Huyền thoại ngựa đua náu nghĩa trang chờ thời

(PLO) - Từ ngày trường đua Phú Thọ đóng cửa, ngựa đua bị đưa vào lò mổ, người nuôi ngựa ngậm ngùi kiếm nghề khác mưu sinh. Riêng ông Nguyễn Văn Tường (82 tuổi, thường gọi ông Năm Gò Công) thà chết cũng không bán ngựa, ông dắt bầy ngựa về sống trong một góc nghĩa trang.
Ông Năm quyết không bán ngựa, chờ ngày trường đua hoạt động trở lại
Ông Năm quyết không bán ngựa, chờ ngày trường đua hoạt động trở lại
Hoài niệm vàng son
Lần theo con đường đất mòn, đi sâu vào phía trong nghĩa trang Bình Hưng Hoà, giữa hàng ngàn ngôi mộ bao quanh là nơi gia đình ông Năm sống mấy chục năm qua. 
Từ ngày trường đua Phú Thọ giải thể năm năm 2011, ông Năm thất thểu dắt đàn ngựa về nhà, ngậm ngùi tháo dây cương, cất móng, yên ngựa vào xó bếp. Hầu hết những người nuôi ngựa đều bán tháo những chú ngựa đua một thưở đắt như vàng cho lò mổ, giá rẻ như thịt heo. Chỉ ông Năm giữ lại đàn ngựa 32 con. 
Cụ Năm kể mê ngựa từ nhỏ, biết đánh xe ngựa từ năm 12 tuổi. Chàng trai thoát ly gia đình từ Gò Công (Tiền Giang) lên Sài Gòn chăn ngựa thuê cho điền chủ. 
Năm 1989, trường đua Phú Thọ mở cửa trở lại sau thời gian dài gián đoạn, ông Năm lại có mặt. Ông được thầy Hai Lợi, một người nổi tiếng chăn ngựa từ thời Pháp thuộc nhận làm “đệ tử”. Ông dần dần lĩnh hội được những bí quyết huấn luyện ngựa đua điêu luyện, trung thành với chủ. 
Thời thú đua ngựa thịnh hành, số ngựa đua lên tới hàng nghìn con ở Sài Gòn, cụ Năm được biết đến là người huấn luyện, bán giống ngựa đua tốt bậc nhất. Theo kinh nghiệm của ông, nếu ngựa tốt, ngựa khoẻ, nhưng huấn luyện không giỏi; thì cũng chỉ làm ngựa kéo hay ngựa thịt. Huấn luyện giỏi, ngựa đua mới có thể tuyệt đối trung thành, tuân theo mệnh lệnh của chủ, khi ra đường đua không chỉ nhanh, mạnh, dai sức, mà còn có tác phong đẹp, dũng mãnh. 
Một con ngựa đua thường được lựa chọn rất gắt gao, phải chọn dòng, chọn giống, lý lịch phả hệ kỹ càng. Nếu ngựa cha, mẹ có tốt; ngựa con đẻ ra mới là ngựa đua bản lĩnh. Ngựa đua cũng được đăng ký làm giấy khai sinh, đầy đủ thông tin chi tiết như tên, năm sinh, giới tính, màu lông, đặc điểm nhận dạng, tên ngựa cha mẹ, tên chủ nuôi.
Ngôi nhà góc nghĩa trang nơi ông Năm nương náu
 Ngôi nhà góc nghĩa trang nơi ông Năm nương náu 
“Giấy khai sinh đối với một chú ngựa đua rất quan trọng, vì nếu không có nó, chú ngựa sẽ không được phép tham sự các cuộc đua ở trường đua Phú Thọ. Hầu hết chủ ngựa khi đặt tên ngựa sẽ dựa vào sở thích, hay gửi gắm vào đó một thông điệp, khát vọng. 
Có những chủ ngựa thích đặt theo tên người nổi tiếng trong bóng đá, diễn viên, ca sỹ, phim kiếm hiệp. Ngựa của tôi, con thì tên Lục Tiểu Phục, Mai Trinh, Êlizabet…”, cụ Năm cười. Một lưu ý khác, tên ngựa đua khi ra trường đua cũng không được trùng nhau. Nếu trùng, sẽ phải làm lại giấy khai sinh khá phiền phức. 
Theo cụ Năm, một chú ngựa có tốt hay không, được đánh giá theo 3 yếu tố là ngoại hình, nài ngựa và quan trọng nhất là tài năng chú ngựa thể hiện trong quá trình tập duyệt trước ngày đua.
