Theo tục ở quê chồng, hễ ai đến nhà chúc Tết cũng dọn mâm cơm ra mời. Mâm cơm hầu hết là chỉ đụng đũa nhưng chị bưng ra, bưng vào lại dọn dẹp cũng oằn vai. Suốt nhiều ngày Tết, chị làm việc gấp mấy mươi ngày thường. Đó là chưa kể đến chiều ngày mùng 9 Tết, cả họ kéo đến nhà chị ăn uống.
Mà chỉ có đàn ông mới được đi họp họ, ăn uống nên chị và mẹ chồng phải dậy sớm nấu hàng chục mâm cỗ Tết. Ăn uống xong xuôi cũng là đêm muộn. Mẹ chồng có tuổi lại ốm mệt nên chị giục mẹ đi nghỉ.
Nhìn vào bát đĩa la liệt dưới sàn, trên bàn, chị ứa nước mắt và thấm thía hơn bao giờ hết việc làm dâu trưởng.
Đã nhiều năm về làm dâu, lịch trình Tết của gia đình chị chỉ là: Mùng Một, mùng Hai: Mời anh em, nội tộc ăn uống. Mùng Ba, mùng Bốn: Bạn bè của chồng, của bố chồng đến chơi và ăn uống. Từ mùng Năm đến mùng Bẩy, chị tưởng đâu hết Tết rồi lại vẫn tiếp tục khách và khách. Mùng 9 tết là cả họ kéo đến tổ chức ăn họ linh đình.
Tết chỉ ở nhà với rửa, với quét mà tay chân chị mỏi nhừ như đi việt dã, múa côn quyền. Nhớ tết năm thứ hai về nhà chồng, bụng to vượt mặt sắp sinh mà Tết chị vẫn phải chu toàn mọi việc. 11 giờ đêm mùng 4, bố chồng và chồng say nằm ngủ, mẹ chồng đi tắm, nhà chẳng còn ai để gọi, chân không đi vững đến nỗi chị phải… bò từ tầng 1 lên phòng ngủ của vợ chồng ở tầng 3.
Cái cảnh cứ trước tết đến cắm mặt vào lo nào thực phẩm, nào bánh kẹo, bia rượu, hoa, cây cảnh; trong Tết lụt lội trong cơm nước khiến chị Yến mắc bệnh "sợ tết".
Ước mong lớn nhất của chị là được ăn tết như đa số bạn bè là chui tọt đến một nơi nào đó để rong nhan rồi ngủ cho đã đời…
Chị Hoàng Yến tậm sự: “Tết mình muốn về quê ngoại hoặc muốn đi du lịch nhưng chỉ ước mơ như vậy thôi. Không phải vì lí do kinh tế mà nếu mình đi, ai sẽ là người dọn dẹp, cỗ bàn cho nhà chồng dịp tết? Chả lẽ cái gì cũng đổ lên đầu mẹ chồng hết?
Đi làm dâu trong gia đình này chị thấy thương mẹ chồng lắm. Cả đời, mấy chục năm đi làm dâu là mấy chục năm phải chịu cảnh bếp núc, cỗ bàn ngày tết. Như chị mới vài năm đã thấm vào đâu. Với suy nghĩ đó, chị lại cố thêm chút nữa.
Nhưng quả thật, trải qua cái Tết như năm vừa rồi chị phải nghĩ lại: “Tại sao bố chồng cứ bày vẽ, cố định một cái Tết mệt mỏi đến như vậy, khách khứa nhiều như vậy? Chẳng phải bố không nghĩ cho vợ, con hay sao? Không thể cứ chịu đựng những cái Tết mệt mỏi, thiếu vui mãi được!”.
Vậy là năm nay chị đã âm thầm đặt vé đi “du hí” Tết. Đắn đo mãi mới tìm ra cách để ngỏ với chồng, rằng Tết này được đối tác tặng cặp vé đi Singapore mà chưa biết bố trí việc nhà thế nào. Vừa nói đến đấy, chị quá bất ngờ khi chồng nhảy cẫng lên vì… sung sướng. “Tết được đi khỏi nhà rồi. Không phải bù đầu khách khứa, nhậu nhẹt nữa!”.
Thì ra, chồng chị cũng ngán kiểu ăn tết của nhà mình mà không dám góp ý với bố vì ông là người gia trưởng, chưa bao giờ biết nghe ai. Có được sự đồng thuận của chồng, chị và chồng sẽ lựa lời thưa với bố mẹ để tìm cách.. chuồn dịp tết.
...Các nàng dâu đảm, năm nay có còn ai đang âm thầm lên "kế hoạch B" như chị Hoàng Yến, thì mạnh dạn lên, mùa xuân, ai cũng có quyền được thực hiện một vài điều thật bất ngờ.
Tuy nhiên, để sau Tết gia đình vẫn ấm áp, "đào tẩu" là một chiến lược, chí ít trong kế hoạch của mình, cần lobby cẩn thận ông chồng và làm công tác tư tưởng "các phe phái" khác trong nhà, các nàng thân mến ạ!/.