Sau 38 năm, làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) không còn gánh trọng trách lịch sử là “làng giới tuyến quân sự, làng bám đất giữ cờ”, cuộc sống mới đã được dựng xây trên chính đất xưa mà đạn bom xới cày, tan hoang gạch vỡ và hoa vàng độc lập đã rở rộ trên chiến địa xưa…
Những ngày tháng 9 lịch sử này, Khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải như đang trải rộng lòng ra để đón chào những đoàn khách trên mọi miền đất nước và ngoài nước về thăm khu vĩ tuyến 17 xưa chia cắt đôi miền.
Khắp thôn Hiền Lương rợp cờ hoa, nhà nhà được dọn dẹp, đường sá được chỉnh trang, bà con ai cũng khấp khởi tự hào về những năm tháng kháng Mỹ oanh liệt đã qua của làng, của “đất lửa” Vĩnh Linh và những đổi thay sau hơn hơn 38 năm thống nhất đôi miền Nam – Bắc. Ở làng, từ nhiều người trẻ đến những cụ già móm mém vẫn có thể kể vanh vách với chúng tôi về huyền thoại anh hùng của ngôi làng từng là giới tuyến quân sự chia cắt đất nước này.
|
Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải trong ngày hội độc lập thống nhất |
Huyền thoại làng bám đất giữ cờ
Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Sông Bến Hải đoạn qua thôn Hiền Lương, xã VĩnhThành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nằm dọc theo vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến tạm thời chia cắt hai miềm Nam – Bắc. Quân ta thực hiện đúng theo Hiệp định, đâu đó khắc dấu bên cầu Hiền Lương là những phút bịn rịn chia tay ngày tập kết. Nhưng ai nào ngờ, lời ước hẹn hai năm đoàn tụ bỗng dằng dẵng thành mấy ngàn ngày máu lửa. Để nước sông Bến Hải cứ chảy dùng dằng, chồng bên nớ, vợ bên ni vò võ mong chờ, thương nhớ nhau trong cảnh cắt chia hơn 7 ngàn ngày.
Cầu Hiền Lương gánh trên vai suốt cả một chặng sử sách dài oanh liệt. Khúc sông vỏn vẹn chưa đầy 100m. Cầu bắc qua giới tuyến dài 178m với 894 tấm ván và chỉ mất vài phút bộ hành mà cả dân tộc ta ròng rã 21 năm trời đấu tranh mới nối được đôi bờ. Để chiến đấu với Mỹ - ngụy trên cả hai mặt trận chính trị và vũ trang, ngày 10/8/1954, kỳ đài đầu tiên được dựng giữa sân của Đồn Công an vũ trang giới tuyến Hiền Lương. Cột cờ làm bằng gỗ cao 16m, lá cờ may bằng vải sa-tanh đỏ rộng 24m2.
Ngày ấy, hai cột cờ ở hai đầu cầu giới tuyến là cuộc đọ sức đầu tiên giữa ta và địch ở khu phi quân sự. Bên này cột cao hơn thì bên kia lại nâng cao thêm một vài mét, bên này cờ to hơn thì bên kia phải làm cờ to hơn nữa. Người làng Hiền Lương cắt cử người thay phiên nhau lập ra một Trung đội dân quân bám đất giữ cờ trong mưa bom bão đạn quân thù.
Đến tháng 4/1956, Chính phủ ta cho xây cột cờ lớn hiên ngang và kiên cố bằng thép ống cao 34m, trên đỉnh gắn một ngôi sao vàng bằng đồng đường kính 1,2m với hệ thống 15 bóng đèn loại 500W, treo lá cờ có kích thước 134,4m2 (9,6x14m).
Được bảo vệ vững chắc trong nhiều năm liền, đến những năm 1967-1968, cột cờ bị gãy đổ do bom đạn của Mỹ ngụy tăng cường đánh phá. Để dựng lại cũng như kéo lá cờ lên tới đỉnh cột, rất nhiều chiến sĩ cùng dân quân làng Hiền Lương đã anh dũng hy sinh. Kéo được cờ lên, còn phải giữ cờ, nếu cờ bị đạn xuyên rách phải vá ngay, vá thật nhanh. Huyền thoại về những người vá cờ cũng được viết nên từ đó. Tấm lòng khát khao thống nhất, hòa bình hóa thành hành động xả thân vì đất nước, mãi mãi trở thành những huyền thoại bất diệt...
