Điều kỳ diệu
Khi Garrett Peterson chào đời, các y tá đã không thể xoay đầu cậu bé từ bên này sang bên kia bởi mỗi lần làm như thế, khuôn mặt đứa trẻ bỗng trở nên tím tái đi. Sau khi thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán Garrett bị mắc bệnh Tứ chứng Fallot (tiếng Anh: Tetralogy of Fallot, là một bệnh tim bẩm sinh, với những biểu hiện đặc trưng là tím tái, khó thở...). Biểu hiện bệnh ở Garrett là bé bị hẹp van động mạch phổi, khiến cho lượng máu lên phổi để trao đổi ôxy giảm xuống nhưng áp lực trong phổi lại rất cao. Áp lực này khiến việc hô hấp của Garret vô cùng khó khăn vì bé phải cố thở qua khe nhỏ ở động mạch phổi.
Trong vài tháng trời sau khi con trai chào đời, cô Natalie và chồng đã rất đau đớn khi phải nhìn cảnh tượng đứa con bé bỏng tím tái ngày 4-5 lần, buộc các nhân viên tại bệnh viện phải chật vật để hồi sức cho Garrett. Để giúp bé dễ thở hơn, các bác sỹ đã đặt máy thở cho Garrett và cho bé uống thuốc với liều lượng cao.
Mãi đến tháng 5/2013, cha của Garrett là anh Jake Peterson tình cờ đọc được một bài báo viết về trường hợp một đứa trẻ cũng mắc bệnh về đường hô hấp tương tự như con trai anh, đó là bé Kaiba Gionfriddo. Kaiba bị mắc chứng tắc nghẽn phổi tracheobronchomalacia. Nội dung bài báo cho biết, các bác sỹ đã sử dụng một kỹ thuật chưa từng được áp dụng đối với con người để tạo ra một thanh nẹp được làm từ vật liệu sinh học, từ đó tạo ra lỗ hổng qua đường thở bị hẹp của Kiba. Thanh nẹp này được tạo ra từ một máy in 3D. Kaiba hiện đã 2 tuổi và đã không còn bị chứng khó thở hành hạ.
Đến tháng 12/2013, bệnh tình của Garrett chuyển biến xấu đi nhanh chóng. Hai vợ chồng Peterson vội vã đưa con tới trường Đại học Michigan để cậy nhờ bác sĩ Glenn. Tại đây, sau khi tiến hành chụp CT khí quản và phế quản của Garrett, đồng nghiệp của bác sỹ Glenn là kỹ sư y sinh học Scott Hollister đã sử dụng một máy in 3D để tạo ra một thanh nẹp bằng chất polymer sinh học có tên là polycaprolactone.
Đến ngày 31/1 vừa qua, bác sĩ Richard Ohye, người đứng đầu khoa phẫu thuật tim mạch nhi khoa của Bệnh viện trẻ em C.S.Mott, đã khâu thanh nẹp ở xung quanh khí quản bên phải và bên trái của Garrett để mở rộng đường thở của bé. Các bác sỹ cho biết, trong vòng 3 năm tới, cơ thể Garrett sẽ hấp thụ thanh nẹp vì nó được làm bằng vật liệu sinh học. Trong thời gian đó, đường thở của bé sẽ phát triển mạnh hơn, đồng nghĩa với việc bé sẽ dễ thở hơn và không cần tới máy thở nhiều.
3 tuần sau ca phẫu thuật, bé Garrett đã có thể tươi cười với cha mẹ. “Chúng tôi đã không cười trong suốt một thời gian dài. Khi nụ cười trở lại, mọi thứ thật dễ chịu”, chị Natalie Peterson vui mừng cho hay. Các bác sĩ cho biết, trong vài tháng tới, Garrett có thể sẽ không cần đến máy thở. Đến khi đó, chị Natalie và chồng cho biết 2 người dự định sẽ đưa cậu con trai 18 tháng tuổi của mình về nhà lần đầu tiên kể từ khi bé chào đời.
Kỹ thuật thay đổi cuộc sống
In 3D là quá trình một máy tính xếp nhanh chóng các lớp vật liệu để tạo thành một vật thể từ một mô hình kỹ thuật số. Máy in 3D hiện đang được nhiều ngành công nghiệp sử dụng và nghiên cứu, từ việc in ra các loại đồ chơi, phụ tùng ôtô, những ngôi nhà, vật liệu phục vụ các ngành công nghiệp hàng không, vũ trụ cho tới các loại thịt.
Tai giả được làm từ máy in 3D. |
Hiện nay, in 3D cũng đang phát triển mạnh mẽ trong ngành công nghiệp y khoa. Các công ty như Beltone, chuyên về sản xuất thiết bị trợ thính có trụ sở tại Mỹ, đã sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra các dòng sản phẩm trợ thính mới. Hay công ty Kalamazoo có trụ sở tại Michigan cũng đang sử dụng công nghệ này để sản xuất đầu gối giả phục vụ cho cấy ghép. Sản phẩm này được kỳ vọng sẽ thay thế khớp gối nhân tạo bằng kim loại hay nhựa dẻo như hiện nay. Những chiếc máy in này cũng đã được sử dụng để in chân tay giả.
Bên cạnh đó, máy in 3D cũng đang được sử dụng tạo ra các mô hình các bộ phận cơ thể cho từng bệnh nhân cụ thể để các bác sỹ phẫu thuật sử dụng làm tham chiếu trong quá trình phẫu thuật tái tạo các bộ phận trên cơ thể. Các chuyên gia y tế đang tích cực nghiên cứu về kỹ thuật in 3D bởi nó có thể giảm đáng kể chi phí và cải thiện việc chăm sóc sức khỏe.
Việc có thể tùy chỉnh là một lý do khác khiến cho kỹ thuật in 3D trở nên hấp dẫn đối với việc điều trị trong y học hiện đại.
Mới đây nhất, các bác sĩ tại Hà Lan đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay thế toàn bộ xương sọ bằng phiên bản nhựa do máy in 3D tạo ra cho một phụ nữ 22 tuổi.
Các nhà khoa học cũng đã in ra được mắt giả, xương giả và thử nghiệm thành công ở động vật. Các bộ phận khác như mũi, tai, da nhân tạo cũng đang được thử nghiệm với hy vọng sẽ giúp đáp ứng được nhu cầu cấy ghép các bộ phận của bệnh nhân.
Những rào cản chính
Dù giới y học đang rất lạc quan về việc sử dụng kỹ thuật in 3D trong điều trị bệnh nhưng chi phí đang là một trở ngại lớn. “Điểm khó khăn là kỹ thuật này chưa được bảo hiểm chi trả, các phần mềm lại rất đắt. Để tạo ra được các sản phẩm này, bạn sẽ cần phải có một phòng thí nhiệm và có sự hợp tác từ các khoa phẫu thuật và X-quang”, bác sĩ Frank Rybicki - Giám đốc Phòng thí nghiệm Ứng dụng khoa học hình ảnh tại Bệnh viện Brigham cho hay.
Ngoài ra, một chiếc máy in 3D có độ phân giải cao có giá từ khoảng 40.000 đến 1 triệu USD, mức tiền khó có thể xin được từ ngân sách liên bang Mỹ.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn những rào cản pháp lý quan trọng để có thể đưa kỹ thuật cấy ghép các bộ phận giả được in từ máy in 3D vào sử dụng rộng rãi.
Mặc dù vậy nhưng theo Visiongain, thị trường sản phẩm in 3D phục vụ y chăm sóc sức khỏe sẽ có giá trị đến hơn 4 tỉ USD vào năm 2018.