Một hôm, tôn giả Xá Lợi Phất đi truyền giáo ở phương xa, đến trời tối mới trở về, nhưng các phòng xá đều bị các tỳ kheo chiếm hết. Ngại làm ồn ào, tôn giả lẳng lặng ra ngoài sân ngủ dưới gốc cây. Sáng ngày, biết được sự ngủ nghỉ mất trật tự, Đức Phật hỏi lý do, nhóm tỳ kheo lục quần bạch với Phật: “- Xá Lợi Phất không xuất thân từ hàng quý tộc, dòng dõi, do đó Xá Lợi Phất không có quyền có chỗ ngủ riêng, sàng tòa tốt đẹp... “
Để ngăn chặn sự sai trái của nhóm lục quần, Đức Phật dạy:”- Ngày xưa trong núi tuyết có chim chóc, khỉ, voi đồng chung ở. Tuy là bằng hữu nhưng cả ba loài không nhường nhịn nhau, con nào cũng tự cao tự đại định hại nhau. May có một vị tiên giải thích sự phải trái, cả ba loài mới biết kính nhường loài lớn tuổi.
Các Tỳ kheo! Giáo pháp của ta nêu cao phép bình đẳng, nhưng không vì thế mà mất trật tự. Những ai có đạo hạnh cao, pháp lạp nhiều, tuổi lớn phải được cung kính cúng dường, ưu tiên nơi ăn chốn ở được tốt nhất, thực phẩm ngon tươi nhất.” Nghe Đức Phật nói, mọi người đều y giáo phụng hành, nhưng Xá Lợi Phất không vì thế mà ngã mạn, lại cảm ơn sự ưu ái của Phật và sự trọng nể của giáo đoàn.
Khen một cái chết đẹp
Thấm nhuần tư tưởng bình đẳng dù đã chứng Thánh quả, đối với nữ giới, tôn giả vẫn kính trọng. Gần thành Vương Xá trong một khu rừng khi đang ngồi thiền định, bỗng nghe tiếng tỳ kheo ni Ưu Ba Tiên Na kêu cứu ở một khu rừng đối diện, tôn giả Xá Lợi Phất liền xả thiền, vội vàng đi tiếp cứu. Khi tôn giả đến, Ưu Ba Tiên Na lấy lại được sự bình thản và trình bày:
“- Thưa Tôn Giả! Vừa rồi trong lúc đang tọa thiền, con nghe một vật gì láng trơn chạm vào cơ thể, con liền nghĩ có thể đó là một con rắn, tức thì con liền bị rắn cắn, nọc độc của rắn đã ngấm vào người con và con sẽ lìa đời. Xin Tôn Giả thông báo cho chư ni quy tụ về đây để con tỏ lời cáo biệt”.
Bấy giờ sắc diện của Ưu Ba Tiên Na vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Thấy thế, tôn giả Xá Lợi Phất nói với Ưu Ba Tiên Na rằng: “- Chắc không hề gì vì sắc diện của Tỳ kheo không biến đổi”. Ưu Ba Tiên Na thưa rằng: “- Bạch Tôn giả! Với đạo lý của Đức Phật, thân do 4 đại, 5 uẩn, hư vọng hợp thành, không có chủ tể là vô thường, là không, rắn làm sao cắn được cái "Không". Con thầm hiểu như thế nên con không cảm thấy đau đớn, nhờ đó mà nét mặt con không biến sắc”.
Xá Lợi Phất hết lời khen ngợi Ưu Ba Tiên Na và thông báo cho Tỳ kheo, Tỳ kheo ni ở trong khu rừng tập hợp và đưa Ưu Ba Tiên Na ra khỏi hang động. Khi nọc độc của rắn đã ngấm khắp cơ thể, Ưu Ba Tiên Na xả bỏ báo thân, vào cõi tịch diệt Niết Bàn.
Trước các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, tôn giả Xá Lợi Phất ca ngợi Ưu Ba Tiên Na, do đạt được giới “thân tuệ mạng” nên có một cái chết thật đẹp, sắp chết mà sắc diện vẫn không bị biến đổi, tâm hồn lại rất bình thản, đáng cho người tu hành phải noi gương.
Nền móng Tinh xá Kỳ Viễn xưa được tôn giả Xá Lợi Phất chủ trì xây dựng |
Viên tịch
Lại một hôm, khi nghe tin người lão hữu Mục Kiền Liên bị ngoại đạo ám hại tại thành Xá Vệ lúc đang đi thuyết giáo, Xá Lợi Phất vô cùng buồn rầu, suốt mấy ngày liền. Thấy vậy, Phật phải khuyên răn rồi tập họp tất cả tăng chúng báo cho tất cả biết tin Mục Kiền Liên đã vào Niết Bàn, nhân đó Phật cũng báo cho chúng tăng hay sau ba tháng nữa là Phật sẽ vào Niết Bàn.
Cùng lúc nhận được hai tin buồn - Mục Kiền Liên đã chết một cách bi thảm và Phật cũng sắp ra đi - lòng Xá Lợi Phất vô cùng chua xót. Ngày hôm đó, Xá Lợi Phất xin được về quê thăm mẹ và nhập Niết Bàn trước Phật, vì theo tôn giả trong quá khứ các đệ tử hàng đầu đều nhập Niết Bàn trước vị giáo chủ đương thời; hơn nữa, tôn giả không muốn chứng kiến cảnh đau buồn khi Phật nhập Niết Bàn.
