Huyền bí những tập tục dành cho... người chết

(PLO) - Các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau đều có niềm tin riêng về cuộc sống sau khi chết, nhưng đa phần trong số họ đều tin về thế giới bên kia. 

Trong khi phần đông tôn giáo tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia, họ cũng thường tổ chức nhiều nghi lễ tang ma rất huyền bí…

Người chết ngậm... ngô

Người Maya tin rằng thế giới u minh còn được gọi là Xibalba (hay “Vương quốc quỷ dạ xoa”), là một xứ sở ghê rợn với các vị thần và những loài quái thú khát máu. Và thú vị hơn, người Maya lại tin rằng không có cách gì có thể thoát khỏi cõi Xibalba và chỉ có những ai chết do bị bạo lực mới có thể thoát khỏi cõi u minh này. 

Trong nền văn hoá Maya, khi có ai đó chết, người sống sẽ nhét ngô (bắp) vào miệng tử thi, như là thức ăn nuôi dưỡng linh hồn đi qua các vùng đất âm u của cõi Xibalba cũng như là một thứ biểu tượng của linh hồn tái sinh.


Cũng không mấy ngạc nhiên khi trái ngô lại được lựa chọn cho linh hồn đi sang thế giới bên kia, bởi vì ngô, bí và đậu là 3 loại thực phẩm chủ lực của họ. Người ta tin rằng ngô là cây lương thực phổ biến vào thời kỳ cổ đại, được xem là cái cọc cho dây đậu mọc quanh nó, trong khi cây bí mọc dưới đất và khoảng giữa cây ngô, cây đậu (đậu hạt).

Ngoài ngô, người sống còn nhét vào miệng tử thi 1 hoặc nhiều hạt cườm bằng ngọc bích. Một số người tin rằng các hạt cườm ngọc bích được xem là một dạng tiền tệ cho người chết ở cõi âm, trong khi số khác cho rằng chỉ cần 1 hạt cườm ngọc đặt trong miệng người chết cũng giá trị hơn cả núi ngô. 

Tử thi bùa của người Ai Cập

Người Ai Cập cổ đại tin rằng các loại bùa có một số quyền năng ma thuật, có các tác dụng bảo vệ và mang lại may mắn cho người đeo chúng. Họ đeo bùa quanh cổ, cổ tay, ngón tay và mắt cá chân ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi.

Tuy nhiên, bùa cũng là một thứ rất quan trọng cho người chết khi họ sang thế giới u minh. Hàng trăm loại bùa đã được sử dụng trong các đám ma, nhưng sau rốt, việc lựa chọn loại bùa lại dựa trên sự giàu có và tầm ảnh hưởng của cá nhân người quá cố. Mỗi vùng trên xác ướp lại đeo một loại bùa khác nhau trong suốt quá trình tẩm liệm.


Một số loại bùa có thể đặt ở đâu cũng được, trong khi số khác lại tuân theo những quy định nghiêm ngặt và giới hạn vùng đeo. Mỗi loại bùa lại được thầy tư tế đọc một loại thần chú và cách thức đeo bùa khác nhau. 

Loại bùa chú phổ biến nhất là bùa Bọ hung hình trái tim (ảnh), được đặt ngay tim của tử thi nhằm bảo vệ toàn vẹn thân thể khi linh hồn chu du sang cõi diêm giới. Còn một loại bùa khác có tên là Bùa thang, cung cấp cho người quá cố một hành lang an toàn để lên thiên đàng.

Những loại bùa này thường được đề cập đến trong Sách của người chết. Bùa tang lễ còn được sử dụng ở Trung Quốc và công dụng của nó cũng tương tự ở Ai Cập cổ đại. Trong suốt thời đại nhà Hán (202 TCN – 220 SCN) và sớm hơn trước đó, con ve sầu (một biểu tượng vật thiêng đại diện cho sự đầu thai và bất tử) đã được tạo tác thành các loại ngọc ve sầu hay ngọc tang lễ, tử thi bùa, hay bùa lưỡi…

Các loại ngọc bùa này sẽ được đặt ngay trên lưỡi người quá cố và được tin rằng nó có thể giúp người chết sống lại thông qua phép thần giao cách cảm.

