|
Ngọc Linh nằm giữa lưng chừng mây, mang trong lòng nhiều điều huyền bí |
Chiều cao xấp xỉ 2600m, Ngọc Linh là ngọn núi cao thứ hai Việt Nam với thế núi cao sừng sững, chạy dài ra biển Đông. Đó là ngọn núi thiêng còn mang trong mình nhiều điều kỳ bí chưa được khai phá. Là ngôi nhà sinh tụ người Xê Đăng từ bao đời nay.
Ngọc Linh là dãy núi non bao trùm 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai tựa lưng vào nhau, có điểm bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở tây bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía đông nam. Bên cạnh đình Ngọc Linh cao nhất (2.598 m), xung quanh còn có những “người anh em” là đỉnh Mường Hoong (2.400m), Ngọc Phan (2.251m), Ngọc Lum Heo (2.116m), Ngọc Kơ-ring (2.066m), Ngọc Bôn Sơn (1.939m).
Vùng đất Ngọc Linh còn ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí về thuở hồng hoang của loài người, được lưu truyền cho đến ngày nay. Trong đó, nhiều câu chuyện chỉ còn tồn tại trong tiềm thức của rất nhiều già làng, người lớn tuổi nơi đây về một vùng đất hoang sơ, huyền bí một thời chỉ có hổ, báo tung hoành. Đồng thời nơi đây cũng là xứ sở thần tiên với cảnh sắc hữu tình như chốn bồng lai tiên cảnh.
Nhìn từ xa xa, núi non hùng vĩ Ngọc Linh trập trùng hiện ra trong làn mây trắng xoá, đẹp huyễn hoặc như một bức tranh thủy mặc chốn thần tiên. Để lên đến đỉnh Ngọc Linh, du khách phải đi mất hơn một ngày cuốc bộ vượt qua những con đường cao ngất ngưởng, dốc khúc khuỷu, một bên là vực sâu thẳm thẳm, một bên là vách núi dựng đứng.
Ngọc Linh nổi tiếng với sản vật quý hiếm sâm Ngọc Linh của những bản làng Xê Đăng sương mù phủ kín quanh năm cùng sự khắc nghiệt vùng rừng núi cheo leo, dốc đứng. Những cây sâm bất chấp thời tiết, thổ nhưỡng khắc nghiệt đã vươn lên trên dốc đá khô cằn để trở thành vật tinh túy của đất trời, giúp bao gia đình nghèo khó đổi đời. Và với những khách lữ hành, vùng sâm Ngọc Linh còn có sắc trời Sa Pa mù sương, cảnh đẹp của Đà Lạt mộng mơ đến cuốn hút, say đắm lòng người.
Trên đường đi vào trong các thôn bản Xê Đăng, lữ khách như lọt thỏm giữa đất trời trập trùng sương giăng dưới những tán cây cổ thụ tầng tầng lớp lớp đan xen lẫn nhau. Những giọt sương nhỏ qua từng kẽ lá với tiếng kêu tí tách bên tai. Rồi thi thoảng chợt thấy lạnh buốt khi từng cơn gió núi se lạnh lùa vào người, chạm vào những giọt mồ hôi sau chặng đường dài leo dốc.
Rồi men theo con đường đá dựng đứng, trơn trượt hay lối đi hiểm trở, dốc cheo leo là những bụi hoa dại, cỏ non, rau rừng xanh đến miên man trong tiếng hú gọi của miền sơn cước. Núi rừng Ngọc Linh trong veo như ánh ban mai tỉnh giấc, hiền hậu khác hẳn sự nhọc nhằn, cô độc vốn thấy. Rồi những bản làng Xê Đăng dần hiện ra trong màn sương mờ ảo. Những cánh ruộng bậc thang nằm giữa lưng chừng núi thấp thoáng giữa trời cao, vực sâu. Trên đường đi có thể đưa tay ngắt cụm rau quen thuộc như diếp cá, rau má, rau mã đề đang là là quanh chỗ bạn ngồi, nhấm nháp vị đăng đắng trên môi hoặc vò nát những đọt chè xanh mát đậm vị rừng.
Mối lúc dừng chân mỏi, du khách có thể đưa tay hứng những làn mây trắng cứ lãng đãng xung quanh mình. Hay thậm chí muốn ùa mây vào mặt cho tận hưởng cái mát rượi của núi rừng.
Bản làng Xê Đăng bồng bềnh giữa lưng chừng mây của núi Ngọc Linh có rất nhiều nók, và mỗi nók nhà nằm khá xa nhau. Nók gần nhất tính từ đi bộ gần 1 giờ, nók xa nhất cũng một ngày trời. Tất cả thử thách những đôi chân dẻo dai và sức bền của con người.
Được trải nghiệm đón bình minh sớm mai trên đỉnh núi Ngọc Linh rất tuyệt khi cảm nhận những sợi nắng le lói qua những khe núi trước khi bừng lên xua tan biển mây mù. Còn buổi chiều, mặt trời lặn núi trễ hơn đồng bằng. Trên đỉnh Ngọc Linh dường như 365 ngày mặt trời đều đi vắng khiến cuộc sống trở nên ảo diệu, như thực như mơ. Cửa ngõ những nơi sương mù chùng chình qua ngõ, giăng đầy lối đi, lấp kín từng khe cửa nhà, phủ trùm từng mái nhà sàn nhỏ bé.
Sương đặc quánh như chốn tiên cảnh bồng lai. Đứng dưới hốc cây, triệu triệu giọt sương li ti đầy trong vốc tay, nhỏ xuống người ướt đẫm. Để rồi mỗi khi đêm xuống, trong từng mái nhà sàn, bên ché rượu cần ấm nồng, những chàng trai, cô gái thỏa sức trong từng điệu hát, bước nhảy đắm say lòng người.