Hy hữu tại Việt Nam:Thuê thang trèo tường vào lễ Phật

Những tiếng rao bán, chào mời, chèo kéo khách của các cửa hàng, các quán ăn đã tạo nên thứ âm thanh vô cùng hỗn độn, xô bồ. Xếp hàng chen lấn để sử dụng dịch vụ, thậm chí thuê thang để trèo vào cổng Tam Quan... là những cảnh tượng nhìn phát hoảng, nhưng lại diễn ra ngay tại chốn cửa thiền linh thiêng.

Những tiếng rao bán, chào mời, chèo kéo khách của các cửa hàng, các quán ăn đã tạo nên thứ âm thanh vô cùng hỗn độn, xô bồ. Đáng tiếc thay những âm thanh chợ búa đấy lại diễn ra ngay tại chốn cửa thiền linh thiêng. Hiện tượng rất phổ biến này diễn ra ở rất nhiều nơi trên đất nước ta vào mùa lễ hội, điển hình như chùa Hương, Yên Tử, chùa Bái Đính...

Chùa Hương đựng tiền công đức bằng... chum

Có mặt tại chùa Hương trong những ngày đầu năm có thể thấy các hoạt động kinh doanh ở đây diễn ra khá đa dạng và phức tạp. Từ kinh doanh tàu thuyền chở khách tới các cửa hàng, các quán ăn được dựng san sát dọc theo đường lên chùa.

Nếu không cẩn thận, du khách rất dễ bị bắt chẹt tiền đò ở Chùa Hương
Nếu không cẩn thận, du khách rất dễ bị bắt chẹt tiền đò ở Chùa Hương

Hình ảnh sông Yến với hàng trăm con thuyền tấp nập đưa du khách vào Chùa trở thành hình ảnh mang đậm chất chùa Hương. Du khách vừa đi vừa thưởng ngoạn cảnh sông núi cho tâm hồn mình thư thái. Tuy nhiên trong các ngày lễ, lượng du khách và phật tử tới lễ chùa rất đông, do vậy đã dẫn tới tình trạng quá tải ở nhiều thuyền.

Trong khi các tàu thuyền ở đây hầu hết không có phao cứu sinh nên khó đảm bảo an toàn cho du khách. Thêm vào đó nhiều chủ thuyền còn ép giá khách du lịch. Giá vé thuyền và vé vào cửa là 85.000đ theo quy định của Ban quản lý, song nhiều thuyền vẫn đòi giá 100.000đ với rất nhiều lí do khác nhau. Nếu không nắm được giá quy định du khách rất dễ bị mất tiền oan.

Bên cạnh chuỗi hàng ăn như những cái lò sát sinh thì các quán sản phẩm bánh kẹo mang thương hiệu Chú Béo dường như cũng rất “nổi tiếng” ở đây.

Nổi tiếng ở đây không hẳn bởi chất lượng bánh ngon mà bởi sự quảng cáo, mời chào hàng rất “nhiệt tình” của chủ quán bằng những chiếc loa ồn ào. Những âm thanh quảng cáo mời chào hàng tạo ra một thứ âm thanh hỗn tạp ở đất chùa. Thử hỏi còn đâu vẻ thanh tĩnh của chốn tâm linh Phật pháp?

Việc vung vãi tiền lẻ được báo chí phản ánh rất nhiều, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn tồn tại dai dẳng. Ở đây hòm công đức một số được thay thế bằng … “chum” công đức. Gọi là chum công đức bởi trong động Hương Tích có những nơi để người đi lễ bỏ tiền có hình thù như cái chum, cái vại mà không đề chữ “Hòm công đức” như bình thường.

Dẫu rằng Chùa Hương là khu du lịch nên hoạt động kinh doanh buôn bán là không thể tránh khỏi nhưng cần kinh doanh cái gì và kinh doanh như thế nào cho hợp lý. Việc kinh doanh thịt thú rừng, hàng ăn mặn và một số mặt hàng khác có thể mang lại lợi nhuận rất lớn nhưng những điều nay rất không hợp lý với văn hóa nơi cửa chùa và giáo lý nhà Phật. Chính quyền chắc biết, ban quản lý chắc chắn hiểu, nhà chùa lại càng hiểu hơn cả,  sao vẫn để vấn nạn này làm nhức mắt dư luận và những người có tâm, mộ đạo và hướng đạo?

Chùa Bái Đính: Muốn vào tam quan phải thuê thang trèo với giá 2000đ.

Đến ngôi chùa hoành tráng Bái Đính ở Ninh Bình, theo chỉ dẫn, chúng tôi cho xe vào bãi gửi xe máy với giá vé 10.000 đồng/lượt. Đến điểm hướng dẫn của Ban quản lý chùa thì có tới chục người hành nghề xe ôm, người bán hàng rong vây quanh dứ tận mặt các sản phẩm đặc trưng nơi đây gồm: tiền lẻ, cơm cháy…

Xe điện ở chùa Bái Đính
Muốn đi xe điện ở chùa Bái Đính, khách phải sống lại cảnh chen lấn thời bao cấp

Năm nay, Ban quản lý chùa Bái Đính đưa 200 xe điện vào phục vụ nhu cầu đi lại của phật tử, du khách trong khu vực chùa. Những ngày lễ hội, lượng khách quá lơn nên đơn vị quản lý phải thuê thêm xe điện của công ty tư nhân (ăn chia theo phần trăm, nếu thuê cả xe Điện lẫn tài xe là 12triệu/ tháng).