Ở tuổi 81, cụ Hoàng Văn Lễ nay không còn nhớ được hết tên từng đứa cháu nội - ngoại, nhưng ký ức về những tháng năm sống, chiến đấu trong đội dân quân bám đất giữ cờ Tổ quốc thì như vẫn còn nguyên sơ: “Những ngày ấy, quân ta cứ treo cờ Tổ quốc lên bờ Bắc là bị họng súng pháo giặc chĩa vào. Lúc ấy, tất cả những người không cầm súng chiến đấu đều được tập kết ra Bắc, chỉ duy trì một đội dân quân (liên tục bổ sung, thay đổi lực lượng - PV) ở lại túc trực. Thấy các chiến sĩ là đàn ông phải cặm cụi vá cờ mỗi khi bị rách nên nhiều chị em trong làng lúc ấy xin tình nguyện ở lại lo việc ấy”.
Mẹ Nguyễn Thị Diệm (SN 1924) được phong là thủ trưởng đội vá cờ bởi mẹ không những là người vá nhanh nhất, khéo về đường kim mũi chỉ mà lúc vá còn biết chỗ quan trọng nhất trên cờ, đó là ngôi sao vàng năm cánh. Sau ngày Nam – Bắc sum họp một nhà, mẹ Diệm dung dị trở về đời thường, sống với con gái Lê Thị Nguyệt ở huyện Gio Linh (Quảng Trị).
Năm 1992, mẹ qua đời vì một cơn bạo bệnh, trước khi mất, mẹ dặn các con: “Mạ (mẹ - PV) muốn khi nằm xuống, mạ sẽ được về nằm lại bên cột cờ, để ngày ngày mạ vẫn được nhìn thấy cờ bay...”. Năm 2008, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cho mẹ Diệm. Dù mẹ không còn sống đến ngày được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng những lớp người sau sẽ mãi nhắc nhớ về huyền thoại mẹ…
|
Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải hôm nay. |
Cuộc sống mới trên nền gạch vỡ, đạn bom
Đôi bờ Bến Hải, cầu Hiền Lương và kỳ đài Tổ quốc những ngày này được nhuốm ruộm vàng trong ánh nắng cuối thu, cờ Tổ quốc trên kỳ đài vẫn hiên ngang tung bay trong gió. Cầu Hiền Lương cũ nay được giữ lại gần như nguyên trạng để phục vụ hoạt động du lịch, thăm viếng về nguồn.
Ngay cạnh, một cầu mới vững chắc thay thế cầu cũ phục vụ cho hoạt động giao thông vận tải trên QL 1A nối liền Bắc – Nam. Chúng tôi về mảnh làng nhỏ Hiền Lương sau 38 năm im tiếng súng bom và làng quê này đang thay da đổi thịt từng ngày. Con người Hiền Lương vốn gan góc, anh hùng trong chiến trận thì nay bước ra khỏi đạn bom càng vững vàng tay cuốc, tay cày, tay cấy trước thiên nhiên khắc nghiệt.
Đứng bên đường làng, cụ Nguyễn Văn Trợ (76 tuổi) – một cựu dân quân của trung đội bám đất giữ làng ngày ấy - kể với chúng tôi: “Do từng là chiến địa của cuộc đấu tranh giành và giữ kỳ đài Tổ quốc nên sau giải phóng, làng như một bình địa. Sau mấy chục năm bom đạn giặc Mỹ dội xuống, nhà cửa của bà con để lại trước khi tập kết ra Bắc tan hoang hết cả. Nhà tranh cháy rụi đến đen cả cột kèo, cả làng được mấy ngôi nhà gạch cũng bị bom đánh sập, đổ nát. Cứ cắm cuốc xuống vỡ đất trồng cây là trúng phải mảnh bom, quả đạn tiếng nghe chan chát. Ngó (nhìn – PV) lại cảnh ấy sau ngày Bắc – Nam sum họp, tui cứ nghĩ chắc là bà con chẳng ai dám quay trở lại mà bỏ làng đi lập nghiệp nơi khác hết thôi”.