Quần áo vỏ cây cho xác ướp

Trong suốt thời hoàng kim của nền văn hóa Aztec, khi một người Aztec thuộc tầng lớp hạ lưu hay trung lưu tạ thế, các bậc thầy tang lễ sẽ tiến hành các nghi lễ an táng cũng như chuẩn bị cho người quá cố sang thế giới bên kia.

Những nghi lễ này bao gồm đổ nước qua đầu tử thi cũng như mặc y phục cho xác chết tùy vào hoàn cảnh lúc sinh thời của người quá cố, tài sản hay hoàn cảnh chết. Lấy ví dụ, nếu người quá cố chết do nghiện rượu, họ sẽ mặc y phục có biểu tượng thần rượu Tezcatzoncatl.

Một chậu nước sẽ được đặt bên cạnh xác nhằm giúp người chết giải khát trong lúc đi sang thế giới u minh. Và một trong những nghi lễ an táng quan trọng nhất là bọc quanh xác một loại giấy làm từ vỏ cây được biết đến với cái tên Amatl.


Việc sử dụng loại giấy tang lễ này cũng được giải thích tỉ mỉ: Giấy an táng Amatl giúp người quá cố đi lại thông suốt mà không gặp bất kỳ nguy hiểm do được canh gác bởi Đại Xà thần. Tổng cộng người ta dùng 6 mảnh giấy Amatl để bọc tử thi. 

Thêm vào đó, thử thách cuối cùng là người Aztec đốt quần áo và 2 tay của người quá cố hy vọng sự ấm áp của lửa sẽ giúp bảo vệ linh hồn thoát khỏi gió lạnh phương Bắc. Ngoài ra, còn có việc giết một con chó Techichi được xem là một phần quan trọng của nghi lễ bởi vì người Aztec tin rằng con chó sẽ đồng hành với người quá cố sang thế giới bên kia.

Một sợi dây buộc quanh cổ con chó nhằm giúp nó có thể lội qua vùng nước sâu của sông Nile. Con chó thường được thiêu hay an táng cùng với người quá cố. Nếu xác người quá cố được thiêu thì tro cốt sẽ được nhặt cho vào lọ, và một miếng ngọc màu xanh sẽ được đặt ở đáy lọ, được xem như quả tim của linh hồn trong thế giới u minh và sẽ tái lập sự sống mới ở đó. 

Hình nhân người chết

Kulap là các hình nhân bằng đá vôi hay đá phiến, từng là một nghi lễ hết sức quan trọng ở Nam Tân Ireland thuộc xứ Papua New Guinea. Những hình nhân kỳ lạ này được sử dụng để tôn vinh người quá cố, được tinh chế bởi các chuyên gia từ vùng Punam thuộc rặng núi Rossel, nơi có nhiều mỏ đá vôi. 

Hình nhân Kulap được xem là tấm thân tạm trên trái đất của người quá cố, ngăn chặn linh hồn họ đi lang thang, vô định quanh các bản làng, nghịch ngợm hoặc gây hại cho người sống ở làng. Vì lẽ đó, mỗi khi có một người qua đời (xuất thân từ các gia đình giàu có), những người đàn ông trong họ tộc của gia đình người chết thường đi một chuyến đến rặng núi Rossel, để đặt làm các hình nhân Kulap nam hay nữ tùy vào giới tính của người mới chết. 


Khi quay về làng, thân quyến của người quá cố sẽ trình Kulap cho tù trưởng của làng, vị này sẽ đem Kulap đặt vào trong ngôi đền cùng với một Kulap khác. Chỉ có nam giới mới được cho phép vào trong miếu để xem kulap cũng như biểu diễn các điệu múa kỳ lạ nhằm tưởng nhớ người đã khuất núi.

Phụ nữ lại tập trung bên ngoài miếu và luôn miệng than khóc, tiếc thương người khuất nẻo. Khi đám ma kết thúc và hình nhân Kulap không còn cần thiết giữ trong miếu nữa, nó sẽ được lấy ra khỏi miếu và bị đập bỏ, một cách nhằm tiễn đưa linh hồn người quá cố sang thế giới bên kia.

Các hình nhân Kulap cuối cùng cũng bị “bỏ rơi” khi đạo Ki Tô được truyền bá ở Nam Tân Ireland vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. 

Đọc thêm