Huyền thoại và sự thật về Ninja (Kỳ 10): Kẻ trộm vĩ đại

(PLO) - Ishikawa Goemon là một nhân vật huyền thoại của người Nhật. Sống ở thế kỷ 16, ông thường được xem là kẻ trộm vĩ đại nhất trong lịch sử xứ sở mặt trời mọc với khẩu hiệu “trừ gian diệt ác”, “lấy của người giàu chia cho kẻ nghèo”...
Ninja huyền thoại của Nhật cứu con trai trong vạc nước sôi qua phác họa dân gian.
Ninja huyền thoại của Nhật cứu con trai trong vạc nước sôi qua phác họa dân gian.

Tương tự như Robin Hood (nhân vật anh hùng trong dân gian Anh), có nhiều phiên bản khác nhau về cuộc đời của Goemon. Những câu chuyện về ông đã được chuyển thể thành nhiều vở kịch kabuki của Nhật. Ngày nay, ông vẫn là một nhân vật nổi tiếng trong văn hóa đại chúng của người Nhật, hiện diện khá nhiều trong những video game, các bộ phim và trò chơi hoạt hình.

Robin Hood của Nhật

Theo các ghi chép xưa, Ishikawa Goemon sinh vào khoảng giữa thế kỷ thứ 16, khi nước Nhật đang nằm dưới sự cai trị của Mạc phủ Ashikaga - một thể chế độc tài quân sự phong kiến do các tướng của gia đình Ashikaga đứng đầu. 

Đa số đều cho rằng Goemon là con của võ sỹ samurai Ishikawa Akashi sống ở khu vực Kouchi, ngày nay là tỉnh Osaka. Tuy nhiên, một số lại cho rằng, Goemon sinh ở tỉnh Iga – một trong 2 cái nôi của các ninja. 

Tương truyền, cha của Goemon dù phục vụ triều đình nhưng lại tỏ ra bất mãn, không đồng tình với cách thống trị độc tài của Mạc phủ Ashikaga. Do đó, ông và vợ đã bị tay chân của Ashikaga ám sát. Chứng kiến việc cha mẹ bị sát hại đầy oan ức nhưng bản thân còn quá nhỏ không thể làm gì đã khiến Goemon nuôi căm hận trong lòng và thề sẽ trả thù cho cha. 

Chính vì sự căm hận này mà Goemon đã quyết định sẽ không trở thành một samuirai như cha mà bắt đầu cuộc đời của một ninja “siêu trộm”. Goemon đã tới tìm Momochi Sandayu – một trong những người sáng lập trường dạy võ của các ninja ở tỉnh Iga – để tầm sư. 

Được sư phụ thu nạp và yêu quý, cộng với khả năng sẵn có, Goemon sớm trở thành một trong những ninja thành thục. Một số câu chuyện kể rằng, vì bất mãn với cuộc đời và nuôi trong lòng đầy căm hận nên khi trở thành một ninja, Goemon vẫn có tính khí vô cùng tồi tệ. 

Chẳng hạn, ông là một người rất nóng tính, sống không theo một quy tắc, khuôn khổ nào mà chỉ hành động theo bản năng. Thậm chí, ông còn bị cho là nảy sinh tình cảm với cả vợ của thầy. Có tài liệu còn kể rằng hai người đã bỏ trốn khỏi Iga và người tình về sau đã bị chính Goemon giết chết trong một cuộc trốn chạy.

Goemon bắt đầu sự nghiệp trộm cắp ở thành phố Kyoto. Tại đây, ông ta tiếp nhận những người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau và lập thành một băng trộm, bắt đầu càn quét thành phố. Ban ngày, họ giả trang thành những thương lái, lởn vởn xung quanh nhà của những lãnh chúa giàu có để thăm dò tình hình, tìm kiếm mục tiêu. 

Sau khi đã có phương án, cả nhóm mới ra tay nên hầu như ít có thất bại. Nhà cửa của những lãnh chúa, địa chủ ở Kyoto lần lượt bị trộm khoắng sạch, khiến bọn chúng vô cùng hoang mang. Băng trộm của Goemon còn thường xuyên chia đồ mà họ trộm được cho người dân trong vùng. 

Goemon đột nhập vào phòng các lãnh chúa để trộm cắp.
Goemon đột nhập vào phòng các lãnh chúa để trộm cắp.

Hành động này giúp Geomon và băng trộm của ông ta được cho là nhằm phần nào đem đến sự công bằng cho những người thuộc tầng lớp dưới trong một xã hội nằm dưới bàn tay cai trị của những kẻ độc tài. Song, cũng có một số luồng ý kiến trái chiều cho rằng thực chất đó chỉ là cách để họ phân tán sự chú ý, gây nhiễu loạn quá trình điều tra.

Cuộc trả thù tang thương

Có 2 phiên bản khác nhau về nguyên nhân khiến cho siêu trộm của Nhật bị bắt. Nguồn đầu tiên kể rằng một số người thuộc băng nhóm đã bị bắt trong quá trình hành sự. Khi bị tra tấn dã man, họ đã khai ra tên của thủ lĩnh, khiến Goemon bị bắt. 

