Huyện Di Linh (Lâm Đồng): Cần giải quyết dứt điểm yêu cầu bồi thường của dân

(PLO) - Việc thi hành phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh đã kéo dài đến 15 năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do UBND huyện vẫn chưa tính thỏa đáng mức bồi thường khiến người dân khiếu nại triền miên.
Ông Phan Ngọc Nguyễn.
Ông Phan Ngọc Nguyễn.

Huyện bán tài sản trước khi tòa xử án

Tại Bản án số 542/PTHS ngày 4/4/2001 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM ngoài việc sửa bản án sơ thẩm, tuyên phạt ông Phan Ngọc Nguyễn (trú tại số 43 Nguyễn Đình Khơi, quận Tân Bình, TP HCM) 4 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì còn buộc ông Nguyễn phải bồi thường cho Ngân hàng Nông nghiệp huyện Di Linh tổng số tiền trên 315 triệu đồng. Bản án cũng tuyên thực hiện kê biên đối với tài sản của Xí nghiệp Liên doanh 20/11 gồm 4,8ha cà phê, chuồng trại nuôi heo và các tài sản đã được kê biên tại biên bản kê biên tài sản ngày 14/7/1992 của Công an huyện Di Linh để đảm bảo thi hành án. Nếu ông Nguyễn tự nguyện bồi thường đầy đủ số tiền chiếm đoạt cho Ngân hàng nói trên thì được giải tỏa kê biên và nhận lại toàn bộ tài sản đã bị kê biên. Ông Nguyễn phải trả lại cho ông Vũ Việt Phương số tiền 100 triệu đồng.

Tháng 8/2001, Ngân hàng yêu cầu thi hành án với khoản tiền hơn 315 triệu theo án tuyên. Thế nhưng tréo ngoe là UBND huyện Di Linh đã bán tài sản kê biên  từ năm 1992, tức là trước khi xử án sơ thẩm 3 năm và trước xử án sơ thẩm… 9 năm. Việc UBND huyện phát mãi toàn bộ tài sản của Xí nghiệp Liên doanh 20/11 trong khi chưa có bản án có hiệu lực của Tòa án là việc làm trái pháp luật, dẫn đến khiếu nại ròng rã của ông Nguyễn.

Mãi đến ngày 37/3/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khi đó cũng là Trưởng ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh có chỉ đạo Cục THADS khẩn trương làm việc với các ngành liên quan và UBND huyện Di Linh kiểm tra, rà soát lại toàn bộ vụ việc, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và đề xuất phương án khả thi để giải quyết dứt điểm vụ việc thì các ngành mới chính thức vào cuộc.

Ngày 2/12/2014 Cục THADS Lâm Đồng có báo cáo đề xuất phương án bồi thường cho ông Nguyễn. Trong báo cáo này nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 24/9/2013 Cục THADS đã phối hợp với UBND huyện Di Linh tổ chức họp để giải quyết vụ việc của ông Phan Ngọc Nguyễn. Cuộc họp thống nhất việc khôi phục lại các tài sản đã bán hóa giá của ông Nguyễn là không thể thực hiện do diện tích đất đã được sang nhượng cho nhiều người, đến nay người nhận chuyển nhượng đã xây dựng nhà ở kiên cố và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp quyền sử dụng đất. Sau khi dẫn ra nhiều cuộc họp, Cục THADS tỉnh thống nhất báo cáo bồi thường của UBND huyện Di Linh bồi thường cho ông Nguyễn hơn 2,7 tỷ đồng. Ngày 27/4/2016, UBND huyện Di Linh đã tổ chức đối thoại với ông Nguyễn với mức tiền nêu trên. Tuy nhiên, ông Nguyễn không đồng ý.

Cần bồi thường thỏa đáng

Theo biên bản, các ngành tính toán bồi thường cho ông Nguyễn diện tích 37.493m2 (tức hơn 3,7ha), tuy nhiên ông Nguyễn khẳng định diện tích phải bồi thường là 4,8ha. Đây là diện tích đất đã thể hiện rõ ràng trong Bản án phúc thẩm số 542/PTHS ngày 4/4/2001 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM. Tại Công văn số 97/VPĐK ngày 25/12/2013 của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Di Linh cũng xác nhận UBND huyện đã cấp 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phạm Trung Viên, 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Phạm Phương Dung với tổng số hơn 50.000m2 (trong đó có hơn 2.000m2 là đường đi nội bộ). Đây là 2 người đã chuyển nhượng lại toàn bộ diện tích đất cho Xí nghiệp Liên doanh 20/11. Vì vậy, diện tích đất phải là 4,8ha chứ không phải chỉ hơn 3,7ha như huyện xác định.

Bên cạnh đó, về vấn đề giá đất, các ngành tính cho ông Nguyễn đơn giá là 46.000đ/m2 theo các quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng, tuy nhiên theo ông Nguyễn vị trí phần đất của Xí nghiệp nằm cách đường Trần Phú chỉ có 150m, từ đường Trần Phú ra quốc lộ 20 chỉ là 900m. Nhưng vì Công văn số 2040 ngày 17/11/2014 của UBND huyện Di Linh ban hành vẫn nằm trong thời điểm phải áp dụng bảng giá các loại đất trên địa bàn huyện Di Linh ban hành kèm theo Quyết định số 69 ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng, thì vị trí đất của Xí nghiệp phải là khu vực 1 và ở vị trí số 1, có giá là 80.000đ/m2. Bên cạnh đó việc xác định bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế của 4.167 cây cà phê  bị mất từ tháng  8/1993 chỉ được tính trên 730 triệu đồng và bồi thường các công trình xây dựng cơ bản cũng chưa thỏa đáng. 

Ngày 25/3/2016, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1971 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) khẩn trương xem xét giải quyết dứt điểm khiếu nại của ông Phan Ngọc Nguyễn liên quan đến việc thi hành bản án (nói trên) theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả giải quyết trước ngày 31/5/2016.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Thọ, Cục trưởng Cục THADS Lâm Đồng thì UBND tỉnh đang giao vụ việc cho UBND huyện Di Linh giải quyết. Thông tin với Báo PLVN, ông Vũ Đức Nhuần, Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND huyện cho biết: UBND huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND thị trấn kiểm tra lại diện tích đất và việc áp giá cho ông Nguyễn có chính xác không. “Trong tuần này Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ có báo cáo cụ thể”, ông Nhuần nói.

Thiết nghĩ, vụ việc đã kéo dài 15 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay huyện Di Linh vẫn “đang giải quyết” gây cho người dân những bức xúc. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, xem xét bồi thường thỏa đáng cho công dân trên cơ sở đúng pháp luật, có lý, có tình.