Huyện Đại Lộc 'cán mốc' 20 sản phẩm OCOP đạt hạng sao cấp tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bắt đầu triển khai từ năm 2018, đến nay số sản phẩm đăng ký và được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh của huyện Đại Lộc tương đối lớn; nhiều sản phẩm đã phát huy tính thương mại và khả năng cạnh tranh, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

“Mỗi xã một sản phẩm”- OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị, góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua huyện Đại Lộc luôn chủ động bám sát mục tiêu của Chương trình. Với thực tế tại địa phương, Đại Lộc xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong triển khai Chương trình, phối hợp tốt giữa các ngành có liên quan và các địa phương trong tổ chức thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, địa phương cũng không chạy đua số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng; các sản phẩm khi tham gia cần phải đảm bảo đầy đủ 3 nhóm tiêu chí gồm: sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và chất lượng sản phẩm.

Nhiều sản phẩm OCOP huyện Đại Lộc được công nhận hạng sao cấp tỉnh.

Nhiều sản phẩm OCOP huyện Đại Lộc được công nhận hạng sao cấp tỉnh.

Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao hơn, ngay từ những ngày đầu, huyện Đại Lộc đã tổ chức hội nghị triển khai một cách đồng bộ và sâu rộng cho 18 xã, thị trấn trên địa bàn.

Ngoài triển khai chu trình OCOP thường niên, phát hành phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm cho cộng đồng dân cư để các chủ thể sản xuất nghiên cứu đề xuất sản phẩm tham gia chương trình, huyện Đại Lộc còn triển khai tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các chủ thể sản xuất về các nội dung quy định của Chương trình, về bao bì, nhãn mác hàng hóa, các quy định về môi trường trong sản xuất, về vệ sinh an toàn thực phẩm..., giúp các chủ thể phát triển, nâng cấp, chuẩn hóa sản phẩm thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ,...

Ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Đại Lộc đã có 20 sản phẩm đạt hạng sao cấp tỉnh: 17 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao. Tiêu biểu như sản phẩm bánh tráng Đại lộc của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ái Nghĩa được công nhận OCOP 4 sao lần đầu vào năm 2019 và lần 2 vào năm 2022. Đây là sản phẩm truyền thống, mang tính biểu tượng và thế mạnh của địa phương. Qua nhiều năm phát triển, đến nay, thương hiệu này đã có chỗ đứng vững chắc, khẳng định tên tuổi và được phân phối đi khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Sản phẩm bánh tráng Đại Lộc đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Sản phẩm bánh tráng Đại Lộc đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Ngoài ra sản phẩm Bộ Trang sức Hồn quê của HTX Mỹ nghệ Song Tín và Nước cốt chanh Hồng Vân của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Vân cũng được công nhận 4 sao cấp tỉnh lần lượt vào năm 2020 và 2021.

Bên cạnh đó là những sản phẩm được công nhận 3 sao như: Gạo an toàn Ái Nghĩa; Nấm sò Đại Hiệp; Hương trầm không tăm cao cấp Kỳ nam; Chè Bancha An Bằng; Ổi an toàn Hồ Lộc; Nấm bào ngư tím; Bột ngũ cốc Hồng An; Dầu phộng Đại Hồng; Khổ qua rừng sấy khô Đại Lộc Phát…cũng đã và đang dần hình thành thương hiệu và hứa hẹn sẽ mang đến một luồng sinh khí mới, góp phần tạo nên sự đa đạng, phong phú và khẳng định chất lượng cho hệ thống các sản phẩm OCOP tại địa phương.

Gian hàng trưng bày giới thiệu tại ngày hội sản phẩm tỉnh Quảng Nam.
Gian hàng trưng bày giới thiệu tại ngày hội sản phẩm tỉnh

Quảng Nam.

Trong năm 2023, huyện Đại Lộc dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển 7 sản phẩm mới và phấn đấu đến 2025 sẽ có thêm 15 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó 12 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao. Với tiêu chí củng cố, cải tiến sản phẩm đã có, phát triển mới các sản phẩm có thế mạnh và tập trung vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị chủ lực của địa phương nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, nhất là các HTX để sản xuất các sản phẩm truyền thống; giúp các chủ thể phát triển, nâng cấp, chuẩn hóa sản phẩm và chuyển giao công nghệ...

Việc được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh là cơ hội để chủ các cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng biết đến, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn. Đồng thời, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn một cách bền vững.

Đọc thêm