Sau khi tạ từ Đức Phật và giáo đoàn, Xá Lợi Phất lên đường về quê nhà tại thôn Ca La Tỳ Ma Ca với một sa di tên là Quân Đầu, gặp lại mẹ của ngài nay đã ngoài 100 tuổi. Ngay trong đêm gặp mẹ già, ngoài vấn đề giảng giải đạo lý của Đức Phật, Xá Lợi Phất bày tỏ tâm sự:
Trước là về quê thăm mẹ, sau cũng xin phép mẹ được từ giã cõi đời tại quê nhà. Tuy có đau buồn nhưng bà Xá Lợi cũng thấy vinh dự có được một người con đạo cao đức trọng, biết trước ngày giờ rời bỏ xác thân để sửa soạn giờ biệt ly vô cùng chu đáo. Sau đó, tôn giả cho gọi dân làng đến để bố giáo và tỏ lời từ biệt.
Trước dân làng, trước môn đồ tứ chúng và có cả vua A Xà Thế, tôn giả bày tỏ tâm tình thiết tha yêu quê hương xứ sở và đem giáo pháp của Phật khuyên bảo mọi người. Đến nửa đêm, mọi vật hoàn toàn yên lặng, tôn giả lạy chào mẹ già, vua A Xà Thế và tất cả những người hiện diện rồi nhập đại định Niết Bàn. Sau khi làm lễ trà tỳ, sa di Quân đầu mang hài cốt tôn giả trở về trình với Đức Phật.
Để giáo đoàn được chiêm bái và nhân thể tán dương Xá Lợi Phất, Đức Phật tập họp đại chúng tỳ kheo lại và dạy rằng: “- Đây là hài cốt của Xá Lợi Phất, một bậc trí tuệ hàng đầu. Xá Lợi Phất là người đã tiếp thu trọn vẹn giáo pháp cao huyền của ta được truyền bá đầu tiên ở phương Bắc, đó là công lao của Xá Lợi Phất.
Trí tuệ của Xá Lợi Phất thật là trí tuệ cao tuyệt, trừ Đức Phật ra không ai bì kịp. Qua trí tuệ đó, Xá Lợi Phất đã thành tựu đạo nghiệp. Bậc đại trí này đã chứng pháp tính, ít muốn biết đủ, siêng năng dũng mãnh, tiến tu thiền định, không cố chấp trước, đối với ngoại đạo luận bàn vô ngại, hoằng truyền chính pháp lợi lạc mọi người, thoát ly sanh tử khổ đau, chứng nhập Niết Bàn”.
Trong hàng Thánh chúng nay trong 10 đại đệ tử của Phật, Xá Lợi Phất đứng hàng đầu. Nhờ có trí tuệ số một biện tài vô ngại, tôn giả đã chinh phục được các luận sư của Bà La Môn ở phương Bắc Ấn Độ khi đến Ma Kiệt Đà để xây dựng Tinh Xá Kỳ Viên. Ngoài trí tuệ, tôn giả còn là nhà kiến trúc đại tài, đã thiết kế và trực tiếp chỉ đạo xây dựng Tinh Xá Kỳ Viên, là trung tâm sinh hoạt văn hóa ngang hàng với trung tâm văn hóa Kiều Tát La, thời Phật còn ở Ấn Độ có hai trung tâm văn hóa lớn nhất là Ma Kiệt Đà và Kiều Tát La.
Khi Đức Phật còn tại thế, Xá Lợi Phất cũng được tín nhiệm và được cử đi bố giáo đầu tiên vì ngoài trí tuệ biện tài, tôn giả còn am tường mọi tập tục, truyền thống của dân tộc Ấn Độ. Mặt khác, Xá Lợi Phất còn là vị có phẩm hạnh cao, khi bị chỉ trích là đã thọ thức ăn bất tịnh, con người khinh mạn, bị lục quần chiếm chỗ ngủ nghỉ ... ngài vẫn từ ái khoan dung không tranh chấp thù oán.
Trí tuệ đã cao mà từ ái lại bao la, Xá Lợi Phất được giáo đoàn kính nể. Đề Bà Đạt Đa là một con người có nhiều tác oai tác quái, đòi thay Phật lãnh đạo giáo đoàn, nhưng đối với Xá Lợi Phất vẫn kính sợ hơn cả Phật.
Sau hết, ngài là con người tha thiết với quê hương với thôn xóm, với mẹ già, với mọi người dân quê. Khi 80 tuổi, Ngài quay về với quê hương để ban bố giáo pháp cho tất cả mọi người rồi mới vào Niết Bàn.
Nhìn chung, với những người xuất gia theo Phật để được gọi là toàn bích phải được đầy đủ 3 đức: An Đức, Trí Đức và Đoạn Đức. Xá Lợi Phất đã thể hiện trọn vẹn, cho nên xứng đáng là vị đứng đầu trong giáo đoàn của Phật. Tôn giả không vì đạo nghiệp giải thoát mà quên mất mẹ già, quê hương thôn xóm, dù đã 80 tuổi vẫn về quê nhà truyền bá nếp sinh hoạt vị tha vô ngã... Xá lợi Phất xứng đáng là một biểu tượng cho tất cả mọi người noi theo.../.