Huyện Kim Bảng (Hà Nam): Kho xăng về làng, dân “khóc ròng” vì mất đất lúa

(PLO) - Chủ trương của Chính phủ là hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhưng UBND tỉnh Hà Nam lại có chủ trương thu hồi đất hai lúa của nông dân để giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án Kho trung chuyển xăng dầu. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án có biểu hiện thiếu minh bạch, vị trí kho xăng dầu quá sát khu dân cư, trường học và mất đất sản xuất khiến người dân phản đối.
Huyện Kim Bảng (Hà Nam): Kho xăng về làng, dân “khóc ròng” vì mất đất lúa

Kho xăng “đốt”… đất lúa

Phản ánh đến Báo Pháp Luật Việt Nam, người dân thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng đang rất bức xúc trước việc UBND tỉnh Hà Nam đã chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Linh (Cty Hải Linh) xây dựng dự án Kho trung chuyển xăng dầu được cho là “khủng” tại địa bàn thôn Do Lễ. Tuy nhiên, hầu hết người dân nơi đây đều không biết gì về chủ trương này của UBND tỉnh Hà Nam.

Được biết ngày 26/1/2015, tại cuộc họp chi bộ “bất thường”, sau khi nghe Bí thư chi bộ thông báo triển khai thu hồi đất để thực hiện dự án, tất cả đảng viên đều “ngã ngửa” biết việc người dân bị thu hồi đất làm kho xăng dầu. Họ đều cho rằng nếu Nhà nước có quyết định thu hồi đất lúa để phục vụ mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích công cộng thì nhân dân không có ý kiến. Nhưng ở đây tỉnh Hà Nam lại thu hồi đất lúa cho doanh nghiệp tư nhân làm kho xăng dầu, phục vụ lợi ích kinh tế riêng của doanh nghiệp thì chẳng khác nào đẩy người dân đến “chỗ chết”.

Về phía người dân thôn Do Lễ, sau khi nhận được thông báo thu hồi đất, họ đã tỏ thái độ phản đối quyết liệt và hiện chỉ có 30 hộ chấp thuận, còn lại 22 hộ dân kiên quyết không đồng ý. Không giấu nổi sự bức xúc, ông Nguyễn Văn Bình – thôn Do Lễ nói: “Người dân chúng tôi thấy mất hết quyền dân chủ, ngay cả các đồng chí đảng viên cũng không biết gì về dự án này. Chỉ khi thấy Cty đưa máy khoan về thăm dò địa chất, người dân hỏi Trưởng thôn cũng không biết gì. Đến khi dân chúng tôi không đồng tình thì cán bộ lại đến từng nhà vận động, vừa dùng uy tín cá nhân vừa dựa vào “dây mơ rễ má” họ hàng. Hộ nào còn “băn khoăn” thì con em họ đang công tác ở xã hay huyện ngay lập tức bị “ảnh hưởng”. 30 hộ đã nhận tiền đền bù đều có người thân làm cán bộ, công chức sợ bị ảnh hưởng đến công việc của con cái họ”.

Đáng chú ý, gần 6ha diện tích bị thu hồi là đất lúa 2 vụ và có năng suất cao nhất tại địa phương. Bao đời nay, cuộc sống của người dân đều dựa vào ruộng, dân số thôn Do Lễ đông đúc, diện tích ruộng cũng còn rất ít, không nghề phụ, nếu thu hồi nốt thì không biết họ làm gì, lấy gì để sinh sống?

Anh Trần Trọng Hà, lo lắng: “Cách đây chục năm thì dân chúng tôi còn có đồi rừng để sản xuất, chứ giờ cuộc sống phải dựa vào 100% ruộng, nếu bị thu hồi hết thì dân chúng tôi chỉ còn nước chết đói. Toàn người trên 50 tuổi rồi thì biết làm thuê, làm mướn ở đâu mà sống. Dự án quá gần với khu dân cư, trường tiểu học, trường mầm non, nhà văn hóa thôn, về lâu dài, kho xăng dầu lớn như thế thì không thể tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân chúng tôi”.

