Huyền thoại Biệt động Sài Gòn ngậm ngùi đan sọt, bó chổi kiếm sống

Không ít những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đang sống âm thầm không đòi hỏi giữa đời thường, mưu sinh bằng nghề đan sọt tre, bó chổi đót. Nhiều người một thời từng lập chiến công oanh liệt đang bị lãng quên, thậm chí không được biết đến.

Không ít những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đang sống âm thầm không đòi hỏi giữa đời thường, mưu sinh bằng nghề đan sọt tre, bó chổi đót. Nhiều người một thời từng lập chiến công oanh liệt đang bị lãng quên, thậm chí không được biết đến.

Họ, những người lính anh hùng, bên cạnh niềm tự hào về một thời tuổi trẻ trung liệt đóng góp cho nền độc lập dân tộc, không tránh khỏi những tâm sự chạnh lòng.

Một buổi gặp mặt của các cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn
Một buổi gặp mặt của các cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.

Đội quân bí mật

Có một nguyên tắc “bất di bất dịch” mà sau này vô tình trở thành vướng mắc trong việc tìm kiếm lại những người lính Biệt động thành, đó là nguyên tắc bí mật tuyệt đối, mỗi chiến sĩ chỉ biết thực hiện nhiệm vụ của mình. Ngay cả những người thuộc cùng đơn vị cũng không hề biết mặt nhau.

Trong các cuộc hội ý, họp bàn chiến thuật, tất cả chiến sĩ Biệt động tham dự đều dùng vải che mặt. Đại tá Bảy Sơn giải thích sở dĩ phải “kỹ lưỡng” như vậy nhằm đảm bảo an toàn cho chính các chiến sĩ và cơ sở cách mạng.

“Nếu chẳng may rơi vào tay địch, bị tra khảo tới đâu thì cơ sở cách mạng và đồng đội họ vẫn an toàn. Nếu lỡ ai có muốn khai cũng chẳng biết khai gì, nguyên tắc của Biệt động có thể nói ngắn gọn: Người nào biết việc người đó”, ông Sơn nói.

Chiến công lừng lẫy của đội quân đặc biệt này chính là chuỗi sự kiện tấn công vào Sài Gòn xuân 1968 như trận đánh Dinh Độc Lập, đánh Toà đại sứ Mỹ, hay đánh khách sạn Caravell… Tất cả đã làm nên một cái tên Biệt động Sài Gòn chấn động năm châu.

Tuy nhiên, cũng từ đó lực lượng Biệt động Sài Gòn bắt đầu hao mòn dần và “ẩn danh” vì nhiều lý do.

Trong số họ có người bị chết, người mất tích, người được điều chuyển sang đơn vị khác. Đã có ý kiến lý giải rằng sau cuộc tổng tiến công 1968, địch phản công mạnh mẽ nhắm vào các bàn đạp của lực lượng biệt động nội thành. Bởi vậy các chiến Biệt động buộc phải tạm rút vào căn cứ chờ thời cơ.

Tuy nhiên, theo lời kể một số cựu lính Biệt động thành, thực tế sau năm 1968, lực lượng này đã giải tán. Sau đó không lâu, cấp trên ra quyết định sáp nhập những chiến sĩ Biệt động còn lại vào lực lượng đặc công, cái tên Biệt động Sài Gòn chính thức chỉ còn trong quá khứ.

“Kể từ khi bị sáp nhập, Biệt động Sài Gòn ít được biết đến hơn mặc dù chiến công quá lừng lẫy”, ông Nguyễn Văn Thân, Uỷ viên thường trực Câu lạc bộ Truyền thống vũ trang biệt động nhận định.

Trở lại với ý kiến cho rằng “nguyên tắc bí mật” vô tình trở thành chướng ngại trong việc tìm kiếm những chiến sĩ Biệt động, ông Thân thừa nhận: “Đây chính là một trong những lý do khiến nhiều chiến sĩ Biệt động Sài Gòn bị lãng quên, đơn giản vì chỉ có người chỉ huy mới biết mặt tất cả các thành viên trong đội. Nếu chẳng may chỉ huy qua đời trước, coi như những người này chịu thiệt”.

Nỗi niềm cựu lính Biệt động thành

Sự giải tán chóng vánh và cũng có phần “bí mật” của Biệt động Sài Gòn khiến nhiều người trong số họ bị chìm vào quên lãng. Chẳng hạn như nữ giao liên Ngọc Huệ. Người được ví là linh hồn của Biệt động thành này đượm buồn chia sẻ: “Ngoài cuốn sổ khám chữa bệnh miễn phí tôi chẳng có gì cả. Ngày tôi bán ruộng xây nhà, người ta còn bảo nhà đó do đơn vị xây tặng. Quả thật chỉ có cái tiếng thôi”.