Còn ông Trưởng thôn Hiền Lương - Lê Hữu Hậu, đứng chống cuốc bên đồng ruộng làng, mà tâm sự: “Chiến tranh tàn phá mới chỉ một phần. Làng từ thưở sơ khai vốn đã không đươc ông trời ưu ái nhưng những làng khác trong xã. Bởi ở làng, đất sản xuất đã ít lại toàn đất xấu, ở trên vùng đồng bằng trũng nên lũ lụt hàng năm cứ cuốn phá hết nhiều tài sản, cây trồng của bà con”.
Khắc nghiệt là thế nên theo lời Trưởng thôn Hậu, cách đây vài ba chục năm, người ta có lạc quan đến mấy cũng không nghĩ người làng sẽ gây dựng lại làng xóm được như ngày hôm nay. Hiền Lương bây giờ đã được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Đi dọc từ cổng chào vào Hiền Lương đến cuối làng, đường giao thông nông thôn được trải bê – tông phẳng lì, cả làng nay 100% đều là nhà ở được xây kiên cố, không còn cảnh nhà tranh vách đất như cách đây khoảng chục năm.
Bây giờ về làng, hỏi những gia đình nào làm kinh tế giỏi, cứ nghe bà con thống kê vanh vách rằng: Có gia đình anh Lê Công Thế, rồi Trần Văn Kiện, Lý Văn Tiến, Nguyễn Đình Quý… là những gia đình đi đầu về làm kinh tế với thu nhập từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng mỗi năm thu tầm 2 – 4 trăm triệu đồng. Hiện cả làng có 34 hộ dân đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Bộ mặt làng quê khởi sắc nhanh chóng trong vài năm qua cũng nhờ bà con thu lãi lớn từ nghề này.
Ông Hậu thống kê rằng, làng hiện chỉ có 160 hộ dân nhưng cứ đến mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hàng năm kiểu gì cũng có trên dưới 5 – 6 em đỗ vào các trường đại học. Riêng như gia đình trưởng thôn có 3 đứa con, đứa lớn trước kia học xong ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM thì được trường giữ lại công tác luôn, nay đã lập gia đình, cuộc sống ổn định. Hai đứa sau hiện một đang theo học đại học ở Đà Nẵng, một nữa cũng đã có công ăn việc làm ổn định rồi.
Điều làm bà con Hiền Lương hơi buồn là cả vụ lúa và nuôi tôm thẻ chân trắng của làng năm nay chưa đạt được năng suất như mong muốn sâu bệnh và dịch chuột tàn phá, một số người còn bị thua lỗ. “Nhưng người làng này kiên cường lắm. Trong chiến tranh đạn bom ầm ầm dội xuống vẫn không xô ngã được làng, bà con còn không sợ thì nói chi mấy vụ mùa thất bát.Thua keo này ta bày keo khác, thất bát 1 – 2 vụ thì sang năm gắng sức làm bù, lo chi…”.
Chia tay người Hiền Lương, chúng tôi cứ nghĩ mãi một điều: Phải chăng, chính sự khắc nghiệt của thăng trầm bể dâu lịch sử, của thiên thiên bất trắc đã luyện rèn cho con người “làng giới tuyến quân sự” một thời oanh liệt này một bản tính kiên trì, vững chãi?. Cuộc sống mới độc lập, hòa bình, những ngôi nhà khang trang, những đồng lúa xanh, những mùa vụ bội thu và hoa vàng dưới chân kỳ đài Tổ quốc Hiền Lương – Bến Hải cũng đã nở rộ trên nền đạn bom, hoang tàn gạch vỡ…
Ghi chép của Nguyên Phong – Minh Phương