Phiên bản thứ 2 ly kỳ hơn nhiều. Theo đó, vào năm 1594, Goemon đã đột nhập vào lâu đài của Toyotomi Hideyoshi – nhân vật quyền lực nhất Nhật Bản thời bấy giờ, đang giữ chức quan nhiếp chính của Nhật hoàng. Hideyoshi cũng chính viên quan mà người dân vô cùng căm hận vì sự độc tài, độc ác, thẳng tay đàn áp và bóc lột dân chúng. 

Hideyoshi đã gây quá nhiều tội ác nên luôn duy trì nhiều lớp bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt. Goemon rõ ràng hiểu rằng việc đột nhập như vậy là quá nguy hiểm. Chính vì vậy, người ta cho rằng Goemon đột nhập không phải muốn trộm cắp mà là muốn ám sát Hideyoshi. 

Còn trong những vở kịch của Nhật Bản, nguyên nhân của hành động liều lĩnh là để trả thù cho cái chết của cha mẹ Goemon năm nào vì Hideyoshi chính là kẻ đã sát hại cha của ông.

Chỉ có điều, Goemon đã thất bại ở phi vụ lớn nhất trong cuộc đời. Các câu chuyện kể lại rằng, trong phòng ngủ của Hideyoshi có một chiếc lư hương thần bí, dựa vào luồng gió, nếu có sự đột nhập từ bên ngoài vào, nó kích hoạt hệ thống chuông báo động. 

Khi Goemon bị bắt, người dân vô cùng thương cảm. Tuy nhiên, Hideyoshi là quan nhiếp chính, nắm quyền sinh quyền sát trong tay nên rõ ràng Goemon không thể thoát nạn. Chỉ ít lâu sau đó, 20 thành viên của băng trộm do Goemon lãnh đạo đã bị hành hình bằng hình thức đóng đinh ở gần một con sông. 

Là một kẻ tàn bạo, nắm quyền sau hàng loạt những vụ chém giết, bạo lực và cả những âm mưu chính trị thâm độc, Toyotomi Hideyoshi thậm chí đã đưa ra hình phạt dã man hơn nhiều với gia đình Goemon. Hắn ra lệnh dìm cả gia đình Goemon tới chết trong một vạc nước sôi ở trước cửa đền Nazenji ở Kyoto. 

Những câu chuyện có phần liêu trai kể lại rằng dù không thể cứu được cả gia đình nhưng Goemon vẫn đã cứu được cậu con trai nhỏ Gobei bằng cách giữ cậu bé trên đầu trong suốt quá trình ông bị ném vào vạc nước sôi. 

Sau khi Goemon qua đời, ông trở thành nguồn cảm hứng của người dân Nhật Bản, giúp họ giải tỏa được những bức xúc trong bối cảnh bị kìm kẹp, sống khốn khổ dưới sự áp bức những kẻ độc tài, là nơi để họ gửi gắm những hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Goemon vì thế qua thời gian trở thành nhân vật huyền thoại trong văn hóa của Nhật Bản, xuất hiện dày đặc trong các tác phẩm ở các thể loại khác nhau.

Hoàng tử Yamato thường được xem là ninja đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản. Có điều, chiến thuật ngụy trang của Yamato không phải là mặc trang phục màu đen. Ông cũng không áp dụng các kỹ thuật điêu luyện như tàng hình thường được gắn liền với các ninja. Thay vào đó, ông sử dụng chiến thuật cải trang. 

Theo các ghi chép lịch sử của Nhật, Hoàng tử Yamato sinh năm 71, là con trai của Tướng Keiko – người đứng thứ 12 trong danh sách kế vị của hoàng gia Nhật lúc bấy giờ. Ngay từ khi còn trẻ, với năng lực của mình, Hoàng tử Yamato đã được giao dẫn một đội quân tới đảo Kiushiu để dẹp nhóm phiến quân đang nổi loạn tại đây.

Tuy nhiên, khi đến nơi, sau khi đánh giá binh tình, Hoàng tử Yamato nhận thấy với số lượng binh lính mà ông mang theo sẽ khó có thể tấn công trực diện để giành chiến thắng. Do đó, ông quyết định cải trang thành một vũ nữ để trà trộn vào doanh trại của quân nổi dậy.

Một ngày nọ, khi những kẻ cầm đầu của nhóm phiến quân đang vui vẻ tiệc tùng mừng chiến thắng, Hoàng tử Yamato trong bộ dạng của một vũ nữ đã biểu diễn và lọt được vào mắt xanh của kẻ cầm đầu nhóm nổi loạn.

Đến cuối tiệc, tên này “thưởng” cho vũ nữ bằng cách đưa vào lều của hắn để “vui vẻ”. Khi vào được bên trong, lợi dụng kẻ địch đã say mèm và bất cẩn, Hoàng tử Yamato đã trút bỏ trang phục cải trang và tiêu diệt hắn ngay lập tức. Về sau, Hoàng tử Yamato còn tiếp tục lập được nhiều chiến công khác. 

Đọc thêm