Khi học sinh vướng vào ma túy
Thay vì cắp sách đến trường, em Th., sinh sống ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) phải cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Bình. Mặt nhợt nhạt, lo sợ, Th. nói rằng, em bắt đầu dùng ma túy khi học cấp II, trong một lần dự sinh nhật bạn trong quá karaoke. “Hôm đó em thấy mấy bạn bỏ ra mấy viên màu hồng, đốt rồi cùng hít. Mấy ngày sau bọn em đã biết đó là hồng phiến”. Tôi hỏi, vậy em có sợ không? Th. trả lời: “Thấy các bạn dùng, em cũng dùng, cũng chơi cho vui, cho biết. Thế rồi em đã dùng đến sáu lần, với mấy nhóm khác nhau”.
Để có tiền mua hồng phiến sử dụng, mỗi lần tham gia, mỗi bạn góp 100 nghìn đồng. Đến đầu năm 2018 thì Th. bị công an bắt, đưa vào trại cai nghiện rồi được trả về. Sau lần bị Công an phát hiện, thỉnh thoảng, một số người bạn vẫn rủ rê đi chơi. Nhưng vì thương bố mẹ nên em không đi. Bố mẹ có quản chặt đến đâu thì tụi chúng em vẫn có thể dùng được vì chúng em vẫn đến trường”.
Đó là chia sẻ thật của một học sinh đã rất sợ khi bị quản thúc. Ở những vùng quê Quảng Bình, biết bao tai họa đang rình rập khiến các em có thể vấp ngã bất cứ lúc nào. Lãnh đạo Công an thị xã Ba Đồn cho biết, đầu năm 2018, đơn vị đã phối hợp với Công an xã Quảng Hòa kiểm tra và bắt quả tang một nhóm năm đối tượng đang tổ chức sử dụng ma túy tại nhà một người dân.
|
Sau khi đoạn tuyệt với ma túy, Nguyễn Văn Sỹ trở lại con đường học hành và tình nguyện phụ đạo cho các em học sinh tại nhà |
Điều đáng nói những đối tượng đó chỉ là những đứa trẻ còn khoác đồng phục học sinh cấp II. Không chỉ tụ tập, lôi kéo, cùng nhau góp tiền mua ma túy để sử dụng, sành sỏi hơn, những đối tượng này còn tự chế ra cả một bộ dụng cụ sử dụng ma túy.
Tại hiện trường, Cơ quan Công an đã thu giữ 4 viên nén màu hồng hình tròn, một bộ dụng cụ sử dụng ma túy tổng hợp tự chế. Lê Văn Tương, Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc lo lắng: “May mà các em này bị phát hiện sớm, chứ nếu muộn một thời gian nữa thì sẽ rất khó cứu và chẳng thể nào tiếp tục học hành. Nếu thân vào con đường nghiện ngập thì “đường về” vô cùng gian nan”.
Đồng quan điểm ấy, một giáo viên tỏ ra lo lắng: “Cơ quan chức năng đã thống kê trên địa bàn toàn tỉnh có 67 học sinh, sinh viên nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Nhưng còn những em không có hồ sơ quản lý, gia đình giấu thì làm sao kiểm soát được!”.
|
Những hình ảnh tuyên truyền phòng chống ma túy học đường (ảnh minh họa) |
Theo tìm hiểu tại xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn), từ khi trên địa bàn xuất hiện một số đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh sử dụng ma túy, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy mới được quan tâm hơn. Từ học sinh trung học cơ sở đến phổ thông, nhưng người dân vẫn hoang mang.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Võ Anh Minh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - PC 04 (Công an tỉnh Quảng Bình), cho hay: Qua thống kê trên địa bàn tỉnh đến nay có hơn 2.400 đối tượng liên quan đến ma túy, số học sinh tăng dần. Trong khi đó công tác cai nghiện và quản lý sau cai có hiệu quả thấp, chưa có phác đồ điều trị đối với người nghiện ma túy tổng hợp. Đây là nguyên nhân kéo theo sự gia tăng phức tạp về an ninh trật tự và làm tăng nguồn “cầu” về ma túy.
Thượng tá Võ Anh Minh tỏ ra lo ngại: Các loại ma túy tổng hợp dạng “đá”, dạng viên và các chất gây nghiện như “cỏ Mỹ”, thuốc lắc..., giờ đây không chỉ xâm nhập vào các trường trung học phổ thông mà đã lan sang bậc trung học cơ sở. Tình hình sử dụng ma túy, chất gây nghiện ở cơ sở dịch vụ như quán bar, karaoke… có diễn biến thức tạp. Đáng lo ngại hơn nữa, khi các loại ma túy tổng hợp hiện nay có giá rất rẻ, dễ sản xuất và sử dụng nhưng chưa được đưa vào danh mục quản lý của Nhà nước, nên chưa có chế tài để xử lý.
Đến các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An… chúng tôi cũng chứng kiến nhiều bản làng đã nghèo lại càng nghèo hơn vì ma túy. Ma túy kéo trẻ em ra khỏi môi trường giáo dục, đẩy học sinh xa cái chữ, rơi vào con đường nghiện ngập.