Con đường từ ngoài bãi xe điện vào đến cổng Tam Quan nếu đi bộ, có lối đi chưa đầy 1,5 km nhưng còn một lối khác hơn 3,5km dành cho xe điện giá cho 1 khách/ 1 lượt đi và về hết 50 nghìn đồng. Mỗi xe chở trung bình từ 10-12 khách, nhiều lúc khách đông lên đến 15-16 người. Như vậy, mỗi chuyên xe điện thu được từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng. Ai chẳng muốn cuốc bộ thì đương nhiên phải dùng dịch vụ này.

Ngay cả việc mua vé cũng lắm nhiêu khê, khách thì đông, điểm bán vé thì ít nên mua được vé xe phải chen lấn, xô đẩy đến vã cả mồ hôi hột. Mua vé xong còn đến công đoạn rồng rắn xếp hàng để vào bãi lên xe. Vãn cảnh chùa, lễ chùa mà như thể đi mua hàng thời bao cấp. Chuyện lạ chỉ thấy ở chùa Bái Đính.

Một tài xế xe điện cho hay, mỗi ngày họ phảy chạy ít nhất là 20 lượt, có những hôm cao điểm lên tới 30- 35 lượt thu về gần 10 triệu đồng, với hơn 200 xe đem về cho hàng tỉ đồng mỗi ngày. Số tiền không nhỏ này không biết có được quản lý, sử dụng hiệu quả để đầu tư xây dựng, tôn tạo chùa Bái Đính hay không, hay lại là một hình thức mượn cửa Phật để kinh doanh lấy tiền thiên hạ!?

Cạnh cảnh lộm nhộm xe điện kinh doanh thì khi đến Bái Đính còn có nhiều cảnh lạ lùng. Một anh xe ôm tên Thành người địa phương biết chúng tôi là người mới đến chùa Bái Đính lần đầu nên “hét” giá xe ôm từ ngoài bãi vào đến cửa Tam Quan là 30 nghìn đồng nhưng qua vài lần mặc cả cuối giảm xuống 20 nghìn đồng, rẻ hơn so với đi xe Điện là 5.000 đồng một chiều.

Người lái xe ôm chở chúng tôi chạy lòng vòng trên đường rồi rẽ vào xóm Gia Tịnh, nơi chỉ cách cửa Tam Quan của chùa một bức tường, rồi nói một câu khô khốc “bây giờ muốn vào cửa Tam Quan phải dùng thang bắc qua tường với giá 2 nghìn đồng/lượt”.

Một hình ảnh không đẹp, rất nhiều người vào tận đây gửi xe ô tô rồi “leo tường” vào của Tam Quan. Dừng lại quan sát, chỉ trong vòng năm phút đứng ở khu vực này đã có 15 du khách có cả nam nữ, già trẻ lần lượt leo lên thang vượt tường vào chùa lễ Phật.

Dịch vụ kỳ lạ này chẳng phải đầu tư nhiều lại kiếm bộn tiền nên có nơi người ta dựng 3- 4 chiếc thang để phục vụ khách. Theo một người cho thuê thang ở đây thì vào những ngay lễ hội họ thu được từ khoảng 400 nghìn đồng/1 ngày!

Tiến sâu hơn vào khu vực thờ Đức Mẫu và Thánh Cao Sơn, cảnh nhiều du khách ngồi thành từng nhóm khoảng  6-7 người ăn uống tự nhiên, có cả nhóm mang nguyên cả một con gà luộc bày ra đĩa rồi ngồi ăn ngon lành giữa nơi thờ tự.

Điều khiến chúng tôi bất nghờ nhất là ngay tại khu vực này xuất hiện rất nhiều hình thức cờ bạc ngang nhiên hoạt động dưới chiêu  đỏ đen, đoán xu ăn tiền và bao quanh “ nhà cái” là bọn cò mồi chốc chốc lại hô: Thắng rồi!. Anh Nguyễn Văn Thiện, một du khách ở Thái Nguyên thấy bọn cò mồi chơi được tiền tưởng thật nên cũng tham gia và bị thua mất 1,5 triệu đồng, may có người bạn đến kéo đi khỏi chỗ cờ bạc chứ không sẽ bị vét sạch túi. Những trò cờ bạc này diễn ra công khai vậy mà không thấy người của Ban quản lý chùa hay cơ quan chức năng sờ gáy!

Tạm kết

Kết thúc hành trình đi lễ Phật, chúng tôi ra về với tâm trạng không được vui bởi ngay tại những nơi linh thiêng, thanh tịnh này lại diễn ra sự hỗn loạn như một buổi họp chợ. Chùa Hương và Bái Đính mới chỉ là 2 trong số rất nhiều những ngôi chùa nổi tiếng đang bị nhuốm cảnh thương mại hóa xô bồ đầy tục lụy của cõi xô bô.

Đi lễ vì bắt gặp nghịch cảnh làm tâm bất an, làm lòng không vui thì không biết là đang đi lễ Phật hay đang đi trẩy hội xô bồ? Cửa chùa không phải chốn sát sinh và bán buôn họp chợ, đi lễ chứ không phải đi để nhận lấy những đắng đót trong tâm. Rất lạ là đầy những ngôi chùa trang nghiêm, thanh tịnh và khiêm nhường lại vắng vẻ bá tánh thập phương. Không biết nhiều người dân Việt, đi chùa vì lẽ gì?

Phóng viên văn hóa xã hội

Đọc thêm