Hy vọng nào cho những bà mẹ sinh 4?

Mới đây, gia đình chị Trần Thị Tình ở Lai Vung – Đồng Tháp ngay sau niềm vui được “trời đãi” những 4 đứa con một lúc, là nỗi lo ập đến về khả năng kinh tế để nuôi dưỡng chúng nên người và cũng là lúc để chúng ta nhìn lại chế độ của Nhà nước đối với các trường hợp đặc biệt này.

Mới đây, gia đình chị Trần Thị Tình ở Lai Vung – Đồng Tháp ngay sau niềm vui được “trời đãi” những 4 đứa con một lúc, là nỗi lo ập đến về khả năng kinh tế để nuôi dưỡng chúng nên người. 

Bốn chị em Bắc - nam - Thống - Nhất
Bốn chị em Bắc - Nam - Thống - Nhất
Không thể trợ cấp vì… khoa học tiến bộ
Không phải bây giờ ở Việt Nam mới có trường hợp sinh tư của chị Trần Thị Tình, mà trước đó, cách đây 35 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng đến thăm, tặng quà cho bốn cô gái Bắc – Nam – Thống – Nhất của vợ chồng bà Bùi Thị Hương – một mậu dịch viên của chợ Hôm thời đó. Không những thế, Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn tặng cho mỗi cháu 5 hào (thời đó một yến gạo tương đương 4 hào) mỗi tháng, sau tăng lên mấy trăm nghìn đồng cho đến khi các cháu 18 tuổi. Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội và Viện Sức khỏe bà mẹ, trẻ em thường xuyên quan tâm chăm sóc sức khỏe, tặng tiền, đường, sữa... Rồi ca sinh tư ở Hưng Yên: Hòa – Bình – Hạnh – Phúc cũng được chính quyền quan tâm hỗ trợ để gia đình yên tâm nuôi dưỡng con, vì đã có lúc người mẹ do quá khổ đã từng có ý định cho hai đứa con cho một nhà báo Nhật…

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội:

 "Một số trường hợp sinh tư trước đây thường được lãnh đạo Nhà nước, địa phương tới thăm, gửi thư chúc mừng, tặng lụa, tặng quà, thậm chí bảo hiểm còn có chế độ trợ cấp hoàn toàn cho mẹ và con cho tới khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Các Quỹ bảo trợ trẻ em sẵn sàng hỗ trợ những trường hợp này nếu nhận được đề nghị từ địa phương và gia đình, với điều kiện có xác nhận của Sở Thương binh Xã hội nơi họ đăng ký hộ khẩu. "

Khi đối diện với trường hợp sinh tư của chị Trần Thị Tình và khó khăn của gia đình chị, xem xét lại chính sách thì thấy do các trường hợp sinh tư quá hiếm (tỷ lệ 1/700.000 ca.) nên chưa có hướng dẫn cụ thể nào về việc hỗ trợ nuôi các bé như lời khẳng định của Tiến sĩ Phạm Việt Thanh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nguyên Vụ phó Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế. 

Thế nhưng, trao đổi với người viết bài này, một chuyên gia pháp lý về lĩnh vực dân số, gia đình nhận định rằng “do các trường hợp sinh tư quá hiếm” không phải là lý do duy nhất, mà còn một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng, thậm chí là chủ chốt trong câu chuyện này.
Đó là hiện nay, khi khoa học tiến bộ việc sinh con bằng phương pháp khoa học (thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm) đã không còn xa lạ nữa, thậm chí với việc sinh con bằng phương pháp khoa học thì sinh ba, sinh tư, hay sinh năm cũng không quá hiếm gặp. Đơn cử như trường hợp ca sinh 4 năm 1999 bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm của sản phụ Mai Ngọc Thúy. Thế nên, nếu đặt vấn đề hỗ trợ ở đây cũng là khó. 
Băn khoăn nghỉ thai sản
Theo quy định của pháp luật hiện hành lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 4 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên, cứ thêm một trẻ người mẹ lại được nghỉ thêm 30 ngày. Còn theo Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 vừa được Quốc hội thông qua ở kỳ họp tháng 6/2012 thì lao động nữ sẽ được nghỉ sinh 6 tháng còn trường hợp từ sinh đôi trở lên vẫn giữ nguyên như cũ. Như vậy với trường hợp sinh tư như chị Trần Thị Tình (nếu chị thuộc đối tượng được hưởng chế độ thai sản theo luật lao động) bà mẹ sẽ được nghỉ tổng cộng 7 tháng theo quy định hiện hành và 9 tháng theo quy định mới kể từ ngày 1/5/2013. 

Cách đây 35 năm khi bà Bùi Thị Hương sinh 4, ngoài việc hỗ trợ nuôi dưỡng các con, bản thân bà Hương cũng được cho hưởng 2 lương và nghỉ làm trong thời gian các con chưa tròn 6 tuổi. Sự ưu đãi này sau này đã được bà Hương công nhận là rất hợp tình hợp lý vì nuôi 4 đứa trẻ một lúc là công việc cực kỳ vất vả, do đó người mẹ khó có thể kham nổi những việc khác khi 4 đứa con còn quá nhỏ.

Từ những thông tin này một câu hỏi đặt ra là phải chăng chính sách, pháp luật của dân số, gia đình nước ta nói chung và nhiều mảng khác nói riêng vì chưa có được sự “nhìn xa trông rộng” mà sẽ sớm bị cuộc sống làm cho lạc hậu, bất cập. 

Ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ VH-TT&DL:

“Tuy rằng vấn đề chính sách hỗ trợ cho các gia đình sinh ba, sinh tư và thời gian nghỉ thai sản như thế nào cho hợp lý với những trường hợp này là của bên ngành dân số và lao động xã hội, nhưng từ góc độ gia đình tôi thấy rằng trước mắt cần sớm có sự hỗ trợ kịp thời về kinh tế, tinh thần cho chị Trần Thị Tình để gia đình yên tâm nuôi các cháu. Về lâu dài, chúng ta nên tính đến những quy định phù hợp và dài hơi hơn để hỗ trợ chức năng sinh sản của gia đình nói chung cũng như không để bị rơi vào tình huống bị động như thế này ”.

Dương Nhi

Đọc thêm