Huyện có số dân đông nhất cả nước đề xuất nâng cấp 4 xã lên thị trấn

(PLVN) - Huyện ủy Bình Chánh xin Thành ủy TP HCM chủ trương để lập Đề án nâng cấp xã thành thị trấn đối với 4 đơn vị Vĩnh Lộc A, Tân Kiên, Bình Hưng, Bình Chánh.
 Một góc Bình Chánh.
Một góc Bình Chánh.

Nội dung trên được Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Hoàng Quân đề xuất tại buổi làm việc với đoàn công tác do Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì ngày 19/3.  

“Đề án sẽ giúp Bình Chánh xây dựng bộ máy chính quyền đô thị phục vụ tốt cho người dân, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay”, ông Quân nói và cho rằng cả 4 xã đều đạt tiêu chuẩn nâng cấp thành thị trấn.

Bình Chánh là huyện ngoại thành ở cửa ngõ Tây Nam của TP có diện tích 252 km2, chỉ đứng sau Cần Giờ và Củ Chi. Đây là huyện có số dân đông nhất cả nước với 711.000 người.

Ông Quân cho biết những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn ngày càng nhanh. Các khu công nghiệp, khu dân cư, hạ tầng giao thông mới được hình thành, phát triển nên đời sống người dân ngày càng cao. 4 xã dân số rất đông là Vĩnh Lộc A (127.000 người), Vĩnh Lộc B (hơn 129.000 người), Bình Hưng (hơn 101.000 người) và Tân Kiên (hơn 60.000 người).

“Quá trình đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao đã tạo nhiều áp lực trong công tác quản lý nhà nước. Bộ máy chính quyền xã - thị trấn có thể nói không theo kịp sự phát triển, áp lực lên đội ngũ cán bộ thực thi công vụ dẫn đến nhiều hạn chế”, ông Quân nói.  

Để tạo điều kiện thuận lợi, giảm tải áp lực trong công tác điều hành, quản lý, người đứng đầu Đảng bộ huyện Bình Chánh kiến nghị thành phố chấp thuận chủ trương cho 4 xã đông dân nói trên được ký hợp đồng lao động từ 5 đến 10 người hoạt động không chuyên trách ở một số lĩnh vực của chính quyền. Ngoài ra, huyện muốn tăng số lượng cán bộ, công chức ở những xã dân cư quá đông.

Tại buổi làm việc, nhắc tới kế hoạch thực hiện đề án chuyển một số huyện lên quận tại TP HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định còn nhiều vấn đề của huyện Bình Chánh cần thay đổi trước mắt và tính toán thêm cho phù hợp. Nhất là lĩnh vực trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch trên địa bàn còn nhiều điều đáng lưu tâm.

“Khi chúng ta thành lập TP Thủ Đức, dư luận cũng đặt ra câu hỏi vậy thành phố phía Tây sẽ thế nào? Vấn đề chuyển huyện lên quận cũng kéo theo nhiều việc khác như mua bán đất đai, dịch vụ, nếu không có cách quản lý tốt sẽ bị rối”, ông Nên nói.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu huyện Bình Chánh có những giải pháp cụ thể nhằm vận động người dân cùng tham gia ngăn chặn đẩy lùi suy thoái, tiêu cực. Ban Thường vụ Huyện cần đưa ra quy trình và giao trách nhiệm cụ thể trong việc kiểm tra, giám sát để giảm tới mức tối thiểu sai phạm trên các lĩnh vực.

“Mỗi cán bộ, viên chức, người lao động phải làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài vấn đề chuyên môn, cán bộ cần nắm kỹ quy định của pháp luật về việc mình được làm gì và không được làm gì”, ông Nên nói và cho rằng vấn đề quan trọng nhất của Bình Chánh hiện là công tác cán bộ.

Trước đó, theo báo cáo của Huyện ủy Bình Chánh, sau khi nhận được thông báo kết luận ngày 3/6 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM về những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý đất đai, xây dựng, Bình Chánh đã kiểm điểm 7 tổ chức đảng và 55 đảng viên.

Về mặt chính quyền, 81 cán bộ, công chức bị kỷ luật. Trong đó, 20 lãnh đạo và 47 công chức bị áp dụng hình thức khiển trách; 17 lãnh đạo và 13 công chức bị cảnh cáo; 3 công chức bị hạ bậc lương; 4 công chức bị cho thôi việc...

Đọc thêm