Thiếu minh bạch…?

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 23/10/2015 UBND tỉnh Hà Nam có Văn bản số 2252/UBND-CT chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng Kho trung chuyển xăng dầu của Cty Hải Linh tại địa bàn thôn Do Lễ, xã Liên Sơn. Ngày 6/11/2015, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục ra Quyết định số 1370/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 cho dự án này.

Để giúp Cty Hải Linh thực hiện dự án, ngày 25/11/2015 UBND huyện Kim Bảng có Thông báo số 95/TB-UBND về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án với diện tích 58,606m2 đất tại địa bàn thôn Do Lễ, khiến hàng chục hộ dân thôn Do Lễ sẽ mất đất lúa canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề trên, bà Ngô Thị Thảo – Phó trưởng thôn Do Lễ cho biết: “Theo quy định thì quá trình thu hồi đất phải được thông báo rộng rãi và lấy ý kiến của nhân dân, nhưng đợt này thì chi bộ và nhân dân không biết gì. Chúng tôi thắc mắc thì tỉnh trả lời phải tranh thủ nếu chậm chạp thì không có dự án?”.

Còn ông Đặng Thế Thật – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sơn cho biết: Dự án xăng dầu của Cty Hải Linh là chủ trương lớn của UBND tỉnh, UBND xã có tổ chức họp chi bộ và những hộ bị ảnh hưởng dự án. Ngay sau khi triển khai dự án, người dân chưa đồng tình nên có hiện tượng mang quan tài ra khu vực triển khai dự án để phản đối, gây ảnh hưởng về an ninh trật tự.

Sau khi triển khai dự án khoảng 1 tháng, với những hộ không ký vào bản kiểm kê thì Đảng ủy xã đã thành lập 2 đoàn đến tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 22 hộ chưa đồng tình và trong số 30 hộ đã nhận tiền thì vừa rồi có 15 hộ lại làm đơn xin trả lại tiền cho xã và tiếp tục không đồng ý. Chủ tịch UBND xã đã xác nhận vào đơn, đồng thời xin ý kiến UBND huyện, nhưng quan điểm của huyện thì các hộ đã nhận tiền là đã bàn giao đất nên huyện không giải quyết đơn nữa.

Hỏi sao không chọn một vị trí khác để đảm bảo đất canh tác cho người dân? Ông Phó Chủ tịch này lại lớn tiếng cho rằng, mặc dù là đất nông nghiệp nhưng đây là chủ trương của tỉnh. Tỉnh chọn chỗ đấy vì trước khi thực hiện dự án họ đã về khảo sát và thấy địa thế làm được, chất đất được nên chọn luôn, xã chỉ thực hiện theo thôi.

Việc người dân phản ứng vì không có quyết định thu hồi đất đến các hộ dân được Phó Chủ tịch xã Liên Sơn giải thích là những hộ mà phối hợp giải phóng mặt bằng thì đã có quyết định thu hồi đất của huyện gửi về từng hộ và chỉ niêm yết tại UBND xã. Người dân có phản ứng là không niêm yết công khai tại thôn.

Được biết, tại điểm a khoản 1 Điều 69 Luật đất đai năm 2013 đã quy định rõ: “Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi”. Thực tế cho thấy UBND xã Liên Sơn chưa thực hiện đúng quy định trên.

Khi phóng viên yêu cầu cung cấp những tài liệu liên quan đến quyết định thu hồi đất thì ông Thật lại từ chối, nói: “Phải liên hệ làm việc với UBND huyện Kim Bảng. Sau đó, có giấy giới thiệu về thì UBND xã mới cung cấp những tài liệu liên quan”. Phóng viên Báo PLVN đã liên hệ làm việc với UBND huyện Kim Bảng, nhưng hiện vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan này.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên.

Đọc thêm