“Bộ đội đặc công biệt động nói chung và Biệt động Sài Gòn nói riêng là một lực lượng tinh nhuệ của quân đội đã thực hiện xuất sắc tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nêu cao tinh thần quyết chiến, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ đáy lòng chúng ta đời đời tưởng nhớ và biết ơn các chiến sĩ Biệt động đã hy sinh vì nước”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Buồn tủi pha lẫn tâm trạng bức xúc, Ngọc Huệ giờ đây không muốn nhắc đến quá khứ của mình. Thậm chí khi loạt bài này được thực hiện, nữ chiến sĩ Biệt động ban đầu không mấy thiện chí cung cấp thông tin. Bà giãi bày vắn tắt: “Nhắc chuyện cũ chỉ thêm hờn tủi”.

Hay như trường hợp một nữ biệt động nữa là bà Trần Thị Thu Nguyệt, nay đã ngoài 70 tuổi (người đóng vai tình nhân đại tá Ngụy trong trận đánh bom khách sạn Caravell) cũng chạnh lòng không kém.

Bà Nguyệt cho biết bản thân gia nhập Biệt động Sài Gòn từ lúc 20 tuổi. Nhưng từ ngày đất nước thống nhất bà chưa nhận được bất kỳ chế độ chính sách nào hay sự quan tâm nào. Thời gian gần đây, Câu lạc bộ Biệt động TP HCM có gọi bà lên làm chế độ chính sách, nhưng thiết nghĩ tuổi già, sống chẳng bao lâu nên bà lại thôi.

“Đất nước mình còn nhiều người cơ cực lắm, tôi xin dành toàn bộ phần chế độ Nhà nước trao tặng để hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tôi già rồi sống chẳng được bao lâu nữa”, bà Nguyệt trầm ngâm.

Một buổi gặp mặt của các cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn
Một buổi gặp mặt của các cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.

Tương tự, cựu chiến sĩ Biệt động từng tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập, ông Trần Văn Hôm có cùng cảnh ngộ. Ông Hôm cho hay kết thúc chiến dịch tổng tiến công Mậu Thân 1968, vì lý do sức khỏe nên phục viên trở về quê sinh sống. Cho đến tận bây giờ đã ở tuổi 70 nhưng ít ai biết ông già ngày ngày kiếm sống bằng nghề đan sọt tre, bó chổi đót đem bán chợ ấy từng là một chiến sĩ Biệt động gan dạ, dũng cảm.

Ông Hôm bộc bạch bản thân không đòi hỏi về những hy sinh quá khứ, đơn giản sự hy sinh đó vì độc lập dân tộc, không có chỗ cho sự toan tính cá nhân. Ông luôn tự hào là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.

Niềm an ủi của những cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn gần đây nhất có lẽ là chỉ thị 290 của Chủ tịch nước năm 2012, nội dung đề nghị các cơ quan tiến hành khen thưởng huân huy chương kịp thời cho những cá nhân, cơ sở Cách mạng đóng góp cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, trong đó có lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Cũng trong năm này, hội nghị 3 đoàn cán bộ tinh nhuệ đại diện 3 miền Bắc Trung Nam gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đã diễn ra long trọng tại Hà Nội. Tại hội nghị, đồng chí Bảy Sơn thẳng thắn trình bày những thiệt thòi của Biệt động Sài Gòn và đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời. Nhờ vậy nhiều cựu chiến sỹ Biệt động thành đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như: Tô Hoài Thanh, Bảy Rổ (tức Nguyễn Văn Thanh), Ba Đen, Bảy Lớp.

Tuy nhiên đó mới chỉ con số rất nhỏ, hiện vẫn còn nhiều nhiều cựu chiến sĩ Biệt động “ẩn dật” giữa xã hội nhưng không ai biết về quá khứ của họ, chưa kể đến những chiến sĩ đã ngã xuống và tên tuổi mãi mãi là một bí mật.

“Câu lạc bộ chưa thể liên hệ, kết nạp tất cả các thành viên từng thuộc lính Biệt động Sài Gòn. Chiến tranh đã khép lại, các đội Biệt động giải tán quá sớm nên có thể nói thiệt thòi của các anh, các chị không hề nhỏ. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, làm hồ sơ xét khen thưởng cho những người bị lãng quên lâu nay”, Uỷ viên thường trực Câu lạc bộ Biệt động TP HCM, ông Nguyễn Văn Thân cho biết.

Với thành tích chiến đấu xuất sắc, lực lượng Biệt động Sài Gòn vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/10/1976, được Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam tặng 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng - Mưu trí vô song - Dũng cảm tuyệt vời - Trung kiên bất khuất”.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm