ trợ, sơ tán người dân kịp thời nên bà con rất chủ động trong việc chống lũ”.
Người dân “rốn lũ” Tân Hóa di chuyển bằng thuyền giữa tứ bề nước ngập |
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, nhận định tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, cơ quan này chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động các phương án ứng phó, không bị bất ngờ. Tại các khu vực xảy ra lũ lụt như ở huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy… lực lượng địa bàn và dân quân tại chỗ đã được huy động để giúp đỡ bà con.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuyên Hóa và dân quân tự về giúp dân di dời tài sản tránh lũ. |
Tại các địa phương thuộc khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương lên phương án điều động hàng trăm cán bộ chiến sĩ, trực 100% quân số, hàng chục phương tiện xe ô tô, ca-nô đến các địa bàn xung yếu để giúp dân.
Lực lượng Biên phòng Quảng Bình dùng dây thừng cứu hộ tàu cá cùng ngư dân bị sóng đánh dạt ra biển. |
Đồn Biên phòng Nhật Lệ thông tin vào chiều 9/10, lực lượng này đang phối hợp với các lực lượng thực hiện trục vớt 1 tàu cá khác bị chìm khi neo đậu trên sông Nhật Lệ (phường Đồng Hải, TP Đồng Hới). Con số ước tính thiệt hại của chủ tàu lên đến hàng trăm triệu đồng.