Em Hà Văn Hương và Hà Văn Hùng, con chị Lò Thị Xăm ở xã Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) là một điển hình. Hai em theo chúng bạn chích hút, sinh ra nghiện ngập rồi bỏ học (khi đang học lớp 9). Hùng đã bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, còn Hương chịu sự quản thúc của địa phương, hằng ngày uống thuốc thay thế tại trạm y tế xã Lóng Sập.
Tiếp xúc với chúng tôi, cả Hương và Hùng đều rụt rè, có phần bồn chồn, lo lắng. Hương tâm sự rằng, có lúc đầu óc em thấy ngáo ngơ, thế là bỏ học, ở nhà uống thuốc điều trị nghiện và giúp mẹ làm ruộng. Ông Lò Văn Đức, Trưởng công an xã Lóng Sập thốt lên: “Bố của Hùng và Hương cũng nghiện ngập, chết trong khi đi làm thuê để lấy tiền hút. Bi kịch cha nghiện, con nghiện không còn hiếm nữa, bản làng vắng trẻ em, thanh niên lắm rồi”.
Ông Đức cũng nêu ra những con số rợn người: Hiện trên địa bàn xã có 197 người nghiện, 32 người đang đi cai nghiện bắt buộc, 101 đối tượng đang thi hành án ở các trại giam. Lũ trẻ giờ cũng đua đòi quá!
Chặn nguồn cung để cứu học trò
Lóng Sập cũng như rất nhiều xã ở tỉnh vùng cao Sơn La nghèo đi vì ma túy, mỗi năm có hàng trăm học sinh yếu, bỏ học mà đến nay vẫn chưa có cách khắc phục hiệu quả. Chứng kiến ở nhiều bản, không khí heo hút bao trùm, thanh niên vắng bóng. Nhiều gia đình không chỉ bố, mẹ mà cả con cái cũng mắc nghiện.Điều dễ thấy, do đời sống bà con lạc hậu, kinh tế chưa phát triển, dễ bị kẻ xấu mua chuộc, lợi dụng dẫn đến người lớn thì trở thành mắt xích trong đường dây của chúng, còn trẻ em gánh chịu hậu quả do bố mẹ buông lỏng, xa cái chữ, rơi vào vòng cuốn ma túy.
Trao đổi với lãnh đạo Công an huyện Mộc Châu, Công an huyện Sốp Cộp, khi cơ quan Công an gặp, làm việc với các nhà trường thì các thầy cô giáo hoàn toàn bất ngờ. Đa số các em dính dáng đến ma túy đều có lực học yếu, nhiều em được bố mẹ mua xe máy để đi đến trường học thì cũng bán xe máy để ăn chơi.
Trung tá Mai Hoàng, Trưởng Công an huyện Mộc Châu (Sơn La), cho hay: Chuyện người lớn không giữ được mình, khiến trẻ em mắc nghiện đã và vẫn đang nóng, khi tình hình mua bán, sử dụng trái phép ma túy vẫn chưa hạ nhiệt. Do đó cần rất nhiều sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Trong đó gia đình, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi, giám sát và quản lý con em, học sinh.
Song, để giảm tình trạng ma túy xâm nhập vào đối tượng học sinh, sinh viên, theo ông Lê Trung Tuấn, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), là do hiểu biết của gia đình, giáo viên và học sinh về các loại ma túy rất hãn hữu. Vì nhiều người không hiểu, nên 65% học sinh tò mò và dùng thử; 27% do bạn bè rủ rê, 8% do bị lừa dùng. Do đó, thanh niên học sinh ngày nay có các hành vi, biểu hiện “phê”, ngáo đá không làm chủ được ngày càng nhiều.
Ở cấp cao hơn, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, lưu ý, người sử dụng ma túy hiện đang tập trung ở độ tuổi dưới 35. Đáng chú ý, có 8% người nghiện là học sinh và trẻ vị thành niên. Bởi thế, cần thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị. Tăng dần điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các Trung tâm với lộ trình phù hợp.
Thế nhưng, ở các địa phương, cơ quan chức năng cho rằng mấu chốt là phải chặn được nguồn cung, tức là đánh mạnh vào các đối tượng ma bán trái phép chất ma túy, hạn chế thấp nhất ma túy phán tán ra cộng đồng, “lan” vào môi trường giáo dục. Còn theo Công an tỉnh Quảng Bình, hiện nay phải nhanh chóng khắc phục được sự thiếu đồng bộ của các văn bản pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện; nâng cao đội ngũ y tế cấp huyện, xã trong điều trị hỗ trợ cắt cơn cai nghiện và xác định tình trạng nghiện ma túy; Xây dựng và thành lập được các Tổ công tác cai nghiện ma túy ở địa phương.
Chúng tôi tìm về xóm Eo Rú, xã Hoa Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) để gặp Nguyễn Văn Sỹ, người từng mắc nghiện, nay đã “giã từ quá khứ" và trở thành người dạy phụ đạo học sinh khá tốt ở địa phương. Lớp học tại gia đình Sỹ trở thành mô hình An ninh trật tự của Công an tỉnh Quảng Bình. Sỹ chia sẻ: “Ở đâu bố mẹ lơ là, thầy cô không quan tâm, bạn bè rủ rê thì học sinh dễ trở thành tay sai của ma túy. Em cũng may mắn được cứu giúp, kéo về với con chữ. Em mong xã hội cũng vậy, hãy kéo học sinh về với con chữ, đẩy ma túy xa môi trường học đường”./.