Chú ngựa thắng trên đường đua, không chỉ đem về vinh quang cho người chủ, mà còn thêm một khoản tiền lớn. Ngoài tiền thắng giải, tiền cá độ thu về lớn hơn gấp nhiều lần. 
Mỗi lần ngựa thắng giải, cụ Năm dùng khoản tiền đó nuôi mấy chục chú ngựa khác. Thời ấy ông sở hữu đàn ngựa giá tiền tỉ, nhưng vì mê mẩn, thương ngựa, nên nhất quyết không bán con nào. 
Nhịn ăn nhường ngựa
Mải mê “chinh chiến” với ngựa, vòng xoáy trường đua cứ hút gia đình ông đi từ nơi này đến nơi khác, đến miếng đất cắm dùi cũng không đủ tiền mua nổi. Sống ở đình Bình Khánh (nằm trong nghĩa trang) được hơn chục năm, người ta xây hàng rào, người và ngựa phải chuyển ra khu đất phía sau đình. Cũng may chủ còn cho thuê, nếu không ông cũng chẳng biết đi đâu. Tiền thuê đất một tháng hơn 1 triệu đồng, thêm tiền ăn uống sinh hoạt cho bầy ngựa hàng chục con, tốn một khoản không nhỏ.
“Để chăm được đàn ngựa béo núng nính như giờ là điều không dễ. Người có thể đói ăn chứ ngựa thì tuyệt đối không. Ngày trước ngựa toàn ăn thóc với gạo. Mà đâu ít, mỗi ngày chúng ăn cả chục kg, ngốn hết vài trăm ngàn. Nhà tôi điêu đứng vì thức ăn cho chúng. 
Cỏ ở nghĩa trang không thiếu, nếu cần đi cắt một buổi là có cả xe ba gác đầy lắc lư, đàn ngựa ăn 3 ngày mới hết. Nhưng ngựa ăn cỏ không thì gầy trơ xương, nhai cỏ cho đỡ buồn miệng thôi, cái chính vẫn phải ăn lúa, gạo”, cụ nói.
Mới đây, cụ Năm đã nghĩ ra món ăn mới cho bầy ngựa, vừa ngon lại rẻ. Sáng sớm, con trai thứ hai của cụ đẩy xe ba gác đến các cơ sở chế biến giá đỗ thu gom vỏ. Mỗi bao vỏ giá gần 10 ngàn đồng, một con ngựa nhai cả ngày lẫn đêm hết hai bao, chỉ bằng một phần giá lúa. Người nhịn ăn nhịn mặc để dồn cho bầy ngựa. 
Cụ Năm chỉ tay về túp lều quây bạt, nilon tứ phía, núp dưới khóm chuối, trông y như cái chuồng gà rồi cười: “Chỗ đấy là “buồng” của hai vợ chồng thằng con cả, còn miếng vách bên cạnh là phòng của thằng út. Vợ chồng tui với hai thằng con khác ở trong này”. 
Có một người ở Hóc Môn ngỏ ý mời ông Năm về huấn luyện cho đàn ngựa mỗi tháng 6 triệu đồng. Ngần ấy tiền, ông có thể sống khoẻ, hơn nữa lại được làm công việc sở trường mình yêu thích, nhưng ông Năm chưa chịu, vì còn “mắc nợ” bầy ngựa ở nhà. 
 
Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng cụ chưa bao giờ thôi hy vọng, mong mỏi một ngày nào đó trường đua ngựa sẽ mở cửa lại. Ông ngồi nhẩm tính đâu mất hàng ngàn tỷ mới hoạt động lại trường đua. Khi ấy, sẽ có người nước ngoài vào đầu tư, có đại gia vào thầu thì ngựa chắc phải đắt lắm. 
Thế nên chưa bao giờ cụ Năm có ý ngĩ sẽ tẩu tán đàn ngựa “ế” đi. Với số lượng ngựa hiện có, bán hết cũng được số tiền kha khá, đủ mua miếng đất ngoại thành, lo cho vợ con no đủ qua ngày. Nhưng cụ bảo, cả đời người, sống cảnh không nhà, không đất quen rồi, há cớ gì phải bán ngựa mua đất. 
Cụ Năm đưa ánh mắt nhìn xa xăm về phía nghĩa trang trước nhà: “Vợ chồng tôi chết chỉ cần thiêu xác là xong. Tôi dặn các con, đứa nào yêu ngựa thì giữ lại nuôi, còn không bán mà chia nhau. Còn tôi sống ngày nào thì ngựa phải bên cạnh ngày ấy”. /.

Đọc thêm